Quay về eMagazine
Giữ nhịp đòn bẩy vốn cho phục hồi

Giữ nhịp đòn bẩy vốn cho phục hồi

Năm 2021, hệ thống ngân hàng Việt đạt một điểm đến quan trọng: vốn điều lệ gia tăng mạnh nhất nhiều năm qua. Quy mô mới góp phần tạo điều kiện cứng cáp và thuận lợi hơn cho đòn bẩy vốn, cùng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi năm 2022.

Một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam là luôn có nhu cầu và tỷ lệ đòn bẩy tín dụng ở mức cao. Thị trường chứng khoán từng bước phát huy vai và chia lửa, song kênh dẫn vốn chủ đạo vẫn là hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Hai năm đại dịch COVID-19, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng chịu nhiều thương tổn, nổi bật ở nợ xấu tăng cao cùng chi phí gia tăng trích lập dự phòng rủi ro. Vượt trở ngại, hai năm liên tiếp tăng trưởng tín dụng vẫn bám sát chỉ tiêu, góp một phần động lực quan trọng cho nền kinh tế.

Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đòn bẩy tín dụng tại Việt Nam, vốn dĩ đã ở mức cao những năm gần đây, tiếp tục cao hơn khi mẫu số tăng trưởng GDP hạn chế bởi COVID-19. Nếu xét theo quy mô GDP đánh giá lại, từ năm 2017 tỷ lệ tín dụng trên GDP đã trên mốc 100% với 103,5%; và đến cuối 2020 đã lên tới 115,8%. Còn theo GDP hiện hành, tỷ lệ đòn bẩy này đã lên tới khoảng 146% vào cuối 2020, cho thấy độ nóng và sức rướn có hạn của hệ thống.

Với nội tại, để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt để vững vàng trong “cơn bão COVID”, yêu cầu tiên quyết hệ thống các TCTD phải gia cố được nền tảng, trong đó gốc trọng tâm là vốn. Điểm thuận lợi và nổi bật năm 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ, tạo môi trường hiếm có để các ngân hàng thương mại (NHTM) nắm bắt, gia tăng quy mô vốn điều lệ.

Thống kê từ NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2021, vốn điều lệ toàn hệ thống đã được nâng lên gần 715,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,32% so với đầu năm; trong đó khối NHTM cổ phần tăng tới 9,88%, khối NHTM nhà nước tăng tới 9,29%. Đây là những sức tăng tốt nhất trong nhiều năm qua, gắn với sự linh hoạt của khối cổ phần, cũng như nút thắt cơ chế tăng vốn của khối có Nhà nước sở hữu chi phối được tháo gỡ.

Tốc độ gia tăng nguồn lực nói trên, cùng với lợi nhuận tích lũy sau nhiều năm, quy mô vốn tự có của hệ thống tiếp tục được củng cố. Bộ đệm tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dày dặn thêm, đặc biệt trong bối cảnh chịu nhiều va đập bất lợi bởi COVID-19. CAR của nhóm NHTM áp dụng theo chuẩn Basel II đến cuối tháng 9/2021 đã lên tới 11,37%, cao hơn nhiều so với mức 8% tiêu chuẩn.

Dĩ nhiên còn những rủi ro tiềm ẩn trong chính sách cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể ước tính đã vượt mức 8% vào cuối 2021, song nền tảng vốn được gia cố như trên tạo điều kiện quan trọng để toàn hệ thống tiếp tục thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.

Cập nhật đến cuối 2021, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 12,68%. Một mặt, tốc độ được rải khá đều trong năm, ngoại trừ “cú sốc” quý 3 bởi giãn cách xã hội kéo dài; mặt khác, một tỷ lệ đi cùng đã hạ nhiệt khi dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi toàn hệ thống chỉ ở mức 72,23% tính đến cuối tháng 9 và thấp hơn nhiều so với quanh 85% những giai đoạn trước.

Cùng với gia cố được nền tảng vốn, hệ thống NHTM Việt Nam năm qua tiếp tục có thêm bước tiến quan trọng khi nhiều thành viên đã đáp ứng được chuẩn mực Basel II, thậm chí bắt đầu hướng đến Basel III, cùng tiêu chuẩn kế toán quốc tế IFRS9 bắt đầu áp dụng mở rộng.

Thêm nữa, trải qua những cuộc khủng hoảng như giai đoạn 2008 - 2009, bất ổn và quyết liệt tái cơ cấu 2011 - 2015, tích cực xử lý nợ xấu một cách thực chất 2016 - 2019, rồi trải qua hai năm khủng hoảng COVID-19, kinh nghiệm và năng lực quản trị điều hành hệ thống đã được hun đúc để vững vàng, hiệu quả hơn. Cơ chế chính sách và hiệu quả điều hành của NHNN tiếp tục khẳng định, khung khổ pháp lý tiếp tục được kiện toàn.

Những giá trị quan trọng trên tạo thế và lực mới để hệ thống các TCTD Việt Nam sẵn sàng cho năm phục hồi 2022. Và đây cũng là cơ sở để toàn ngành tiếp tục hướng đến chỉ tiêu giữ nhịp đòn bẩy vốn với định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm tới.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành ngân hàng 2022 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh yêu cầu toàn ngành tiếp tục quyết liệt thực hiện thành công các mục tiêu đề ra; bám sát và thực hiện các chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế mà Quốc hội, Chính phủ định hướng; tiếp tục củng cố an toàn hệ thống, đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Cụ thể, Thống đốc NHNN đề nghị toàn ngành quán triệt chủ trương, định hướng, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế.

Ở các trục hoạt động cụ thể, toàn ngành quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, xử lý có hiệu quả ngân hàng yếu kém; thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích thương mại cho doanh nghiệp và người dân góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE