Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khởi công trong quý 4/2022

Nhà ga thứ 3 của Tân Sơn Nhất tiếp tục được lùi thời hạn thi công sang cuối năm 2022.
Nhà ga T3 giúp sân bay Tân Sơn Nhất giảm tải
Nhà ga T3 giúp sân bay Tân Sơn Nhất giảm tải

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được kiến nghị của cử tri TP.HCM do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 685, kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và các nội dung liên quan.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 và các công trình hạ tầng kỹ thuật như nhà để xe cao tầng, hệ thống cầu ống lồng… của cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện với quy mô khoảng 20 triệu hành khách một năm. Dự án dự kiến khởi công trong quý 4/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.

Cùng với các nhà ga T1 và T2, sau khi hoàn thành nhà ga T3 nâng tổng công suất thiết kế của cảng hàng không Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu hành khách một năm.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV, không sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, để kết nối giao thông đồng bộ với nhà ga T3, TP.HCM triển khai các dự án ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, sửa đổi quy hoạch để giải quyết tình trạng ùn tắc ở khu vực này. Hiện, quanh sân bay có một số dự án sắp triển khai như dự án đường nối Cộng Hoà - Trần Quốc Hoàn, tổng vốn 4.800 tỷ đồng, công trình mở rộng đường Cộng Hoà, Hoàng Hoa Thám... dự kiến khởi công trong năm nay.

Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư 2 năm trước, dự kiến khởi công cuối năm 2021, nhưng chưa triển khai do một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giao đất quốc phòng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Ngày 8/8, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 1078, phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Bộ điều chỉnh, bổ sung diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý là 3,54 ha để di dời hệ thống ụ bê tông xi măng tại khu vực phía Đông Bắc của sân bay.

Tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 787,46 ha. Trong đó diện tích đất sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu là 545,10 ha, diện tích đất quốc phòng tạm bàn giao làm sân đỗ 19,79 ha, diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng 15,26 ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam 25,66 ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Bắc là 171,65 ha.

Bổ sung công suất đón khách cho Tân Sơn Nhất

Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu hành khách một năm, sau đó được nâng cấp lên gần 30 triệu hành khách một năm. Tuy vậy, từ nhiều năm nay sân bay luôn đón lượng khách vượt xa công suất, như năm 2017 là 36 triệu khách, năm 2018 đạt 38,3 triệu khách và cao điểm du lịch 2019 lên tới 40,1 triệu hành khách.

Trong tháng 6, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 3,4 triệu lượt khách, gấp hơn 20 lần cùng kỳ 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng khách qua Tân Sơn Nhất đạt gần 14,8 triệu lượt.

Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải

Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải

Kế hoạch cả năm 2022, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 28,3 triệu hành khách. Khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất ít, lượng khách nội địa tăng đột biến dồn vào nhà ga quốc nội gây ra tình trạng quá tải.

Theo dự báo, nhu cầu thị trường hàng không đi - đến của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 là 65 triệu lượt hành khách, dồn toàn bộ vào sân bay Tân Sơn Nhất khi cảng hàng không Long Thành (Đồng Nai) dự kiến đến cuối 2025 mới đi vào hoạt động. Vì vậy, ga T3 chậm tiến độ khởi công càng khiến áp lực quá tải đổ lên sân bay Tân Sơn Nhất.

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE