Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tăng mạnh

Giá cà phê ở hai sàn New York và London tăng cộng với việc hạn chế bán ra của người nông dân đã đẩy giá cà phê Robusta nội địa tăng mạnh trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Thu hoạch cà phê Tây Nguyên - Ảnh minh hoạ
Thu hoạch cà phê Tây Nguyên - Ảnh minh hoạ

Ngày 8/2/2022, khi cả nước quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng 900 đồng/kg so với ngày 28/1/2022, lên mức cao nhất 40.700 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 40.100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng.

Giá cà phê nhân vẫn duy trì ở mức cao

Giá cà phê tại các tỉnh Tây nguyên tiếp tục tăng và đến ngày 18/2, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng đạt mức thấp nhất 41.100 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk giá cà phê ở mức cao nhất 41.800 đồng/kg.

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, đầu tháng 2/2022, giá cà phê thế giới tăng so với cuối tháng 1/2022 do nguồn cung thiếu hụt tạm thời khi Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi người trồng cà phê Brazil hạn chế bán ra do đồng Real phục hồi so với đồng USD.

Hiện thời tiết ở các vùng trồng cà phê chính ở miền Nam Brazil đã có nhiều mưa hỗ trợ tốt cho vụ mùa năm nay, cùng với kỳ vọng châu Âu và Mỹ mở cửa trở lại sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu khởi sắc trở lại.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 18/2, giá cà phê Robusta trên sàn London có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 không đổi, vẫn đứng ở 2.274 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 5 USD, lên 2.251 USD/tấn, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 2,05 cent, xuống 250,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm 2,05 cent, còn 249,15 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Giá cà phê Robusta vẫn đứng vững khi báo cáo tồn kho ICE Europe tiếp tục sụt giảm, cho dù nguồn cung hứa hẹn sẽ rất dồi dào, nhất hai nhà sản xuất chính Brasil và Indonesia sắp bước vào thu hoạch vụ mới.

Người nông dân góp phần điều tiết tốt thị trường cà phê

Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group cho biết, thời gian gần đây giá cà phê trong nước tăng mạnh một phần do người nông dân giảm lượng bán ra trong khi nhu cầu lớn dẫn đến cung không đủ cầu, góp phần điều tiết thị trường. Giá cà phê tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nhất là doanh nghiệp đã ký hợp đồng xong mà chưa kịp mua vào.

“Hiện nay người nông dân trồng cà phê đang có xu hướng điều tiết thị trường rất tốt, mới vào vụ những người cần bán họ đã bán ngay đầu vụ để giải quyết chi phí mùa vụ, nên phần lớn giá bán đầu vụ bao giờ cũng thấp so với chính vụ và cuối vụ, do lúc này người nông dân có xu hướng hạn chế bán ra. Chính việc làm này của người nông dân góp phần điều tiết tốt thị trường”, Phó chủ tịch VICOFA nhận định.

Có nhiều dự báo giá cà phê sẽ còn tăng thêm do hiện nay Việt Nam đã kết thúc vụ, còn vụ mới ở Brazil phải chờ đến tháng 6 mới bắt đầu nên có một khoảng trống từ đây đến tháng 6 và dù muốn hay không thế giới vẫn phải phụ thuộc vào thị trường Việt Nam, do:

Thứ nhất, nếu cà phê của Việt Nam cung không đủ cầu tất nhiên thị trường sẽ vẫn còn tiếp tục lên.

Thứ hai, có cái khó là giá cà phê trên hai sàn London và New York không phụ thuộc vào việc mất mùa hay được mùa của nông dân mà phụ thuộc nhiều vào tồn kho của hai sàn, và hiện hai sàn đều có tồn kho thấp so với yêu cầu.

Thứ ba, giá cà phê còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không đơn thuần chỉ yếu tố cung cầu như các loại hàng hóa khác, và cho dù cung có vượt cầu nhưng nếu thị trường London không có hàng thì giá vẫn tăng.

Trong trường hợp nguồn cung dư thừa so với nhu cầu, về lâu dài giá có thể rớt nhưng trong ngắn hạn vẫn phụ thuộc vào những nhà đầu cơ tài chính trên sàn.

Vẫn theo Phó chủ tịch VICOFA có những yếu tố kỳ vọng giá cà phê vẫn còn tăng thêm:

Thứ nhất, lượng hàng hóa hai sàn London và New York đều đang thiếu hụt rất nặng còn giá cà phê Arabica tại sàn London thì quá đắt, thậm chí gấp hơn 2 lần so với cà phê Robusta cho nên thị trường có xu hướng giảm mua Arabica mà tăng mua Robusta. Khi lượng mua Robusta tăng lên sẽ dẫn đến thiếu hụt và chắc chắn giá sẽ tiếp tục tăng. Đó là về mặt suy luận

Thứ hai, cước vận tải vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Biểu cước vận tải không giảm thì kể cả nếu cung có vượt cầu tại nước bán nhưng khi bán họ phải cộng cước vận tải vào thì sẽ bị đội giá. Cước vận chuyển càng tăng thì giá cà phê càng có xu hướng đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên, ở Việt Nam dù có thừa nguyên liệu nhưng người nông dân thấy giá cà phê đang lên không muốn bán mà giữ hàng lại thì sẽ đưa đến tình trạng thiếu hụt nên người mua không mua được hàng. Do vậy, giá cả còn phụ thuộc vào vấn đề điều tiết thị trường, khi chúng ta nắm được nguồn hàng hóa lớn và người nông dân hạn chế bán ra sẽ làm cho cung bị hụt.

Tổng sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam đạt khoảng từ 1,7 đến 1,8 tấn/năm, trong khi đó Indonesia chỉ đạt khoảng 600 tấn/năm và Brazil khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Nếu Việt Nam hạn chế bán ra thì giá cà phê Robusta sẽ tăng mạnh và tiếp tục lên vì hiện chưa có nguồn khác thay thế, vì đến tháng 6 Brazil mới vào vụ còn Indonesia thì vào tháng tư.

Trước đây cà phê Robusta và cà phê Arabica chỉ chênh nhau khoảng 80%. Ví dụ giá cà phê Robusta giá 10 ngàn đồng/kg thì cà phê Arabica là 18.000 đồng/kg. Nhưng bây giờ ở Việt Nam giá hai loại cà phê chênh nhau gấp 3 lần, vì dụ giá cà phê Robusta 41.000 đồng/kg thì giá cà phê Arabica phải trên 120.000 đồng/kg.

Do giá hàng Arabica quá đắt nên các nhà rang xay có xu hướng chuyển sang sử dụng cà phê Robusta làm cho giá cà phê Robusta tăng mà giá thành sản phẩm lại giảm và như vậy giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức có lợi cho người nông dân.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE