Dragon Capital mua thêm 1,4 triệu cổ phiếu DPM, trở thành cổ đông lớn tại Đạm Phú Mỹ

Hai quỹ thành viên thuộc Dragon Capital vừa mua thêm tổng cộng 1,4 triệu cổ phiếu DPM, nâng tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ này tại Đạm Phú Mỹ lên 5,085% và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dragon Capital thành cổ đông lớn tại Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - mã DPM) sau khi mua thêm tổng cộng 1,4 triệu cổ phiếu DPM, tăng lượng sở hữu từ 18,5 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 4,7%) lên 19,9 triệu cổ phiếu (gần 5,1%).

Cụ thể, ngày 8/6, quỹ thành viên thuộc Dragon Capital là Amersham Industries Limited đã mua vào 700.000 cổ phiếu DPM, tăng lượng sở hữu từ 1 triệu cổ phiếu (tương đương 0,26%) lên 1,7 triệu cổ phiếu (0,43%). Tương tự, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng mua 700.000 đơn vị, tăng lượng nắm giữ từ hơn 1,5 triệu cổ phiếu (0,39%) lên 2,2 triệu cổ phiếu (0,57% vốn điều lệ).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/6, cổ phiếu DPM có giá 66.800 đồng/cổ phiếu, hồi phục hơn 45% so với mức giá 46.050 đồng/cổ phiếu phiên 16/5 khi VN-Index thủng mốc 1.200 điểm. Tạm tính theo thị giá 66.800 đồng/cổ phiếu, Dragon Capital đã chi hơn 93,5 tỷ đồng để mua 1,4 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong phiên 8/6, DPM cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với giá trị trên 90 tỷ đồng. Theo thống kê, tính từ đầu năm đã có hơn 1.600 tỷ đồng được khối ngoại bơm vào DPM. Trong khi đó, một cổ phiếu phân bón khác là DCM cũng được mua ròng hơn 800 tỷ đồng.

Tạm tính tại mức giá 60.400 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 14/6, Dragon Capital đã lỗ hơn 9% khi mua 1,4 triệu cổ phiếu DPM ở mức giá 66.800 đồng/cổ phiếu
Tạm tính tại mức giá 60.400 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 14/6, Dragon Capital đã lỗ hơn 9% khi mua 1,4 triệu cổ phiếu DPM ở mức giá 66.800 đồng/cổ phiếu

Xét về yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu, có thể thấy, phân bón là nhóm ngành tăng trưởng tốt với kết quả kinh doanh nổi bật nhờ hưởng lợi từ giá tăng cao. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Giá phân bón tăng chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân và chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, đẩy giá phân bón tiếp tục leo thang.

Trong bối cảnh giá phân bón thế giới lập đỉnh, nhiều doanh nghiệp phân bón của Việt Nam đã tận dụng cơ hội, đẩy mạnh việc xuất khẩu phân bón sang các thị trường như Campuchia, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc... Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu phân bón đạt khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng cao và hoạt động xuất khẩu thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón, trong đó có Đạm Phú Mỹ (DPM) đều tăng trưởng bằng lần.

Cụ thể, trong quý 1/2022, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần 5.829 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý 1/2021 và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong quý 1, Đạm Phú Mỹ đã trúng gói thầu xuất khẩu lớn và đã kịp xuất bán ngay trong tháng 1, ước tính thu về 1.000 - 1.100 tỷ đồng lợi nhuận.

So với kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 17.239 tỷ đồng, LNST 3.473 tỷ đồng (lần lượt 31% và 9% so với thực hiện 2021), 3 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành 33,8% kế hoạch doanh thu cả năm, còn lợi nhuận hoàn thành 61,2%.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE