Elon Musk có thể đã sai

Chính người tạo ra công cụ mà Elon Musk sử dụng cũng khẳng định số liệu vị tỷ phú đưa ra vô nghĩa. Đây có thể là yếu tố quyết định trong vụ kiện giữa ông và Twitter.
Phiên xét xử vụ kiện giữa Twitter với Elon Musk sẽ diễn ra từ 17/10. Ảnh: India.
Phiên xét xử vụ kiện giữa Twitter với Elon Musk sẽ diễn ra từ 17/10. Ảnh: India.

Trong vụ kiện giữa Elon Musk với Twitter, số lượng tài khoản giả và bot (tài khoản đăng tự động) trên nền tảng là yếu tố quan trọng để Musk lấy cớ hủy thương vụ. Cụ thể, vị tỷ phú dùng Botometer, một công cụ trực tuyến giúp đếm số tài khoản spam. Đội ngũ của ông ước tính có đến 33% tài khoản trên Twitter là giả mạo.

Bên cạnh đó, họ cũng khẳng định có ít nhất 10% người dùng hàng ngày là bot tự động. Về phía Twitter, hãng cho biết số tài khoản bot trên nền tảng chiếm ít hơn 5% lượng người dùng hoạt động hàng ngày.

Những con số vô nghĩa

Song, mới đây Kaicheng Yang, nhà sáng lập Botometer, đã khẳng định những con số Elon Musk đưa ra “hoàn toàn vô nghĩa”.

Chia sẻ với BBC, ông nghi ngờ cách thức đếm người dùng ảo của đội ngũ Elon Musk, đồng thời cho biết họ không hề liên hệ với ông khi sử dụng công cụ này.

Theo BBC, Botometer sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau như thời điểm, cách đăng tải hoặc nội dung trạng thái, để xác định xem đó có phải là tài khoản ảo hay không trên thang điểm 1-5.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết công cụ này không hề khẳng định 100% về độ chính xác của kết quả. Cụ thể, khi sử dụng công cụ, người dùng có thể thay đổi mức điểm ngưỡng để xác định tài khoản bot. Nếu thang điểm là 2 hoặc 3, kết quả sẽ cho ra nhiều bot hơn người thật.

“Chọn điểm ngưỡng chính là khâu quan trọng nhất trong việc xác định tài khoản ảo trên nền tảng”, Kaicheng Yang khẳng định.

Ông cho biết đội ngũ của Elon Musk đã không giải thích thang điểm của mình để cho ra con số 33% phi lý. “Musk không làm rõ điều này nên ông ấy có thể nói gì cũng được. Với tôi, những con số này hoàn toàn vô nghĩa”, Yang chia sẻ.

Khẳng định của nhà sáng lập Botometer tạo ra hoài nghi về số liệu vị tỷ phú đưa ra trước tòa. Trong đơn kiện, đội ngũ của ông cho biết họ đã gặp nhiều khó khăn khi thống kê con số vì dữ liệu Twitter cung cấp rất giới hạn và thời gian không cho phép.

Chỉ có Twitter mới biết sự thật

Trước đó, những nhà nghiên cứu của Botometer cũng từng thử tính số tài khoản spam và giả mạo trên Twitter.

Theo Clayton Davis, nhà khoa học dữ liệu của Botometer, hệ thống này sử dụng công nghệ máy học cùng với những yếu tố khác như mật độ bài đăng, vốn từ đa dạng và các hành vi giống robot để đánh giá.

Năm 2017, đội ngũ ước tính có khoảng 9-15% tài khoản Twitter là bot ảo. Tuy nhiên, Clayton Davis cho biết con số này chỉ là thử nghiệm, số dữ liệu vẫn còn hạn chế. “Người duy nhất biết sự thật chính là Twitter”, ông khẳng định.

Công ty mạng xã hội cho biết họ tính toán số tài khoản ảo phần lớn dựa trên đánh giá của con người. Mỗi quý, họ sẽ chọn ngẫu nhiên vài nghìn tài khoản và đánh giá xem có phải là spam bot hay không.

Hãng cũng dùng một số dữ liệu riêng tư như địa chỉ IP, số điện thoại và định vị để đánh giá. Đây là điều mà các công cụ trực tuyến như Botometer không thể làm được.

Vị tỉ phú giàu nhất thế giới đang tỏ ra hụt hơi trong cuộc chiến pháp lý với Twitter. Ảnh: WireImage.

Do đó, Twitter cho rằng việc Musk sử dụng công cụ trực tuyến này bộc lộ rất nhiều hạn chế.

Bằng chứng là một tài khoản không có ảnh chân dung hay vị trí trông rất đáng ngờ, nhưng đây có thể chỉ là một người dùng có tính bảo mật thông tin cao. Do đó, công ty mạng xã hội khẳng định cách tính của mình là chính xác nhất.

Song, các chuyên gia trong ngành cho biết lâu nay Twitter đã hưởng lợi từ việc tính sai số tài khoản giả.

“Một mặt, họ muốn có được lòng tin từ người dùng rằng những tương tác trên nền tảng đều là thật. Nhưng mặt khác, họ cũng muốn tăng số lượng người dùng”, Davis cho biết. Nguyên nhân là lượng người dùng càng lớn họ sẽ càng kiếm nhiều tiền từ các nhà quảng cáo.

Đồng quan điểm, Michael Kearney, nhà sáng lập công cụ tính Tweet Bot or Not, cho rằng mạng xã hội “chim xanh” nên tìm cách hiệu quả hơn để phân loại tài khoản trên nền tảng.

“Twitter đã không sử dụng tất cả nguồn lực của mình để cho ra kết quả chính xác nhất”, chuyên gia khẳng định.

Đội ngũ pháp lý của Musk cũng khẳng định Twitter nên sử dụng công nghệ hiện đại hơn để đếm tài khoản ảo. Ông cáo buộc công ty vì không cung cấp đủ dữ liệu người dùng để ông tự tính toán số spam bot.

Theo Thẩm phán Tòa án Công lý Delaware, bà Kathaleen McCormick, phiên tòa xét xử vụ kiện giữa ông và Twitter sẽ diễn ra từ ngày 17/10.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE