Giá rau quả xuất đi Mỹ và châu Âu cao gấp 4 lần Trung Quốc

Giá bán cao nên đòi hỏi của các thị trường này về chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường ... rất nghiêm ngặt.
Thu hoạch thanh Long - Ảnh minh hoạ
Thu hoạch thanh Long - Ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2022 đạt 327 triệu USD, giảm 19,1% so với tháng 4/2021. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 1,17 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu rau quả giảm liên tiếp trong 4 tháng đầu năm, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 625,8 triệu USD, giảm 27,7%, chiếm 53,3% tổng trị giá xuất khẩu rau quả, giảm 9,9 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh thì trị giá xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản đã tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với tình trạng không ổn định do việc đóng, mở thất thường tại các cửa khẩu với Trung Quốc.

Chính vì vậy, việc tăng dần xuất khẩu chính ngạch, giảm xuất khẩu tiểu ngạch là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào thị trường này cũng sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng trong thời gian tới.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bên mua quyết định chính ngạch hay tiểu ngạch

Trước bối cảnh xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong đà suy giảm, Cục XNK khuyến nghị doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm xuất khẩu tiểu ngạch và cần đa dạng hoá thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đều xuất với hai hình thức tiểu ngạch và chính ngạch, vì vậy, giao thương với Trung Quốc đang tồn tại cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Tuy nhiên, số doanh nghiệp xuất chính ngạch hiện đã tăng lên nhiều so với trước đại dịch, và cho dù xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào thì chất lượng hàng hóa vẫn phải đảm bảo yêu cầu nhà nhập khẩu.

Thông thường khi giao dịch với khách hàng Trung Quốc (dù xuất tiểu ngạch hay chính ngạch) sau khi chốt bán xong, bao giờ doanh nghiệp Việt Nam cũng yêu cầu họ ứng tiền trước từ 30% đến 50%, thậm chí 100% trị giá lô hàng (khi hai bên doanh nghiệp đạt độ tin cậy cao).

Sau khi đã nhận tiền ứng trước của nhà nhập khẩu họ yêu cầu xuất khẩu bằng hình thức nào thì doanh nghiệp Việt Nam phải xuất như vậy, nếu khách hàng yêu cầu phải xuất tiểu ngạch thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải làm theo, và vấn đề ở đây là doanh nghiệp Trung Quốc muốn "né" thuế.

“Đối chiếu số liệu thống kê hải quan giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ thấy sự chênh lệch rất rõ, bao giờ số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc cũng thấp hơn của Việt Nam khoảng 50%. Ví dụ, báo cáo hải quan Việt Nam xuất khẩu thanh long vào Trung Quốc đạt 1 triệu USD/năm, nhưng báo cáo của hải quan Trung Quốc chỉ 500.000 USD/năm. Con số nằm ngoài báo cáo của hải quan Trung Quốc là số xuất tiểu ngạch. Bởi đối với hải quan Việt Nam, khi hàng hóa ra khỏi biên giới sẽ đưa vào số liệu báo cáo (họ không phân ra xuất chính ngạch hay tiểu ngạch).

Giai đoạn trước năm 2019, khi Trung Quốc còn cho phép xuất tiểu ngạch số liệu báo cáo giữa hải quan Việt Nam và hải quan Trung Quốc chênh lệch rất lớn, thể hiện trên số liệu của hải quan Việt Nam 3 phần còn trên số liệu của hải quan Trung Quốc chỉ một phần, nhưng nay xuất tiểu ngạch chỉ còn duy trì khoảng 40% đến 50%”, Tổng thư ký Vinafruit nói.

Giá cao thì chất lượng phải cao

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đều đa dạng hoá thị trường, và ngoài thị trường Trung Quốc ra họ còn xuất vào các thị trường khác như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Úc ...

Hiện nay hàng bán vào Mỹ, châu Âu, … có giá cao hơn gấp 4 lần so với bán vào thị trường Trung Quốc, giá bán cao nên đòi hỏi của các thị trường này về chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường ... là những vấn đề người dân EU ngày càng coi trọng và đòi hỏi cao.

Để đáp ứng các yêu cầu doanh nghiệp phải có vùng trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, tuy nhiên Global GAP của Mỹ lại khác Global GAP của Châu Âu hay Nhật Bản… Chính vì vậy mà đến nay lượng rau quả xuất khẩu sang các thị trường này chưa cao, vì số lượng hàng hóa đạt chuẩn các nước chưa nhiều.

Và không chỉ có các tiêu chuẩn trên mà các thị trường cao cấp còn yêu cầu về kích cỡ, mẫu mã, và màu sắc cũng như độ sáng của quả …

Châu Âu là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 25 trong số cá nước cung ứng rau quả cho thị trường này.

“Thuận lợi là châu Âu cho phép tất cả rau quả Việt Nam được xuất khẩu vào mà không thông qua con đường đàm phán, nhưng bất lợi là thị trường này không có đại diện kiểm dịch tại Việt Nam để kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu, trong khi hàng rào kỹ thuật của họ rất nghiêm khắc, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi mới thâm nhập vào thường phải trả giá”, Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group chia sẻ.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE