Giải quyết bài toán kết nối giao thông, hạ tầng

Tình trạng ùn tắc ở Hà Nội ngày càng diễn biến phức tạp, xóa điểm này lại dồn sang điểm khác. Điều này đòi hỏi các giải pháp đã đề ra phải được cấp bách thực hiện. Đặc biệt, trong công tác quy hoạch là phải giải được bài toán mang tính kết nối.
Đường phố Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Phạm Đông
Đường phố Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Phạm Đông

Nghịch lý thông xe lại phát sinh điểm ùn tắc

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, thành phố có khoảng 10 triệu dân với 7 triệu phương tiện, trong đó có một triệu ôtô. Số ôtô trong 10 năm qua tăng gấp 30 lần. Trung bình mỗi năm phương tiện tăng 4-5% trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị tăng 0,28%.

Ở thời điểm hiện tại, cầu Thanh Trì hiện có lưu lượng gấp 8 lần thiết kế, còn Vành đai 3 gấp 6 lần. Sự quá tải này gây ùn tắc giao thông, không chỉ vào giờ cao điểm mà cả ngày, cả đêm. Đặc biệt, tại một số điểm nóng như: Đường Kim Mã, Đào Tấn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Nguyễn Xiển, nút giao Thanh Xuân, đường Tố Hữu, nút giao Xa La… ùn tắc kéo dài liên miên. Thực trạng này diễn ra trong thời gian dài khiến người dân Thủ đô lo ngại thành phố sắp chỉ còn một điểm ùn tắc là toàn thành phố.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải dự báo, khi thông xe vành đai 2 trên cao, Ngã Tư Sở sẽ tắc do phương tiện đi trên cao dồn xuống nhiều hơn bởi đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy hiện chưa có đường trên cao. Tiếp đó, khi xong cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thì lưu lượng lại dồn xuống nút giao Cổ Linh, Long Biên.

Chưa kể, những “họng” giao thông rót thẳng từ cửa ngõ vào trung tâm khiến mỗi khi thông một cây cầu, các nút giao kế cận ở nội đô lập tức bị “nghẹn”.

Tới đây, Sở GTVT Hà Nội dự kiến sẽ rào chắn làm 8 hố ga trên đường Nguyễn Trãi từ ngõ 495 đến đường Nguyễn Xiển. Các rào chắn này sẽ làm thu hẹp lòng đường đặc biệt vị trí cạnh hầm chui Thanh Xuân còn 4m cho các phương tiện lưu thông. Trong khi trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú hiện nay có mật độ phương tiện giao thông lớn, có nhiều điểm giao cắt, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do gia tăng dân số kéo theo phương tiện cá nhân tăng quá nhanh. Diện tích dành cho giao thông còn thấp; bất cập trong quy hoạch khi để các tòa cao ốc, khu đô thị tập trung quá nhiều ở nội đô.

Không để kết nối giao thông lạc nhịp

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho rằng, thành phố cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; tập trung hoàn thiện các dự án giao thông công cộng, trong đó có tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội (phần trên cao) để sớm đưa vào khai thác.

Đồng thời, chú trọng đầu tư để hoàn thành các đường vành đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giao thông thông minh để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

"Sở đã thành lập tổ công tác hàng ngày xuống hiện trường, tuần nào Giám đốc Sở cũng ngồi nghe báo cáo rồi cùng anh em bàn giải pháp tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc", ông Thường nói và đề nghị HĐND ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án giao thông.

Ông Thường cũng cho biết, dịp cuối năm ùn tắc sẽ phức tạp hơn do lưu lượng người, phương tiện tham gia lớn, nhiều công trình thi công làm ảnh hưởng đi lại.

Người đứng đầu ngành giao thông dẫn chứng, chỉ một điểm quây tôn thi công hố ga thuộc dự án nhà máy nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Xiển đã gây ùn tắc, trong khi sẽ rào chắn 19 ga trên đường này. Sở sẽ phối hợp các đơn vị xén giải phân cách giữa để phương tiện tránh điểm rào chắn, đồng thời giải tỏa những điểm bán cây cảnh, hoa lấn chiếm hè đường.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với tổ chức tư vấn tổ chức nghiên cứu giải pháp tổng thể tổ chức giao thông trên toàn tuyến Nguyễn Trãi, Trần Phú và các tuyến đường kết nối có liên quan. Đồng thời cũng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công công bố, tuyên truyền trước khi tiến hành rào chắn để người tham gia giao thông chủ động các phương án đi lại.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhấn mạnh, bài toán đầu tiên là Hà Nội cần phải quy hoạch lại thành phố, bao gồm cả quy hoạch giao thông gắn với các kiến trúc và định hướng của thành phố.

Sau đó chúng ta phải ứng dụng công nghệ vào công tác quy hoạch để có số liệu, định hướng phát triển các mặt để biết Hà Nội trong tương lai như thế nào, dân số bao nhiêu, định hướng dân số sống bằng cái gì, đi lại bằng cái gì,… để có thể đưa ra một quy hoạch chuẩn xác.

Cùng với đó, bài toán quan trọng cần giải quyết là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Trên cơ sở đó chúng ta mới định hướng được các vấn đề phát triển, dòng phương tiện công cộng như thế nào…

Một giải pháp đáng chú ý là hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt lượng xe máy đã xấp xỉ bằng số dân thường trú. Nếu tiếp tục tăng cao từng ngày như hiện nay, không một cơ sở hạ tầng nào có thể đáp ứng được áp lực do xe cá nhân mang lại.

Theo Lao động

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE