[Cổ phiếu nổi bật tuần]

GEG giúp bằng chứng về sức đề kháng của nhóm Năng lượng thêm thuyết phục

Tương tự như nhiều cổ phiếu Năng lượng khác, GEG của CTCP Điện Gia Lai đang có sự thể hiện tốt hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
GEG giúp bằng chứng về sức đề kháng của nhóm Năng lượng thêm thuyết phục

Thêm một bằng chứng cho thấy cổ phiếu Năng lượng tốt hơn thị trường

VN-Index kể từ giữa tháng 4 cho đến nay đã bước vào xu hướng giảm cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Năng lượng đã thể hiện được tốt hơn với nhiều mã như NT2, GEG, REE, VSH.

Trong số này, cổ phiếu GEG của CTCP Điện Gia Lai là trường hợp có phần ít được chú ý hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chuyển động giá cổ phiếu này cũng đang có sự tích cực tương tự các mã cùng ngành.

Tính riêng trong tuần qua, nếu như VN-Index tăng 1,13% thì GEG đã tăng 5,49%. So với VN-Index, GEG cũng đang nhỉnh hơn trong các biến động giá với việc giữ được cả xu hướng dài hạn, lẫn ngắn hạn.

Với khả năng đề kháng tốt hơn, thực tế, GEG đang dao động trong hộp Darvas với cận dưới là ngưỡng hỗ trợ 20.000 đồng/cổ phiếu trong khi cận trên là 25.000 đồng/cổ phiếu, ngay sát đỉnh thời đại.

Cổ phiếu vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của thị trường nhưng nếu không có những biến cố có tính hệ thống thì GEG chủ yếu vẫn sẽ tích lũy trong hộp, chờ động lực bứt phá.

Vì vậy, nhà đầu tư đang nắm giữ vẫn có thể yên tâm với vị thế sẵn có và thậm chí có thể lướt sóng để tìm kiếm các khoản lợi nhuận nhỏ trong bối cảnh VN-Index bấp bênh ở vùng 1.200 điểm.

Với những nhà đầu tư muốn giải ngân mới, việc cổ phiếu đang hướng về vùng 20.000 đồng/cổ phiếu có thể được xem là cơ hội.

Doanh nghiệp đang đi đúng hướng trong mảng Năng lượng

Doanh thu quý 1/2022 của GEG đạt 570 tỷ đồng (+87,1%) nhờ sự hoạt động của 125,2 MW điện gió từ tháng 11/2021 trong khi mùa gió chính của các dự án diễn ra từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm.

Chi phí tài chính tăng mạnh đạt 145 tỷ đồng (+86%) do hết được vốn hóa lãi vay còn các chi phí khác biến động không nhiều.

LNTT đạt 183 tỷ đồng (+122%), đạt 53% kế hoạch năm. LNST dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 142 tỷ đồng (+127%).

Tuy nhiên, LNST của GEG sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ trong quý 2 và quý 3/2022 do áp lực chi phí khấu hao, lãi vay cao nhưng các dự án điện gió vào mùa thấp điểm khiến sản lượng có thể đạt đáy trong năm. CTCK VCB (VCBS) cho rằng tăng trưởng nhanh sẽ quay trở lại vào quý 4/2023 khi đến mùa gió chính và điện gió chạy đủ quý thay vì 2 tháng trong năm ngoái.

VCBS cũng kỳ vọng có chính sách mới cho các dự án điện gió, điện mặt trời (ĐMT) chuyển tiếp. Đây là các dự án đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và đã ký hợp đồng PPA nhưng chưa kịp đưa vào vận hành ngày 30/10/2021 để hưởng giá FIT 1 với 8,5 Uscent/kWh đối với điện gió trên bờ và 9,8 Uscent/kWh với điện gió ngoài biển và FIT 2 của điện mặt trời với hạn cuối là ngày 31/12/2020.

Hiện nay có tới 178 MW điện gió đã hòa lưới nhưng chưa kịp COD đúng hạn và chưa được phát điện, trong đó GEG còn 1 trụ điện gió tại dự án VPL với công suất 4,8 MW. Ngoài ra còn 711,55 MW công suất chưa hòa lưới của các dự án hòa lưới 1 phần dự án và còn hơn 3.300 MW công suất đã ký hợp đồng nhưng chưa xây dựng/bắt đầu triển khai xây dựng do chủ đầu tư xác định sẽ không kịp COD đúng hạn.

Quy hoạch điện 8 có thể được phê duyệt theo phiên bản lần 6 và có chút chỉnh sửa. Với kế hoạch phát triển mạnh năng lượng tái tạo (NLTT) của mình, GEG sẽ là cái tên có tiềm năng đáng kể.

Trước mắt, hiện GEG đang đầu tư dự án điện gió Tân Phú Đông 1 với tổng công suất 100 MW, giúp tăng công suất điện gió thêm 77% và có thể hoàn thành ngay trong năm 2023 và đem về doanh thu hàng năm khoảng 600 – 620 tỷ đồng.

Ngoài ra, GEG còn dự án VPL giai đoạn 2 với công suất 30 MW đã chuẩn bị sẵn các thủ tục pháp lý và sẵn sàng triển khai khi có chính sách có các dự án mới.

Về ĐMT, hiện công ty cũng còn 1 dự án là Đức Huệ 2 với công suất 49 MW đã đầy đủ thủ tục pháp lý và sẵn sàng triển khai trong vòng 3 – 4 tháng nếu có chính sách mới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch sẽ tiếp tục đầu tư các dự án NLTT khác trong thời gian tới.

VCBS đánh giá GEG là công ty có tiềm năng hưởng lợi nhất từ các chính sách giá bán mới cho các dự án điện gió, ĐMT chuyển tiếp cùng tham vọng đầu tư các dự án NLTT khá tham vọng. Dòng tiền hoạt động từ các dự án về tốt đảm bảo cho việc trả nợ và các nhu cầu đầu tư mới.

Dự báo, doanh thu trong năm 2022 của GEG đạt 2.037 tỷ đồng trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 386 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Chat với BizLIVE