Quay về eMagazine
Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt”

Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt”

Bên cạnh những giải pháp giúp kinh tế phục hồi trong ngắn hạn, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng cần bàn đến những vấn đề dài hạn và bao quát hơn bởi "nếu chỉ bàn theo kiểu 'hà hơi thổi ngạt' rồi 'tiếp sức cầm hơi' thì có lẽ không đủ".  
Như BizLIVE đã thông tin, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững diễn ra ngày 5/12, nhiều giải pháp về gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đã được đưa ra để các chuyên gia cùng bàn luận.
Trong đó, đề xuất về gói hỗ trợ kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP của nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia; hay gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên với quy mô khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% GDP được đông đảo các chuyên gia và doanh nhân cho ý kiến.
Đa phần các chuyên gia đều đồng tình phải có gói hỗ trợ đủ lớn, khả thi và có khả năng thực thi nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm. Song cũng có không ít băn khoăn về khả năng hấp thụ của nền kinh tế khi các gói hỗ trợ, kích cầu được tung ra.
Trao đổi với BizLIVE bên lề diễn đàn, một số chuyên gia trong đó có cả thành viên tham gia soạn thảo gói hỗ trợ đã làm rõ hơn về những đề xuất được nêu ra.
Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” ảnh 1
Về gói đề xuất hơn 800 nghìn tỷ đồng, tôi cho rằng nếu trừ những khoản không thực sự có ý nghĩa phục hồi như các khoản miễn giảm đã chiếm một nửa, còn gói bơm trực tiếp chỉ khoảng một nửa. Tất nhiên, dù chỉ một nữa cũng là tốt.
Song hiện nay chúng ta vẫn chưa làm rõ những ảnh hưởng đến tỷ giá như thế nào khi bơm tiền. Bên cạnh đó, hiện lạm phát của Việt Nam đang rất thấp nhưng giá đầu vào hay chi phí đẩy đang tăng lên nên cần làm rõ được điều này nếu không sẽ gây ra lo ngại về lạm phát cao.
Thứ nữa, nhu cầu của các gói như thế nào cũng chưa được làm rõ. Ví dụ y tế cần bao nhiêu bởi dịch đang phức tạp phải có hỗ trợ đủ để chúng ta yên tâm. 
Đồng thời, tài trợ ở đây không chỉ là tài trợ cho phục hồi. Hiện nay gói mà các chuyên gia đề xuất chỉ cho phục hồi, trong khi cơ bản phần cho phát triển bền vững hiện nay chưa rõ. Tất nhiên trong đó có đề xuất đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng lâu nay chúng ta vẫn nói đầu tư cho cơ sở hạ tầng song có giải ngân được đâu, bây giờ đầu tư thêm sẽ như thế nào.
Cùng với những chương trình trước, bây giờ thêm như đề xuất của nhóm chuyên gia ông Cấn Văn Lực là dành thêm 150 nghìn tỷ đồng thì to thật nhưng các gói cũ vẫn chưa giải ngân được, gói mới này giải ngân ra sao, cần phải làm rõ vấn đề này.
Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” ảnh 2
Tôi thấy gói cho thay đổi cấu trúc phát triển, như câu chuyện đầu tư cho công nghệ thông tin, cho chuyển đổi số đã đủ mạnh chưa, cho công nghệ cao đủ mạnh chưa, cho đổi mới sáng tạo đủ mạnh chưa thì chưa được thảo luận.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ cũng chưa bàn đến những tập trung về mặt cơ chế chính sách để giúp các tập đoàn lớn - hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu được bơm tiền họ sẽ làm được việc lớn và như vậy sẽ tạo động lực cho nền kinh tế mạnh hơn, chứ không chỉ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Tôi cho rằng những lúc này nên tập trung nhiều hơn cho tạo ra thực lực mới, cấu trúc mới cho nền kinh tế. Rõ ràng hiện nay trong các gói đề xuất phần cho các tọa độ lớn là chưa rõ, như phục hồi cho TP.HCM bởi giai đoạn vừa qua suy giảm rất nhanh, bây giờ nhiều thứ đang vướng, cả một TP.Thủ Đức như vậy, làm thế nào để trỗi dậy được. 
Hoặc như vùng Vân Phong (Khánh Hòa) là đặc khu nhưng mấy năm qua bỏ không, hoặc Hải Phòng cũng đang trỗi dậy rất mạnh… Những chương trình này cần hướng tới các dự án lớn, tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào đây nhưng hiện nay các gói hỗ trợ chưa đề cập đến. 
Có lẽ cũng nên bàn sâu hơn về phục hồi cho TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng,... Nếu không chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” rồi "tiếp sức cầm hơi" như thế này có lẽ không đủ. Tất nhiên, nước ta còn khó khăn nhưng có lẽ không khó đến mức không làm được. Chúng ta đang quyết tâm lớn, khát vọng lớn, nếu thiếu thì có thể đi vay, nếu có nguy cơ đe dọa ổn định vĩ mô thì phải tăng cường những giải pháp ổn định vĩ mô, điều này chúng ta có kinh nghiệm rồi. 
Hoặc là vấn đề cơ cấu làm sao để cấu trúc thể chế vực khu vực doanh nghiệp trong nước dậy, vực khu vực nội địa dậy vì xuất khẩu tốt nhưng thực ra phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài. Khu vực doanh nghiệp trong nước yếu thì phải làm thế nào, tại sao lại như vậy? Đến lúc này là lúc định hình để thay đổi chính sách.
Hoặc là cách tiếp cận công nghiệp của chúng ta, lao động bỏ chạy khủng khiếp như vậy. Đó là hệ quả của công nghiệp hóa tầm thấp, lương thấp, đến lúc có sự cố là chịu không nổi nên bỏ chạy hết. Vậy nên cần phải thay đổi nhiều. Hoặc giải ngân đầu tư công vẫn chậm thì phải làm thế nào… 
Đây là những vấn đề phải hết sức chú ý. Nếu không nhân cơ hội này nhìn thấu hết các vấn đề thì khó có được những chính sách "đúng", "trúng" và đủ lớn để hỗ trợ phục hồi và phát triển.
Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” ảnh 3
Lần này nhóm chuyên gia chúng tôi đang tính toán tổng các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác, giá trị danh nghĩa khoảng 10,38% GDP, còn giá trị thực chi từ ngân sách và các quỹ gom vào khoảng 5,5% GDP. Chúng ta quan tâm nhiều hơn vào số thực chi đó, khoảng 5,5% GDP trong vòng hai năm tới.
Tôi cho rằng quy mô như vậy phù hợp, đủ lớn và cũng đủ dài để giúp kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn, đặc biệt cũng khớp với khả năng phục hồi của nền kinh tế. 
Nhóm chuyên gia cũng bàn luận rất kỹ về nguồn lực và huy động nguồn lực. Về nguồn lực chúng tôi thống nhất ý tưởng ban đầu là Quốc hội có thể sẵn sàng chấp nhất mức bội chi ngân sách tăng thêm ở mức 1% hoặc cao hơn một chút mỗi năm trong hai năm tới.
Về huy động nguồn lực chúng tôi đang đề xuất ít nhất là từ 5 nguồn lực khác nhau. Một là chúng ta tiếp tục tiết giảm chi phí thì sẽ có thêm mỗi năm khoảng 20 nghìn tỷ. Thứ hai phải đẩy nhanh tiến trình về cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nếu làm tốt trong hai năm tới có thể đem về khoảng 80 nghìn tỷ.
Nguồn lực thứ ba cũng là lớn nhất chính là phát hành trái phiếu Chính phủ. Thứ tư là cho phép Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi cùng một số tổ chức khác kể cả Bảo hiểm Xã hội tăng cường mua trái phiếu của Chính phủ, và cũng là tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho Chính phủ khi phát hành.
Nếu trường hợp cuối cùng có thể chúng ta phải dùng cả quỹ dự trữ ngoại hối, hiện nay phương án cũng đề xuất huy động khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên đây là phương án cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn có cách để huy động nguồn lực từ các phương án khác, kể cả phương án vay quốc tế. Ví dụ vay của các định chế tài chính phát triển quốc tế hiện nay với mức lãi suất tương đối hấp dẫn. Tất nhiên điều kiện vay có thể khắt khe hơn nhưng nếu có điều kiện vay thuận lợi chúng ta có thể cân nhắc vay của quốc tế khi tình hình cải thiện.
Về vấn đề trong 5 nguồn lực này ưu tiên nguồn lực nào, tôi cho rằng không thể nói ưu tiên nguồn lực nào vì chúng ta cần huy động các nguồn lực để có ít nhất 5,5% GDP trong hai năm tới. Cho nên rõ ràng phải tận dụng các nguồn lực khác nhau và đương nhiên càng nhanh, càng hiệu quả càng tốt.
Song song đó, chúng tôi kiến nghị chúng ta phải làm sao giúp nền kinh tế có thể hấp thụ được và một trong những điều kiện vô cùng quan trọng là cần xác định đúng trúng phạm vi đối tượng hỗ trợ.
Cùng với đó, đặc biệt quan trọng là phải đồng bộ các chính sách, ví dụ như gói hỗ trợ này có thể được tung ra nhưng thể chế của chúng ta cải cách chậm như rào cản về kinh doanh chậm được tháo gỡ thì sẽ làm chậm khả năng hấp thụ vốn, hỗ trợ cũng kém hiệu quả đi.
Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” ảnh 4
Về tiêu chí để lựa chọn đối tượng hỗ trợ, chúng tôi đã gợi mở 5 tiêu chí. Một là hỗ trợ nhóm đối tượng doanh nghiệp mà hiện nay đã và đang đáp ứng tốt điều kiện tín dụng thì đương nhiên họ sẽ đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lần này.
Thứ hai là một số doanh nghiệp, ngành nghề thiếu một số điều kiện nhưng đánh giá được khả năng phục hồi của họ để hỗ trợ.
Đối tượng thứ ba chính là tập trung vào các hàng hóa dịch vụ thiết yếu mà chúng ta không thể thay thế được như y tế, giáo dục, hạ tầng số, an ninh mạng. 
Thứ tư tập trung vào một số lĩnh vực mà nhà nước đang ưu tiên phát triển trong thời gian tới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, năng lực y tế…
Cuối cùng là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chúng tôi cũng đề xuất hỗ trợ những dự án cơ sở hạ tầng có khả năng hấp thụ, sẵn sàng nhận hỗ trợ ví dụ xong thủ tục hồ sơ rồi, hiện đang thiếu tiền giải ngân.
Thứ nữa là các dự án ODA đang thiếu nguồn vốn đối ứng, chúng ta cũng sẽ cho phép bổ sung hoặc hỗ trợ một phần nào đó liên quan đến chi phí giải phóng mặt bằng nếu như còn thiếu.
Tóm lại tôi thấy rằng những cái dự án này có khả năng hấp thụ nhanh.
Qua sơ tính của chúng tôi có thể thấy rằng đâu đó khoảng 150 nghìn tỷ đồng để tập trung cho các dự án hạ tầng nhất là dự án cao tốc Bắc Nam, hiện nay đã có cấu phần này, cấu phần kia nhưng vẫn đang thiếu các nguồn vốn. Tôi nghĩ rằng đây là nguồn vốn rất quan trọng để thúc đẩy đầu tư công và hạ tầng trong hai năm tới.
Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” ảnh 5
Nói về nguồn lực để triển khai các gói hỗ trợ phục hồi, tôi thấy rằng dư địa cho chính sách tài khóa vẫn còn khá tốt vì vừa rồi chúng ta đã kiểm soát khá tốt các cân đối vĩ mô, đặc biệt trần nợ công chúng ta vẫn còn không gian, trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với ngân sách vẫn còn trong mức kiểm soát. Do vậy có thể tận dụng dư địa này để huy động thêm các nguồn lực. 
Chúng ta có thể sử dụng các công cụ về tài khóa và tiền tệ này để can thiệp vào nền kinh tế để đảm đảm cho phục hồi và tăng trưởng trong ngắn hạn.
Trong dài hạn cần rà soát lại các trụ cột về tăng trưởng, trong đó cần rà soát lại nguồn lực về lao động, chuyển đổi số, kinh tế số. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam có thể bắt kịp, thậm chí là vượt một số quốc gia trong khu vực. Vì vậy cần rà soát lại cái gì chúng ta có lợi thế, chúng ta phải đẩy mạnh.
Kinh tế số chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta cần tập trung, trong đó có đột phá về chính sách, có đầu tư các nguồn lực cho công nghệ, đổi mới sáng tạo, có sự phối hợp để đào tạo, nâng cao kỹ năng về lao động hay thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài để đóng góp trực tiếp cho kinh tế số. 
Gói hỗ trợ không thể chỉ bàn theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” ảnh 6
Về lâu dài chúng ta cũng đã có chương trình chuyển đối số quốc gia, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đấy là một định hướng rất đúng nhưng bây giờ phải làm cụ thể để dùng động lực này vừa phục hồi đồng thời tạo động lực cho phát triển lâu dài.
Về mức độ tiệm cận của các gói hỗ trợ mà các chuyên gia đề xuất với gói hỗ trợ mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong cuộc họp tới đây, theo tôi hiện nay chưa rõ vì Chính phủ chưa đưa ra phương án cuối cùng. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng Chính phủ cũng rất cân nhắc, không thể nào đưa ra một gói quá sức của nền kinh tế. 
Thứ hai, Chính phủ cũng phải rất cân nhắc khi đưa ra gói kích cầu, gói hỗ trợ lớn nhưng không đi vào đúng đối tượng, có thể dẫn đến hệ lụy như giai đoạn 2008-2009. Khi đó, chúng ta đã có những gói hỗ trợ nhưng gây ra hệ lụy về lạm phát, bất ổn vĩ mô. Đợt này chúng ta phải rút kinh nghiệm, tính toán làm sao để đạt được điểm tối ưu, chứ không phải là cứ càng nhiều càng tốt, quan trọng là phải đủ, đúng, hiệu quả, tác động nhanh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE