GODACO tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, tiếp cận các thị trường khó tính

Theo CEO của GODACO, mức độ cạnh tranh sản phẩm chế biến sâu thấp do ít người làm được, nên giá trị gia tăng tốt và lợi nhuận mang về cao.
Ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thuỷ sản Gò Đàng (GODACO) - Ảnh: Nguyễn Huyền
Ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thuỷ sản Gò Đàng (GODACO) - Ảnh: Nguyễn Huyền

Hàng loạt khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây, tác động lên nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, bên cạnh ảnh hưởng từ dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraina, biến đổi khí hậu, lạm phát thế giới, tỉ giá đồng Euro “tuột dốc”... nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã lập nên kỳ tích trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022, đạt 5,7 tỉ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Để hiểu hơn về những thách thức và khả năng thích ứng của doanh nghiệp, Nhịp sống Doanh nghiệp đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thuỷ sản Gò Đàng (GODACO).

Ông nhận định như thế nào về hoạt động xuất khẩu thủy sản sau đại dịch, có những thuận lợi và khó khăn gì?

Sau khi Việt Nam và các nước trên thế giới kiểm soát được đại dịch thì các thị trường sôi động trở lại, và công ty đã nhận được những tín hiệu rất tốt từ thị trường, nên các chỉ tiêu xuất khẩu đều tăng trưởng rất tốt.

Trong thời gian này sản lượng, kim ngạch xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận của GODACO đều đã quay về gần bằng như trước dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tốt thì những thách thức, rủi ro vẫn còn tồn tại, như: Lạm phát của thế giới tăng rất cao nên chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị hạn chế. Chiến sự giữa Nga và Ukraine làm cho chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản tăng lên đã gây khó cho các doanh nghiệp thủy sản.

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng đã tăng lên, room tín dụng có những giới hạn nhất định cũng góp phần làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh từ đây đến cuối năm tiềm ẩn vài khó khăn nhất định.

Trước những khó khăn đó công ty có những giải pháp gì để vượt qua và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu?

Hiện nay cơ bản vẫn có thuận lợi, các thị trường đang có những tín hiệu rất tích cực giúp doanh nghiệp cảm thấy phấn khởi và lấy lại lòng tin vượt qua những khó khăn do đại dịch để lại. Đó là thuận lợi cơ bản nhất.

Để khắc phục những khó khăn trên, công ty phải chú trọng đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, nhất là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Về nội tại, tiết giảm tất cả các chi phí và nhờ có vùng nuôi khép kín nên chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu, giữ được thị trường để tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, nhưng có một số doanh nghiệp muốn rời bỏ thị trường này do cước phí vận chuyển tăng cao, còn GODACO thì sao?

Hiện Mỹ là thị trường lớn nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, nếu ai đó nói muốn rời bỏ thì chưa chắc, vì đây là thị trường rất lớn, rất quan trọng của chúng ta lại có giá xuất khẩu tốt.

Tuy nhiên, do chiến tranh Nga - Ukaraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên cước vận tải tăng cao, dẫn đến cước vận chuyển sang Mỹ cũng tăng rất cao. Cước vận chuyển không chỉ tăng ở Mỹ, tất cả các nước đều tăng nhưng do Mỹ ở xa nhất nên phí vận chuyển "ăn" vào giá thành nhiều nhất. Trung Quốc cước vận chuyển cũng tăng nhưng là thị trường gần cho nên cước vận chuyển chiếm tỷ trọng giá thành sản phẩm không cao như thị trường Mỹ.

Nói về cạnh tranh, thị trường nào mua nhiều sẽ có nhiều người tìm đến bán, khi có nhiều người bán thì cạnh tranh sẽ càng dữ dội hơn. Trước thực tế đó, mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược riêng để tiếp cận thị trường.

Để có thể tiếp cận thị trường Mỹ một cách tốt nhất, GODACO phải đa dạng sản phẩm, và chọn những sản phẩm có độ cạnh tranh ít hơn, đi vào những sản phẩm riêng lẻ, sản phẩm có giá trị gia tăng cao để tiếp cận thị trường Mỹ.

