Facebook thua kiện, phải xoá dữ liệu theo dõi người dùng, bị gọi là “kinh doanh dối trá”

Mạng xã hội lớn nhất thế giới gặp bê bối lớn bởi thu thập thông tin từ người dùng kể cả khi không sử dụng ứng dụng.
Facebook quá tham lam với thông tin cá nhân của người dùng
Facebook quá tham lam với thông tin cá nhân của người dùng

Meta - công ty mẹ của Facebook, đồng ý khoản thanh toán 90 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến quyền riêng tư từ 10 năm trước. Thỏa thuận đền bù giữa Meta và các nguyên đơn, được đệ trình vào đầu tuần này tại Tòa án Liên bang Mỹ ở San Francisco. Facebook cũng đồng ý xóa tất cả dữ liệu theo dõi lượt truy cập của người dùng vào các trang web của bên thứ 3 từ năm 2010-2011.

Đơn kiện được đệ trình sau khi người dùng cáo buộc Facebook tiếp tục theo dõi ngay cả khi đăng xuất khỏi mạng xã hội bằng 1 plug-in (phần mềm hỗ trợ) trên trình duyệt web. Khi vụ việc được thông qua hệ thống tòa án liên bang, Facebook thắng kiện 3 lần tại các phiên tòa xét xử.

Thông tin về người dùng được Facebook thu thập ngay cả khi ứng dụng không được sử dụng

Thông tin về người dùng được Facebook thu thập ngay cả khi ứng dụng không được sử dụng

Năm 2020, phán quyết được kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Mỹ. Tại đây, toà kết luận Facebook gây tổn hại về kinh tế bằng cách thu thập dữ liệu và kiếm tiền từ thông tin khai thác từ người dùng ngay cả khi nguyên đơn thoát khỏi trang web. Phiên tòa phúc thẩm phán quyết Facebook cần phải có được sự đồng ý của người dùng trước khi thu thập dữ liệu cá nhân.

Luật sư đại diện phía nguyên đơn David Straite cho biết thỏa thuận này điều chỉnh lại những tổn hại mà Facebook gây ra cho người dùng bị ảnh hưởng, giúp tạo tiền lệ cho việc giải quyết những vấn đề tương tự trong tương lai. Vụ thua kiện 90 triệu USD của Facebook là 1 trong 10 đơn kiện tập thể lớn liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu tại Mỹ.

Facebook thu thập dữ liệu khuôn mặt người dùng

Facebook thu thập dữ liệu khuôn mặt người dùng

Thỏa thuận dàn xếp được công bố cùng ngày với việc chính quyền bang Texas kiện Meta số tiền hàng trăm tỷ USD với cáo buộc cho rằng mạng xã hội này xâm phạm quyền riêng tư của người Texas bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt không được sự đồng ý.

Đơn kiện tuyên bố Facebook và Instagram theo dõi các bức ảnh và video mà mọi người đăng lên tài khoản bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Phía Facebook cho rằng đơn kiện này là vô căn cứ.

Theo ông Ken Paxton, Bộ trưởng Tư pháp Texas, Facebook vi phạm luật bảo vệ người dùng và bảo mật dữ liệu sinh trắc học của bang.

“Facebook sẽ không được phép lợi dụng người dùng và con cái họ để kiếm lợi nhuận, từ đó đánh đổi an toàn và hạnh phúc của mọi người. Đây là minh chứng về cách kinh doanh dối trá của các tập đoàn công nghệ khổng lồ. Điều này cần phải chấm dứt. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền riêng tư và an ninh của người dân Texas”, ông Ken Paxton tuyên bố.

Tháng 11/2021, Facebook đưa ra thông báo sẽ tắt tính năng nhận diện khuôn mặt, đồng thời xóa toàn bộ dữ liệu của hơn 1 tỷ người dùng có liên quan đến công nghệ này. Tính năng này hoạt động bằng cách phân tích khuôn mặt trong ảnh, bao gồm cả khuôn mặt của những người không sử dụng Facebook và khuyến nghị người dùng Facebook gắn thẻ thêm những người mà công cụ xác định.

Đơn kiện yêu cầu tòa án thi hành hình phạt 25.000 USD cho mỗi vi phạm về luật sinh trắc học của tiểu bang và 10.000 USD cho mỗi vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng Texas. Ông Ken Paxton cho biết tổng số tiền phạt có thể lên tới ít nhất 500 tỷ USD.

Meta cho biết cáo buộc của Texas là “vô căn cứ” và sẽ có động thái tự bảo vệ.

Ngoài Facebook, Texas cũng đang tiến hành một cuộc chiến pháp lý liên tục chống lại Google với cáo buộc “độc quyền trên thị trường quảng cáo trực tuyến”.

Đây không phải lần đầu tiên Facebook bị tố cáo lợi dụng thuật toán nhận diện gương mặt. Tháng 2/2021, Facebook phải thỏa thuận nộp phạt 650 triệu để giải quyết vụ kiện tập thể ở Illinois, khi công ty cũng bị cáo buộc vi phạm luật bảo mật sinh trắc học của tiểu bang bằng cách thu thập thông tin khuôn mặt của người dùng mà không được phép.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE