Phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá vàng tăng trở lại và lấy lại được phần nào mức sụt giảm sau tuần đi xuống sâu nhất tính tháng 3/2020. Việc đồng USD ngừng tăng giá giúp giá vàng tăng trở lại.
Giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.782,83USD/ounce ở thời điểm chốt phiên. Trong khi đó giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng 0,8% lên 1.782,9USD/ounce.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại quỹ Blue Line Futures ở Chicago, ông Phillip Streible, nhận xét: “Người ta đang tận dụng cơ hội giá điều chỉnh để mua vàng và thực sự trong dài hạn, việc nắm giữ vàng vẫn có nhiều giá trị”.
Trong tuần trước, giá vàng mất 6% tương đương khoảng 113USD/ounce khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ thu hẹp chương trình mua tài sản và có thể sẽ bắt đầu nâng lãi suất từ năm 2023.
Chỉ số đồng USD hiện đã rời khỏi mức cao nhất trong 2,5 tháng, điều này không khỏi khiến nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn. Trước phiên ngày thứ Hai, giá vàng đã giảm liền 6 phiên.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm tăng từ mức thấp nhất trong 4 tháng, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên.
Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Bank of America khẳng định việc Fed có quan điểm cứng rắn, rủi ro nâng lãi suất sẽ có thể ảnh hưởng đến giá vàng trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên có không ít chuyên gia dự báo về khả năng giá vàng sẽ vượt lên trên mốc 1.800USD/ounce bởi đồng USD đã bị quá bán, chương trình mua trái phiếu của Fed vẫn tiếp tục và lãi suất nhiều khả năng sẽ chưa sớm tăng.
Các thành viên thị trường giờ đây sẽ dồn sự quan tâm sang bài phát biểu từ nhiều quan chức ngân hàng trung ương Mỹ trong đó có chủ tịch Fed Jerome Powell, ông dự kiến sẽ có cuộc trao đổi trước công chúng vào ngày thứ Ba.
Vào ngày thứ Sáu, chủ tịch Fed tại St. Louis – ông James Bullard cho biết ông tin ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất ngay từ năm 2022, giá vàng vì vậy lại giảm mạnh trong phiên này.
Ngày đầu tuần, ông Bullard và chủ tịch Fed tại Dallas – ông Rob Kaplan trong cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn các tổ chức tiền tệ và tài chính công bố dự báo lạm phát sẽ vẫn dai dẳng kéo dài trong năm 2022, trên mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và cao hơn so với dự báo của nhiều đồng nghiệp.
Ông Bullard hiện không phải thành viên có quyền bỏ phiếu trong Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) nhưng ông sẽ chính thức có tư cách này từ năm 2022, ông Kaplan cũng sẽ bắt đầu bỏ phiếu trong FOMO từ năm 2023.