Fitch đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ hạ bậc xếp hạng tín nhiệm

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 24/5 đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn đang bế tắc trong giải quyết vấn đề trần nợ công.
Fitch đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ hạ bậc xếp hạng tín nhiệm

Cụ thể, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Mỹ ở mức AAA trong Danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực. Fitch nêu rõ mức xếp hạng AAA phản ánh tình trạng chia rẽ đảng phái gia tăng đang cản trở việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công trước thời hạn chót sắp tới. Tuy nhiên, Fitch vẫn hy vọng các bên có thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo bộ này có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động vào ngày 1/6 tới, gây ra tình trạng vỡ nợ với những hậu quả kinh tế mang tính tàn phá, nếu Quốc hội không hành động để nâng trần nợ công.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công không mang lại kết quả, khi hai bên giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề này. Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó, đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất, cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Phía Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế này.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar (Ca-ta) ngày 24/5, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng bất đồng kéo dài về trần nợ tại Mỹ cần được giải quyết để tránh gây tác động đến kinh tế toàn cầu.

Các thị trường quốc tế lo ngại về các cuộc đàm phán nâng trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Cộng hòa, khi thời hạn chót vào đầu tháng 6/2023 đang đến gần.

Bà Georgieva nói đến việc nước Mỹ đã từng đối mặt với tình trạng vỡ nợ trên danh nghĩa, khi đã có những lần phải đóng cửa chính phủ do mức trần chi tiêu. Bà cho rằng vấn đề về trần nợ lần này sẽ được giải quyết vào phút chót.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng cần tránh gây ra tình trạng rất không chắc chắn đối với kinh tế thế giới do vấn đề trần nợ tại Mỹ, khi hiện đã có không ít những rủi ro.

Bên cạnh đó, bà Georgieva khuyến nghị các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát, nhưng tình hình có thể cải thiện trong năm 2024.

Theo bà, lạm phát cơ bản ở nhiều nước đang đạt đỉnh khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, nhưng lạm phát lõi vẫn chưa giảm như kỳ vọng do giá thực phẩm vẫn cao.

Bà cho rằng nếu các ngân hàng trung ương hạ lãi suất quá sớm, căng thẳng về lạm phát sau đó có thể gây trở ngại cho tăng trưởng.

Trong khi đó, theo trang mạng it.investing.com, Chủ tịch điều hành của Hive Blockchain Technologies Ltd., đồng thời là Giám đốc điều hành và Giám đốc đầu tư tại U.S. Global Investors, Frank Holmes, đã có đánh giá về việc nếu Mỹ để xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ cũng như ý nghĩa của việc này đối với nền kinh tế và thị trường. Nhà kinh tế Frank Homes cho rằng có vẻ như cứ vài năm một lần, thế giới lại theo dõi với sự quan ngại khi Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo của Quốc hội nước này thảo luận về giới hạn nợ quốc gia. Nếu cái gọi là trần không được Quốc hội nước này nâng lên, Kho bạc Mỹ sẽ có nguy cơ cạn kiệt thanh khoản và quốc gia này có thể vỡ nợ.

Một báo cáo đánh giá đầy tiêu cực mới được tổ chức Moody's Analytics công bố cho rằng, nếu điều này xảy ra, nó sẽ dẫn tới một chuỗi các sự kiện nghiêm trọng ví dụ như các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ ngay lập tức hạ bậc nợ Kho bạc Mỹ, tiếp theo là tới các tổ chức tài chính của nước này cũng như các tập đoàn phi tài chính, thành phố...

Báo cáo của Moody's cũng đưa ra trường hợp xấu nhất đó là nếu nền kinh tế Mỹ bị sụp đổ do vỡ nợ, suy thoái kinh tế Mỹ sẽ tạo ra những hệ lụy ngang ngửa với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khoảng 7,8 triệu người lao động tại Mỹ sẽ có thể mất việc làm, thị trường chứng khoán nước này có thể giảm gần 1/5 giá trị cùng với đó một khoản nợ 10.000 tỷ USD của các hộ gia đình Mỹ bị mất đi. Tiếp đó sẽ lan ra các thị trường toàn cầu.

