Dự luật giảm lạm phát là một thỏa thuận lớn với nước Mỹ

Dự luật giảm lạm phát 2022 (IRA), vừa được Thượng viện Mỹ thông qua, giải quyết không chỉ thách thức lạm phát mà cả một số vấn đề quan trọng mà nền kinh tế và xã hội Mỹ phải đối mặt lâu nay.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Washington DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Washington DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tạp chí Project Syndicate, dự luật giảm lạm phát 2022 (IRA), vừa được Thượng viện Mỹ thông qua, giải quyết không chỉ thách thức lạm phát mà cả một số vấn đề quan trọng mà nền kinh tế và xã hội Mỹ phải đối mặt lâu nay.

Có một cuộc tranh luận sôi nổi về nguyên nhân của tình trạng lạm phát hiện nay, nhưng cho dù là lý do nào thì dự luật này vẫn được coi là một bước tiến. Đối với những người lo ngại về nhu cầu quá cao, có hơn 300 tỷ USD để giải quyết vấn đề.

Về phía nguồn cung, dự luật sẽ huy động 369 tỷ USD đầu tư vào an ninh năng lượng và khử carbon. Điều đó sẽ giúp giảm chi phí năng lượng - một trong những động lực chính của tình trạng tăng giá hiện nay - và đưa Mỹ trở lại đúng hướng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm khoảng 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030, so với năm 2005.

Những khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích sâu rộng. Thiệt hại của các sự kiện do khí hậu gây ra, như cháy rừng, bão, lốc xoáy và lũ lụt đối với cuộc sống của con người thậm chí còn nhiều hơn so với mức lạm phát ngày nay sẽ gây ra. Những tác động tiêu cực còn lớn hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, người da màu cũng như các thế hệ tương lai. Những thiệt hại này lớn hơn nhiều và khó khắc phục hơn.

Hơn nữa, tăng cường an ninh năng lượng đã trở nên cần thiết. Cuộc xung đột tại Ukraine một lần nữa đã nhắc nhở thế giới rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về năng lượng đi kèm với các rủi ro nghiêm trọng.

Dự luật IRA cũng sẽ giúp giải quyết bài toán chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao vốn đã gây khó khăn cho nước Mỹ từ lâu, với việc giảm cả chi phí bảo hiểm theo Đạo luật chăm sóc y tế giá phải chăng (Obamacare) cho hàng triệu người dân Mỹ và bằng cách giới hạn chi phí thuốc men tự trả đối với những người sử dụng dịch vụ Medicare (chương trình bảo hiểm y tế dành cho những người từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ).

Ngành công nghiệp dược phẩm đã nhận được hơn hàng chục tỷ USD từ các khoản thanh toán của Medicare, đơn giản là vì Chính phủ Mỹ bị ngăn cản đàm phán về giá thuốc thấp hơn. “Món quà” này dành cho ngành công nghiệp dược phẩm cuối cùng sẽ bị hủy bỏ, đem lại khoản tiết kiệm gần 300 tỷ USD trong 10 năm.

Mỹ là một trong những nguồn đổi mới dược phẩm hàng đầu thế giới và phần lớn các nghiên cứu cơ bản đằng sau những tiến bộ này được chi trả bởi những người nộp thuế ở Mỹ. Tuy nhiên, người dân Mỹ lại phải trả nhiều tiền hơn cho các loại thuốc kê đơn so với người dân ở các nước khác, một phần là do các công ty dược phẩm đã được trao quyền trong việc định giá thuốc.

Nếu IRA trở thành luật, chỉ riêng điều khoản này đã là một thành tựu lớn. Hơn nữa, dự luật sẽ mang lại những cải tiến rất cần thiết cho chính sách thuế của Mỹ.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% là đặc biệt quan trọng. Mỹ đã dẫn đầu một cuộc đàm phán toàn cầu nhằm hạn chế việc một số chính phủ đưa ra các thỏa thuận đặc biệt cho phép các tập đoàn giảm thuế và cạnh tranh trong cuộc đua giảm thuế để thu hút đầu tư - một cuộc chạy đua mà người chiến thắng duy nhất là các công ty đa quốc gia.

Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% của Mỹ sẽ không chỉ làm tăng nguồn thu thuế cần thiết; mà còn giúp ngăn chặn cuộc chạy đua giảm thuế xuống đáy trên toàn cầu này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Mỹ vì giúp việc làm của người Mỹ thoát khỏi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Nhưng thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt mà Mỹ thúc đẩy sẽ khó có thể tiến triển nếu bản thân nước Mỹ không tuân thủ các điều kiện của mình. Từ biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực đến cuộc xung đột ở Ukraine, có rất nhiều vấn đề cần sự hợp tác toàn cầu. Giống như các biện pháp chống biến đổi khí hậu, thuế doanh nghiệp tối thiểu của Mỹ là một bước đi quan trọng để chứng tỏ rằng nước Mỹ có thể là những công dân toàn cầu tốt.

Tất nhiên, một số nhà chỉ trích cánh hữu, mà nhiều người trong số đó liên minh với các công ty dược phẩm, các tập đoàn lớn khác và những người giàu có, sẽ cho rằng IRA sẽ gây ra lạm phát và họ thậm chí đưa ra các mô hình để chứng minh điều này.

Những lập luận này chống lại các điều khoản về thuế của IRA dựa trên một giả định sai lầm, đó là các công ty sẽ “chuyển” gánh nặng thuế tối thiểu bằng cách tăng giá và giảm lương. Nhưng các nhà kinh tế từ lâu đã nhận ra rằng chế độ thuế hiện hành với các tập đoàn của Mỹ - cho phép các công ty khấu trừ hầu như tất cả các chi phí, bao gồm cả lao động và vốn - gần giống với thuế lợi tức thuần túy. Một giả định lâu đời trong kinh tế học là thuế lợi tức thuần túy không dẫn đến giá cả cao hơn hoặc tiền lương thấp hơn.

Điều này cũng ngụ ý rằng các loại thuế này có thể được tăng lên mà không sợ ảnh hưởng xấu đến lạm phát hoặc đầu tư. Những sai lệch lớn - và những bất bình đẳng lớn - trong hệ thống thuế xuất phát từ việc có những lỗ hổng lớn và thực thi không đầy đủ và ít nhất IRA cũng đạt được tiến bộ trên mặt trận đầu tiên.

Trong khi những lợi ích đầy đủ của IRA sẽ chỉ được nhận ra dần dần trong những năm tới - đặc biệt là khi nước Mỹ đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh - một số tác dụng chống lạm phát có thể được cảm nhận gần như ngay lập tức, đặc biệt là trong trường hợp giá thuốc.

Hơn nữa, theo một số lý thuyết phổ biến hơn, những dự đoán về lạm phát trong tương lai là yếu tố quyết định chính của lạm phát hiện tại, vì vậy, ngay cả những điều khoản làm giảm lạm phát chậm hơn của dự luật cũng có thể có lợi ích trong việc chống lạm phát ngày nay.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE