Giữa đe dọa cấm vận của EU, xuất khẩu dầu thô Nga lập đỉnh

Ngày 24/5, số liệu của các công ty phân tích năng lượng cho thấy số lượng dầu thô Urals của Nga xuất cảng biển đang tăng mạnh, bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi cấm vận dầu khí Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng tin Reuters dẫn số liệu của công ty phân tích năng lượng Vortexa cho biết gần 62 triệu thùng dầu thô Urals hàng đầu của Nga, một khối lượng kỷ lục, đang lênh đênh trên các con tàu chở dầu trên biển.

Theo Vortexa, khối lượng dầu thô Urals xuất cảng cao gấp ba lần mức trung bình được ghi nhận trước ngày 24/2, thời điểm Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. "Số liệu cho thấy xuất khẩu của Nga vẫn tương đối mạnh… Lượng dầu thô của Nga trên biển đang tiếp tục gia tăng", nhà chiến lược trong lĩnh vực năng lượng Clay Seigle ở Houston nói.

Tuy nhiên, Vortexa cho biết thêm các nhà xuất khẩu dầu Nga gặp khó khăn khi tìm khách hàng, trong bối cảnh EU đang nỗ lực đạt được một lệnh cấm dầu khí chống lại nước này. Các khách hàng khác có lẽ ngoảnh mặt với nguồn dầu thô Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt trong tương lai.

Ông Clay Seigle cho biết số lượng dầu Urals trên các tàu chở dầu chưa có điểm đến chiếm 15% tổng khối lượng, cũng là một mức cao mới. Chuyên gia này nhận định một số lượng dầu có thể được giao cho các khách hàng chưa được tiết lộ. Hầu hết các thùng dầu thô Nga đang hướng đến châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngày 19/5, hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin tiết lộ Trung Quốc đang đàm phán với Moskva để mua nguồn cung dầu bổ sung cho kho dự trữ chiến lược. Các cuộc đàm phán giữa hai bên đang được tiến hành ở cấp chính phủ với rất ít sự tham gia trực tiếp của các công ty dầu mỏ.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ chú trọng xuất khẩu năng lượng sang hướng Đông, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga. Ông nhấn mạnh Nga cần bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho các nước châu Á.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 19/5 cho biết thêm khoảng một nửa trong số 54 công ty ký hợp đồng mua khí đốt với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã mở tài khoản bằng đồng ruble của nước này. Phát biểu tại một cuộc họp ở Moskva, ông Novak cho biết nhiều công ty đã mở tài khoản cả bằng ngoại tệ và đồng ruble ở các ngân hàng được cấp phép của Nga để thanh toán tiền mua khí đốt. Tổng thống Putin hồi tháng 4 tuyên bố Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble của nước này và khách hàng cần phải lập tài khoản bằng đồng ruble hoặc sẽ bị cắt nguồn cung khí đốt.

Một tàu chở dầu của Nga. Ảnh: balkaninsight.com

Nga, nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu. Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này.

Bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế nước này đã chống chọi hiệu quả. Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất chấp tất cả những khó khăn, nền kinh tế Nga đang chống chọi trước các lệnh trừng phạt với niềm kiêu hãnh. Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô chính đều nói lên điều này”.

Bộ Phát triển kinh tế Nga ngày 24/5 cho biết có thời điểm trong ngày đồng ruble đã tăng và đạt đỉnh so với đồng USD. Thông báo của bộ này có đoạn: “Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay sự mạnh lên của đồng ruble đang ở mức đỉnh. Nhập khẩu, dòng vốn sẽ thích ứng với các điều kiện mới”. Bộ Phát triển kinh tế Nga nhấn mạnh việc Ngân hàng Trung ương Nga giảm thêm lãi suất cơ bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Theo Báo Tin tức

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE