Giá dầu sụt 7% bởi nỗi lo nhu cầu suy giảm

Nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu lớn nhất toàn cầu, dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 800.000 thùng/ngày trong tháng 4/2022, chuyên gia ngân hàng SEB nhận định.
Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Giá dầu giảm khoảng 7% trong phiên ngày thứ Hai sau khi chính quyền trung tâm tài chính Thượng Hải tiến hành phong tỏa nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19, thực tế này khiến nhiều người sợ hãi về khả năng nhu cầu dầu suy giảm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai giảm 8,17USD/thùng tương đương 6,8% và đóng cửa ở mốc 112,48USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai giảm 7,94USD/thùng tương đương 7% xuống còn 105,96USD/thùng.

Tính từ khi căng thẳng Nga – Ukraine thực sự bắt đầu leo thang vào cuối tháng 2/2022, giá dầu thô giao hợp đồng tương lai đã không ngừng biến động mạnh. Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng gần 12% còn giá dầu WTI tăng 9%.

Tính từ ngày thứ Hai, Thượng Hải chính thức bước vào giai đoạn phong tỏa hoạt động đi lại của toàn bộ 26 triệu dân trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Giới chức địa phương đóng cửa hệ thống cầu cảng và hạn chế giao thông trên đường cao tốc.

Chủ tịch quỹ Lipow Oil Associates tại Houston, ông Andrew Lipow, nói: “Nỗi sợ về khả năng các biện pháp phong tỏa có thể lây lan mạnh kết hợp với một số hoạt động chốt lời trên thị trường đã tạo ra làn sóng suy giảm của giá dầu”.

Nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu lớn nhất toàn cầu, dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 800.000 thùng/ngày trong tháng 4/2022, theo phân tích của trưởng bộ phận phân tích về thị trường hàng hóa tại ngân hàng SEB – ông Bjarne Schieldrop.

Hy vọng vào khả năng có diễn biến tích cực trong đàm phán giữa Nga và Ukraine, dự kiến khởi động tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Ba, cũng gây áp lực lên giá dầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng tâm lý thị trường sẽ có phần lạc quan hơn sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, vốn được biết đến với cái tên OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày thứ Năm nhằm bàn về kế hoạch nâng sản lượng thêm 432.000 thùng dầu/ngày.

OPEC+ nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục với kế hoạch nâng nhẹ sản lượng dầu trong tháng 5/2022, theo nhiều nguồn tin. Kế hoạch này dự kiến sẽ vẫn được thực hiện bất chấp việc giá dầu tăng cao do khủng hoảng Ukraine và những lời kêu gọi từ người tiêu dùng về việc cần có thêm nguồn cung.

Tình trạng thâm hụt nguồn cung đang lớn dần, trong khi đó dầu thô của Nga giao thời hạn tháng 4/2022 đang chật vật trong việc tìm người mua, theo khẳng định của các chuyên gia phân tích. Dầu thô của Nga đã không chịu nhiều ảnh hưởng trong tháng 3/2022 bởi phần lớn khối lượng dầu này được ký kết theo hợp đồng trước khi đối đầu Nga – Ukraine trở nên căng thẳng.

Nhiều nước như Ấn Độ hay Trung Quốc vẫn mua dầu thô của Nga, công ty năng lượng nhà nước Indonesia như PT Pertamina đã trở thành doanh nghiệp gần nhất công bố vẫn mua dầu của Nga. Dù vậy các chuyên gia phân tích cho rằng thị trường dầu thế giới sẽ vẫn hứng chịu tác động của việc không sử dụng dầu Nga.

“Ước tính khoảng 2,5 triệu thùng dầu Nga/ngày sẽ biến mất trong tháng 4/2022”, chuyên gia Schieldrop thuộc ngân hàng SEB nói. Ông Schieldrop nói thêm rằng tình trạng thiếu nguồn cung dầu diesel sẽ khiến cho nhu cầu đối với dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ tăng lên.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE