EU cho phép năm nước thành viên tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/6 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn các quy đinh hạn chế nhập khẩu đối với các mặt hàng ngũ cốc của Ukraine đến ngày 15/9 theo yêu cầu của năm quốc gia thành viên, những nước tìm cách bảo vệ ngành nông nghiệp của mình.

EC tuyên bố EU sẽ loại bỏ dần các biện pháp ngăn ngừa đặc biệt và tạm thời đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine ở Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Động thái của EU cho phép năm quốc gia này cấm bán các sản phẩm trên của Ukraine ở trong nước, nhưng vẫn cho phép quá cảnh qua các quốc gia này để xuất khẩu đi nơi khác, kể cả sang các nước EU khác.

EC cho hay những quy định hạn chế này bắt đầu được áp dụng vào ngày 2/5 do tình trạng "tắc nghẽn trong khâu hậu cần" ở năm quốc gia trên. Theo thời hạn trước đó, các lệnh cấm này hết hạn vào ngày 5/6 nhưng năm quốc gia này cho rằng ngũ cốc rẻ hơn của Ukraine đang khiến sản xuất trong nước của họ không có lãi, vì vậy họ đã tìm cách gia hạn. EC cho rằng các biện pháp này vẫn cần thiết thêm một khoảng thời gian ngắn nữa do tình hình tắc nghẽn nghiêm trọng trong khâu hậu cần và khả năng lưu trữ ngũ cốc hạn chế trước mùa thu hoạch ở năm quốc gia thành viên”.

Trước đó, theo hãng tin TASS, ngày 2/5, EC chính thức cấm Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang 5 nước châu Âu, nhưng vẫn cho phép nước này trung chuyển và xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên EU khác. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 2/5 đến ngày 5/6.

Tuyên bố của EC nêu rõ những biện pháp nói trên nhằm giảm tắc nghẽn về logistics liên quan đến những nông sản này tại Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Đây là các biện pháp phòng ngừa đặc biệt và tạm thời đối với việc nhập khẩu một số lượng hạn chế các sản phẩm từ Ukraine. Các biện pháp này chỉ liên quan đến 4 loại nông sản là lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương, có nguồn gốc tại Ukraine.

Từ tháng 5/2022, EU cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa do cuộc xung đột với Nga. Theo đó, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã trở thành các quốc gia trung chuyển ngũ cốc Ukraine. Các nước này đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không làm thủ tục hải quan, không bị đánh thuế và kiểm tra chính thức.

Tuy nhiên, nhiều nước cáo buộc tỷ lệ lớn hàng nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá trên thị trường, nhất là tại các nước Trung và Đông Âu. Thực tế này đã dẫn tới việc nhiều nước gần đây đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Ukraine để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.

Về phần mình, ngày 28/4, Điện Kremlin đã tái khẳng định lập trường của mình rằng các phần của Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen liên quan đến xuất khẩu nông sản của Nga không được thực hiện và cho biết triển vọng của thỏa thuận là “không tốt lắm”.

Trước đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ không cho phép thoả thuận này có hiệu lực sau ngày 18/5 bởi vì các yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không được đáp ứng.

Thoả thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hoà giải được ký kết vào tháng 7 năm ngoái, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trước đó, theo một quyết định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được công bố cuối tháng 4/2023 trên Công báo chính thức, nước này đã áp thuế 130% đối với một số loại ngũ cốc nhập khẩu bao gồm lúa mỳ và ngô.

Việc áp thuế nhập khẩu nói trên được đưa ra sau khi một số nước thuộc EU trước đó tuyên bố cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Theo một quy định trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ không áp thuế nhập khẩu đối với lúa mỳ, lúa mạch, lúa mạch đen, yến mạch, ngô và bo bo cho đến ngày 30/4. Với quyết định này, có hiệu lực từ ngày 1/5, mức thuế nhập khẩu 130% sẽ được áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu ngũ cốc.

Vụ thu hoạch lúa mỳ và lúa mạch của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào tháng Năm.

Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc và các mặt hàng nông sản khác sau đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2020 và dừng các thuế này khoảng một năm trước đó.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE