Fed tăng lãi suất tác động thế nào đối với Việt Nam?

Chuyên gia đánh giá, quyết định chính sách của Fed tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.
Fed vừa có quyết định tăng lãi suất mạnh nhất 22 năm (Ảnh minh họa)
Fed vừa có quyết định tăng lãi suất mạnh nhất 22 năm (Ảnh minh họa)

Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, rạng sáng ngày 5/5 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định tăng lãi suất cơ sở thêm nửa điểm phần trăm, lên 0,75% - 1% từ mức 0,25% - 0,5% trước đó. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 22 năm qua của cơ quan này.

Đây cũng là nỗ lực của Fed trong mục tiêu thiết lập lại sự ổn định của lạm phát khi đã liên tục tăng lên gần gấp 3 mục tiêu 2% trong thời gian qua - một diễn biến mà trong năm 2021 Fed vẫn từng cho rằng giá cả tăng cao chỉ là “tạm thời”.

Cùng với việc tăng lãi suất, Fed cũng định hướng sẽ thắt chặt định lượng, bằng cách thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD như một đòn bẩy khác để kiểm soát lạm phát. Chương trình cắt giảm bảng cân đối kế toán dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 1/6 với tốc độ 47,5 tỷ USD mỗi tháng, sau 3 tháng tăng lên mức 95 tỷ USD/tháng.

Đối với Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, trước mắt, quyết định chính sách của Fed tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam, mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 16/3 (lần Fed tăng lãi suất đầu tiên) tới nay đã tăng 0,36% khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng 4,25% so với ngày 16/3.

Áp lực tỷ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,5% tùy theo kỳ hạn và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo chuyên gia, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong các tháng tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế - tài chính Việt Nam, trên ít nhất là 4 phương diện.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Việc Fed và một số NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên, nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm; từ đó làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021) và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, TS. Lực cho rằng, tỷ giá USD/VND tăng không quá lớn do đồng USD đến hết ngày 5/5/2022 đã tăng gần 7% so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD), góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá.

Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD).

NHNN kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường. Theo đó, chuyên gia dự báo tỷ giá năm 2022 sẽ chỉ tăng khoảng 0,8-1,2%.

Thứ ba, việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.

Theo Bản tin nợ công của Bộ Tài chính tháng 3/2022, trong tổng trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỷ USD năm 2020, phần trả nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 3,1%, còn lại là nợ của doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước.

Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại TTCK Việt Nam trong năm 2022, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nhà đầu tư ngoại rút vốn sẽ không nhiều đối với thị trường Việt Nam do Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Chat với BizLIVE