Nhưng theo ông Frank Homes, liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có thời hạn đến ngày 8/6 để tìm tiếng nói chung (về cơ bản là chưa đầy một tháng)? Theo ước tính của Moody's, nếu ông Biden và ông Mc Carthy không đạt được những tiến bộ (tiếng nói chung), các kho bạc của Bộ Tài chính sẽ cạn kiệt.

Tại sao Mỹ phải chịu tình trạng này hàng năm? Mỹ là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới có trần nợ, và trong số những quốc gia đó, dường như không quốc gia nào có thể ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế Mỹ.

Đánh giá về việc liệu đã đến lúc loại bỏ hoàn toàn giới hạn nợ? Nhà kinh tế Frank Homes cho biết cá nhân ông sẽ ủng hộ việc cải cách trần nợ nếu việc cải cách này giải quyết được hai điều: thứ nhất giúp loại bỏ mối nguy nghiêm trọng về việc chính phủ vỡ nợ, và thứ hai đó là buộc các nhà lập pháp phải chịu trách nhiệm bằng cách tự động kích hoạt cắt giảm chi tiêu nếu trần nợ bị chạm tới. Vấn đề chi tiêu hoàn toàn cần phải được giải quyết. Ngày nay, nợ công của Mỹ đang ở mức 31.400 tỷ USD, tương đương 120% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Trong suốt 20 năm qua, trong cả hai chính quyền của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, trung bình hàng năm Chính phủ Mỹ đã để thâm hụt gần 1.000 tỷ USD. Phần lớn điều này là do các khoản thanh toán lãi suất lớn cho nợ công, hiện tương đương với chi tiêu quốc phòng của đất nước.

Nói một cách đơn giản, việc loại bỏ hoàn toàn giới hạn nợ không phải là một giải pháp mang lại sự bền vững. Nhà kinh tế Frank Homes kêu gọi mọi người đọc những bình luận gần đây của nhà đầu tư huyền thoại-tỷ phủ Stanley Druckmiller về việc chi tiêu ngoài tầm kiểm soát của đất nước và đặc biệt là các quyền lợi. Vào đầu tháng 5/2023, nhà đầu tư Stanley Druckmiller đã có bài phát biểu tại cuộc họp thường niên của Quỹ đầu tư sinh viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư (CIS) của trường Đại học USC Marshall, nơi ông chia sẻ một số thống kê đáng kinh ngạc. Ví dụ như, Mỹ chi cho mỗi người cao niên nhiều gấp sáu lần so với chi cho mỗi trẻ em, và trong 25 năm nữa, chi cho người cao niên sẽ chiếm 70% tổng thu nhập từ thuế của Mỹ.

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Lael Brainard ngày 18/5 cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái nếu kịch bản Chính phủ Mỹ vỡ nợ thành hiện thực.

Trong khi đó, theo một phân tích của công ty thị trường bất động sản công nghệ Zillow, nếu Mỹ vỡ nợ, thị trường nhà của nước này vốn đang bị tổn thương sẽ còn chao đảo hơn nữa.

Chi phí mua nhà sẽ tăng 22% khi lãi suất các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm tăng lên trên mức 8%. Doanh số bán nhà sẽ giảm 700.000 căn trong 18 tháng kể từ sau tháng Bảy, tức gần 12% trong số 6 triệu căn hiện được dự đoán sẽ bán ra trong giai đoạn đó.

Ông Jeff Tucker, chuyên gia kinh tế cấp cao của Zillow, nhận định việc Mỹ vỡ nợ sẽ có những tác động chưa từng có đối với hệ thống tài chính, từ đó đẩy chi phí đi vay tăng vọt và doanh số bán nhà vì vậy sẽ giảm xuống.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE