Dự án Bình Quới - Thanh Đa, đường trở lại còn xa

Việc dự án Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được UBND TP.HCM mời thầu kiếm tìm nhà đầu tư mới sau 26 năm hình thành trên giấy được kỳ vọng sẽ giúp dự án này thoát treo. Tuy nhiên, để dự án này thực sự hồi sinh không phải câu chuyện một sớm một chiều.
Phối cảnh dự án Bình Quới
Phối cảnh dự án Bình Quới
Trở lại vạch xuất phát

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, thành phố giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, dự án này giậm chân tại chỗ, nên đến năm 2010, thành phố quyết định thu hồi, sau đó giao cho 1 tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này.

Tưởng chừng như dự án sẽ được hồi sinh, nhưng nó tiếp tục rơi vào quên lãng. Mãi đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) được UBND Thành phố chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư trên chỉ bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính của toàn bộ dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 22.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.

ảnh 1
 Dự án bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh đã treo 26 năm nay, ảnh hưởng tới đời sống của người dân

Tuy nhiên, tới năm 2016 dự án này lại rơi vào cảnh không hướng đi, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. Việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án được ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, do chủ đầu tư này đưa 3 câu hỏi mà phía UBND TP.HCM không trả lời được, đó là tổng mức bồi thường cho dự án này là bao nhiêu, thời gian bàn giao dự án cho doanh nghiệp, vấn đề giải phóng mặt bằng thực hiện trong bao lâu và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ gì?

"Vì không trả lời được những câu hỏi trên, nên nhà đầu tư ngoại đã rút khỏi dự án, sau đó Bitexco xin tiếp tục thực hiện, nhưng tới nay vẫn chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định thực hiện mời thầu lại để sớm có lối thoát cho dự án này phát triển”, ông Hoan nói.

Như vậy, sau 26 năm nằm trên giấy, qua nhiều chủ đầu tư cả trong và ngoài nước, dự án Bình Quới - Thanh Đa lại trở lại vạch xuất phát ban đầu là tìm nhà đầu tư.

Đường trở lại còn xa

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Dự án Bình Quới - Thanh Đa trước đây được liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC phối hợp triển khai trên chủ chương được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho triển khai. Sau đó, Emaar Properties PJSC rút vì dự án quá chậm trong việc giải phóng mặt bằng, bởi thủ tục quá lâu và nhiều bất cập.

“Ở Dubai, Emaar Properties PJSC là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành bất động sản, các dự án lớn tại Dubai đều do doanh nghiệp này thực hiện, nên khi doanh nghiệp này rút Thành phố rất lấy làm tiếc”, ông Phong nói.

Sau khi Emaar Properties PJSC rút, TP.HCM mất thêm thời gian chờ đợi xem Bitexco có tiếp tục thực hiện tiếp hay không.

“Sau khi lên làm chủ tịch, tôi có mời đại diện Bitexco lên làm việc để xem Bitexco có thể triển khai được dự án tiếp hay không vì dự án này kéo dài quá lâu. Sau đó, phía Bitexco xin được đứng một mình tiếp tục thực hiện dự án và ứng tiền ra để bồi thường dự án cho dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ cam kết như vậy, chứ không đưa ra phương án cụ thể việc tiến hành thế nào. Từ đó, UBND TP.HCM tiến hành thẩm định năng lực chủ đầu tư này và sau 6 tháng thẩm định, Thành phố thấy Bitexco có đủ khả năng thực hiện dự án”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, sau đó thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép Bitexco được tiếp tục một mình thực hiện dự án và Thủ tướng đã có văn bản trả lời là quyền quyết định vấn đề này thuộc thẩm quyền thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Phong, theo quy định hiện nay, văn bản trên của Thủ tướng làm cho việc quyết định cho phép Bitexco được phép thực hiện tiếp hay không phải đấu thầu chứ không chỉ định.

“Sau đó, tôi báo cáo với Thường trực Thành ủy xin ý kiến và dựa trên tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư là phải đấu thầu dự án này”, ông Phong nói và cho biết, nếu qua đấu thầu theo quy định có yếu tố nước ngoài nếu suôn sẻ thì mất 800 ngày, còn không sẽ kéo dài thêm. Vì vậy, dự án này sẽ phải chờ thêm thời gian nữa. Hơn nữa, dự án này không đồng bộ nên rất khó triển khai dự án trong thời điểm này.

Cũng theo ông Phong, vấn đề thực hiện dự án này sẽ được UBND TP.HCM báo cáo trước Hội đồng nhân dân Thành phố trong kỳ họp sắp tới.

Liên quan đến dự án, ông Võ Văn Hoan cho biết, ý tưởng xây dựng bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị hiện đại đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, tiến hành quá chậm và doanh nghiệp trong nước không thể một mình triển khai được, nên mới kết hợp cùng doanh nghiệp ngoại để thực hiện. Tuy nhiên, tới nay, chủ trương của Thành phố là không chờ đợi nữa, nên tiến hành đấu thầu.

Theo ông Hoan, hiện nay có 4 nhà đầu tư quan tâm đến dự án đã nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có nhà đầu tư năng lực tài chính rất tốt, họ cam kết ứng trước 3 tỷ USD để triển khai dự án. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tập hợp các hồ sơ xin đấu thầu dự án để tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án.

“Tuy nhiên, TP.HCM cũng xác định, thời gian để thực hiện đấu thầu là khá lâu, nên UBND Thành phố chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng và các sở có liên quan cho phép Sở Xây dựng được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho người dân nơi đây được xây dựng, sửa chữa nhà ở, chứ không cấm xây dựng, sửa chữa như trước đây nữa”, ông Hoan nói.

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE