Giá dầu sụt mạnh bởi triển vọng toàn cầu u ám

Giới chức Trung Quốc dự báo về khả năng nhu cầu ở mức thấp khi mà nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này đang đương đầu với tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá dầu sụt 4% trong phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Ba, giá dầu chịu áp lực bởi thông tin về nhu cầu yếu từ Trung Quốc, triển vọng kinh tế toàn cầu u ám và đồng USD tăng giá.

Đóng cửa phiên giao dịch mới đây trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 3/2022 giảm 3,81USD/thùng tương đương 4,4% xuống 82,10USD/thùng và như vậy ghi nhận phiên giảm sâu nhất trong 3 tháng.

Đóng cửa phiên giao dịch trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai hạ 3,33USD/thùng tương đương 4,1% xuống 76,93USD/thùng và như vậy ghi nhận mức hạ sâu nhất trong hơn 1 tháng.

“Hiện đang có quá nhiều mối lo ở đây bao gồm tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc và nỗi sợ suy thoái trong tương lai gần đang gây sức ép lên thị trường”, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Mizuho – ông Robert Yawger chỉ ra.

Chính phủ Trung Quốc đã nâng hạn mức xuất khẩu của các sản phẩm dầu trong động thái chính sách đầu tiên của năm 2023. Các nhà kinh doanh dầu Trung Quốc cho rằng sự điều chỉnh này có nguyên nhân trực tiếp từ việc giới chức Trung Quốc dự báo về khả năng nhu cầu ở mức thấp khi mà nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này đang đương đầu với tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức cao.

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong tháng 12/2022 khi mà tình trạng lây nhiễm COVID-19 tăng cao gây gián đoạn sản xuất và tạo ra sức ép lên nhu cầu sau khi giới chức Bắc Kinh loại bỏ đi các biện pháp kiểm soát virus.

Triển vọng kinh tế toàn cầu hiện đang đón nhận thêm nhiều thông tin bi quan hơn, giám đốc điều hành IMF – bà Kristalina Georgieva vào ngày Chủ Nhật nhận định rằng nền kinh tế của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều đang chững lại đáng kể, chính vì vậy triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022.

Đồng USD ghi nhận ngày tăng mạnh nhất trong hơn 2 tuần. Đồng USD mạnh lên có thể làm giảm nhu cầu với dầu khi mà hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.

Trong ngày thứ Tư, thị trường sẽ đón nhận biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2022 của Fed. Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022 sau 4 lần nâng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp.

Dự trữ dầu tại khu vực Cushing tăng khoảng 176.000 thùng lên 28,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/12/2022, theo một bên môi giới viện dẫn số liệu của Genscape.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ tuy nhiên được dự báo tăng 2,2 triệu thùng trong tuần trước, theo số liệu ban đầu của Reuters cho hay vào ngày thứ Ba.

Từ phía nguồn cung, chính phủ Mỹ công bố xả khoảng 2,7 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia (SPR) trong tuần trước, còn công ty năng lượng Chevron dự kiến sẽ đón nhận lô dầu thô đầu tiên của Venezuela trong gần 4 năm.

Sản lượng dầu thô tại Mỹ năm 2023 được dự báo tăng trung bình 620.000 thùng/ngày, theo ước tính mới nhất của chính phủ Mỹ, con số này thấp hơn khoảng 30% so với mức ước tính khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày ở thời điểm đầu năm nay.

Theo ngân hàng Commerzbank, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng lớn hơn so với các quyết định sản lượng của OPEC trong việc điều phối giá cả.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE