Google khó rời Nga

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang có vị trí vững chắc tại thị trường sở hữu 100 triệu người dùng Internet, trong khi Nga chưa tìm được giải pháp nào thay thế dịch vụ của Google.
Nhiều dịch vụ của Google có vai trò quan trọng tại Nga. Ảnh: Bloomberg.
Nhiều dịch vụ của Google có vai trò quan trọng tại Nga. Ảnh: Bloomberg.

Vài tháng qua, hàng trăm công ty phương Tây, bao gồm một số công ty công nghệ Mỹ như Facebook, Instagram, Twitter, đã quyết định rời khỏi Nga sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ. Trong khi đó, những dịch vụ điển hình của Google như tìm kiếm, bản đồ, Gmail hay YouTube vẫn tiếp tục hoạt động.

Theo CNN, Google và Nga đang đứng trước tình thế mâu thuẫn và khó khăn. Một mặt, với hệ sinh thái Internet chưa đa dạng, Nga có thể đối mặt phản ứng gay gắt từ người dân nếu cấm các dịch vụ phổ biến. Mặt khác, dù lên tiếng phản đối hành động của Nga tại Ukraine, Google vẫn còn những lý do để hoạt động như chiến lược và đạo đức.

Tránh xung đột

Trong một nỗ lực nhằm siết chặt các công ty ở Thung lũng Silicon, vào ngày 27/5, chính phủ Nga đã cáo buộc Google không lưu trữ dữ liệu của người dùng Nga trong nước. Vài tuần trước đó, công ty con của Google tại Nga cũng đệ đơn xin phá sản và tạm dừng hầu hết hoạt động thương mại sau khi chính phủ Nga nắm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng nội địa.

“Việc chính quyền Nga thu giữ tài khoản ngân hàng của Google khiến văn phòng của chúng tôi phải đóng cửa, dừng tuyển dụng, trả lương, thanh toán cho nhà cung cấp cũng như đáp ứng những nghĩa vụ tài chính khác”, đại diện Google chia sẻ với CNN.

Dẫu vậy, Google đã hủy quyết định rút khỏi Nga hoàn toàn và chính phủ Nga cũng dừng các động thái gây áp lực.

“Người dân Nga tin tưởng vào các dịch vụ của chúng tôi để tiếp cận thông tin và chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ miễn phí như Search, YouTube, Gmail, Maps, Android và Play”, đại diện này nói thêm.

Trong khi đó, Maksut Shadayev - Bộ trưởng phát triển kỹ thuật số của Nga - đã bác bỏ lệnh cấm hoàn toàn với YouTube. Với Google, hãng đang có vị trí vững chắc trên thị trường có hơn 100 triệu người dùng Internet.

“Nhiều dịch vụ khác nhau của Google đã giành được thị phần đáng kể ở Nga. Google có thể muốn duy trì những dịch vụ này trong bối cảnh Nga đang thúc đẩy thiết lập chủ quyền kỹ thuật số. Việc rời đi và quay trở lại sẽ rất khó khăn”, Mariëlle Wijermars, trợ lý giáo sư về an ninh mạng và chính trị tại Đại học Maastricht, nhận định.

Nỗ lực giữ chân nhau

Song, một số chuyên gia lĩnh vực Internet cho rằng lựa chọn của Google mang nhiều ý nghĩa về đạo đức hơn là kinh doanh. Theo CEO YouTube Susan Wojcicki, Google có vai trò giúp người dân Nga tiếp cận thông tin đa chiều.

Dữ liệu của Insider Intelligence ước tính 3/4 dân số sử dụng Internet tại Nga, tương đương 77 triệu người, đang sử dụng YouTube. Bất chấp những cảnh báo của chính phủ về việc phải gỡ bỏ nội dung, YouTube vẫn là một trong số ít nền tảng kỹ thuật số kết nối giữa Nga và thế giới bên ngoài.

Từ cuộc chiến tại Ukraine, Nga đang xây dựng Bức màn sắt mới dưới dạng kỹ thuật số. Tuy nhiên, quyết định không cấm những dịch vụ khác nhau của google cho thấy ngành công nghiệp Internet cây nhà lá vườn vẫn bị hạn chế tại Nga.

Không chỉ người dùng phổ thông, chính phủ Nga cũng sử dụng YouTube như một kênh cung cấp thông tin đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Người Nga có thể sử dụng mạng xã hội nội địa VK hay công cụ tìm kiếm Yandex. Song, không có sự lựa chọn thay thế khả dĩ nào cho YouTube. Trước đó, nền tảng RuTube do chính phủ hậu thuẫn đã không phát triển thành công.

Ngoài YouTube, WhatsApp, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Meta (công ty mẹ Facebook), cũng là nền tảng công nghệ phương Tây phổ biến được Nga để yên. Chính phủ nước này cho biết WhatsApp không thuộc danh sách bị cấm do là dịch vụ nhắn tin riêng tư chứ không phải mạng xã hội công cộng.

“Nếu Nga loại bỏ YouTube, không rõ điều gì sẽ xảy ra, chẳng hạn như với hệ điều hành Android. Việc hàng dài công ty công nghệ tuyên bố rời thị trường Nga cùng những tác động của lệnh trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế kỹ thuật số của nước này rất dễ bị ảnh hưởng”, Wijermars chia sẻ.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE