Dự án Làng đại học Huế gặp khó vì thiếu vốn

Thiếu vốn để triển khai công tác tái định cư, sau hơn hai thập kỷ, Dự án Làng đại học Huế vẫn đang ngổn ngang, bề bộn.
Người dân trong khu vực quy hoạch Làng đại học Huế mong muốn sớm được di dời để ổn định cuộc sống
Người dân trong khu vực quy hoạch Làng đại học Huế mong muốn sớm được di dời để ổn định cuộc sống
Hơn 20 năm chưa xong vì thiếu vốn
Quy hoạch xây dựng Đại học Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 17/3/1998 trên diện tích 120 ha tại hai phường An Tây, An Cựu của TP. Huế. Năm 1999, Thủ tướng phê duyệt thực hiện dự án bước 1 của giai đoạn 1 với số vốn đầu tư 69 tỷ đồng.
Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Quyết định số 3615/QĐ-UB với nội dung phê duyệt việc xây dựng Làng đại học Huế với diện tích 113,54 ha.
Đến năm 2006, bước 2 của giai đoạn 1 Dự án Làng đại học Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt với số vốn hơn 349 tỷ đồng. Và đến cuối 2014, giai đoạn 2 của dự án được phê duyệt với mức đầu tư 259 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm  2018.
Theo quy hoạch được phê duyệt, sau khi hoàn thành, Làng đại học Huế sẽ là một tổng thể hoàn chỉnh, hiện đại với các khu học tập, nghiên cứu và phục vụ điều hành của tất cả các trường đại học tại Huế; khu ký túc xá với trung tâm dịch vụ công cộng… quy mô đào tạo khoảng 30.000 sinh viên hệ chính quy...
Phối cảnh tổng thể hoành tráng nhưng cho đến nay sau hơn 20 năm được phê duyệt, Dự án Làng đại học Huế mới chỉ triển khai các hạng mục giai đoạn 1, giai đoạn 2 dù đã qua thời hạn năm 2018 nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn chưa thể hoàn thành.
Có thể nói, dự án chậm tiến độ bắt nguồn từ nguyên nhân cơ bản đó là thiếu vốn, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng trở nên khó khăn, thậm chí là “bất khả thi”.
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết, hiện nay việc giải tỏa đến bù dự án đang gặp khó vì thiếu kinh phí. Đại học Huế cũng đã trình việc điều chỉnh quy hoạch lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời xin thêm kinh phí giai đoạn 2 dự án. Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn “chưa khả quan”.
Dân “lay lắt” sống trên đất quy hoạch treo
Việc chậm triển khai Dự án Làng đại học Huế hàng thập kỷ đã dẫn đến rất nhiều vấn đề, dai dẳng nhất chính là tình cảnh khốn khổ của các hộ dân trong vùng quy hoạch dự án. Hai mươi năm qua kể từ khi có quyết định quy hoạch xây dựng Làng đại học Huế, các hộ dân luôn thấp thỏm đợi chờ cho đến ngày được di dời giải tỏa đến nơi ở mới, nơi họ được xây ngôi nhà mới khang trang chứ không phải lay lắt sống qua mùa mưa bão trong các ngồi nhà cũ nát nhưng không được cơi nới sửa chữa như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Bé, một hộ dân tại khu vực 4, phường An Cựu, TP. Huế (thuộc diện di dời giải tỏa cho dự án) hiện vẫn đang sinh sống trong căn nhà cũ xuống cấp với mái tôn mục nát hoen ghỉ, e rằng chỉ một trận gió lốc xoáy mạnh cũng đủ cuốn bay cả ngôi nhà. Bà Bé cho biết, gia đình bà đã sinh sống tại nơi này hơn 22 năm. Hàng ngày, bà bán ve chai để kiếm sống, chiều về thì buôn bán thêm một vài thứ ăn vặt, thu nhập cũng chẳng dư dả để mua một miếng đất mới và làm nhà.
“Lúc tôi đến đây nhà sao thì giờ nó thế. Nhà cửa xuống cấp hư hỏng hết mà không được phép sửa chữa cơi nới. Cứ năm này đến năm khác đợi được giải tỏa di dời mà mãi không thấy gì cả”, bà Bé chia sẻ.
Hoàn cảnh trên còn gắn với nhiều hộ dân khác nữa trong khu vực quy hoạch. Theo kết quả điều tra dân số của địa phương, vào năm 2005, tổng số hộ dân trong khu quy hoạch treo dự án là 362 hộ, trong đó có 169 hộ ở thuộc diện trái phép. Sau khi hoàn thành dự án bước 2 của giai đoạn 1 vào năm 2013, Đại học Huế đã thống kê được 238 hộ đang sống trong vùng quy hoạch.
Ông Đoàn Bình Lương, Phó chủ tịch UBND phường An Cựu cho rằng, Dự án Làng đại học Huế kéo dài khiến cuộc sống người dân không thể ổn định. Cùng với đó là việc đền bù cuốn chiếu (tức là làm chỗ nào thì đền bù chỗ đó) khiến người dân rất khó khăn và địa phương cũng liên lụy theo.
“Tổ 21 các hộ có nhà cửa xuống cấp quá nặng nhưng không đền bù hay giải tỏa khiến họ quá khổ. Vào mưa mưa gió,  phường phải đến để hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa”, ông Lương cho biết.
Ông Ngô Văn Tuấn, Trưởng Ban cơ sở vật chất Đại học Huế cho biết, sau hơn 20 năm triển khai, dự án hiện chỉ mới giải phóng được khoảng một nửa mặt bằng (60 ha). Nút thắt khiến dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn để đền bù và di dời giải tỏa các hộ còn lại. Cũng theo ông Tuấn, để dứt điểm được khâu đền bù giải tỏa và đẩy nhanh tiến độ, dự án cần thêm khoảng 150 tỷ đồng nữa.
“Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng khu quy hoạch còn nhiều bất cập, mới đền bù và di dời 46/238 hộ. Chúng tôi và tỉnh cũng đã kiến nghị nhiều lần đề nghị các bộ ban ngành cấp vồn đền bù dứt điểm nhằm giúp cho đời sống người dân bớt khó khăn hơn nhưng chưa biết khi nào xong”, ông Tuấn nói.
Theo Đầu tư chứng khoán

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Dự án hơn 1.000 ha của Vingroup ở Đà Nẵng đón tin vui

Dự án hơn 1.000 ha của Vingroup ở Đà Nẵng đón tin vui

Hội đồng Nhân dân TP.Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương chuyển gần 30ha đất rừng trồng sang mục đích đất khác tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân (phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

Chat với BizLIVE