Ông đánh giá như thế nào về sản phẩm cá tra chế biến sâu, và tín hiệu thị trường đối với sản phẩm này?

Mức độ cạnh tranh sản phẩm chế biến sâu thấp do ít người làm được, nên giá trị gia tăng tốt và lợi nhuận mang về cũng cao. Hạn chế là vì ít người biết nên phải đầu tư nhiều tiền cho công tác quảng bá.

Giai đoạn đầu, đầu tư sản phẩm chế biến sâu rất tốn kém, vì phải xây nhà máy riêng và làm công tác thị trường, vì hiện nay bản thân con cá tra ít người biết, nên sản phẩm chế biến sâu từ cá tra lại càng ít người biết hơn.

Do vậy, công ty phải tăng cường quảng bá, giới thiệu, chào hàng … các công việc này đều cần có thời gian và cần có một lượng tiền lớn để đầu tư. Nhưng khi sản phẩm đã được nhiều người biết đến sẽ phát triển bền vững lâu dài, và tỷ suất lợi nhuận sẽ đảm bảo bù đắp cho chi phí đầu tư.

Thị trường sản phẩm chế biến sâu là những thị trường đặc thù, như: Hàn Quốc, Nhật Bản; Trung Đông, khối EU, Mỹ và Trung Quốc... dựa vào đặc thù tập quán, văn hóa ẩm thực của từng thị trường na ná nhau, và trên nền tảng đó chúng tôi xây dựng từng khu vực thị trường để đưa ra các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch thị trường, công suất chế biến của nhà máy chế biến sâu?

Nhà máy chế biến, chiến lược marketing thị trường... tất cả đều đã được chuẩn bị xong, vấn đề bây giờ là đẩy mạnh quảng bá để nhiều người biết đến và cùng thưởng thức, khi đó tỷ trọng tiêu thụ sẽ ngày càng tăng và sản phẩm chế biến sâu sẽ dần thay thế các sản phẩm thông thường như phi lê đông lạnh.

Sản phẩm chế biến sâu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 15%/tổng sản phẩm của công ty, và chúng tôi đang hướng đến mục tiêu hết năm 2023 nâng tỷ trọng lên 25%. Đây là mức tỷ trọng ước mơ của GODACO. Đối với hàng phổ thông bình thường 25% là tỷ trọng khá lớn.

GODACO hiện có hai nhà máy chế biến cá tra, mỗi nhà máy có công suất khoảng 300 tấn nguyên liệu/ngày, và một nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Chúng tôi có kế hoạch cuối năm 2022, xây dựng thêm một nhà máy chế biến sản phẩm phi lê cá tra với công suất 100 tấn nguyên liệu/ngày. Như vậy, GODACO sẽ có ba nhà máy chế biến phi lê cá tra, một nhà máy chế biến sâu.

Cám ơn ông!

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

T&T Group hợp tác với Wyndham Hotels & Resorts vận hành khách sạn tại Hải Dương

T&T Group hợp tác với Wyndham Hotels & Resorts vận hành khách sạn tại Hải Dương

Dự án khách sạn của T&T Group tọa lạc giữa trung tâm thành phố Hải Dương vừa chính thức trở thành 1 trong 43 khách sạn mang thương hiệu Wyndham tại Việt Nam và là khách sạn duy nhất tại Hải Dương được vận hành quản lý bởi Wyndham Hotels & Resorts - đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý vận hành khách sạn uy tín trên toàn cầu.

BB Power Holdings của ông Vũ Quang Bảo lỗ "khủng" hơn 739 tỷ đồng năm qua

BB Power Holdings báo lỗ hơn 739 tỷ đồng năm qua

BB Powr Holding - thành viên BB Group thuộc sở hữu của ông Vũ Quang Bảo báo lỗ hơn 739 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là mức lỗ "khủng" nhất của công ty chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng này trong 3 năm trở lại đây.

Chat với BizLIVE