Đóng góp của lao động nhập cư có thể tạo thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

Nếu tập trung hết người di cư vào một quốc gia thì đó sẽ là quốc gia đông dân thứ tư và là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.
Hành khách tại sân bay Brandenburg, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Hành khách tại sân bay Brandenburg, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhật báo Les Echos dẫn kết quả nghiên cứu của Viện BCG Henderson cho biết, nếu tập trung hết người di cư vào một quốc gia thì đó sẽ là quốc gia đông dân thứ tư và là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.

Mặt khác, tỷ trọng của lao động nhập cư sẽ ngày càng tăng lên do tình trạng thiếu hụt hiện nay ở các nước phát triển.

Lực lượng lao động nhập cư đang tạo ra khoảng 9.000 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi năm, tương đương với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đây là một trong những con số thống kê đáng chú ý do Viện BCG Henderson, tổ chức tư vấn của Tập đoàn tư vấn Boston, đưa ra trong một báo cáo được công bố cùng với Liên hợp quốc nhân ngày Quốc tế người di cư (19/12).

Tuy nhiên, BCG Henderson cũng cho rằng con số này vẫn còn chưa thể hiện được sự đánh giá đầy đủ, bởi vì không phải tất cả các tác động kinh tế của lao động nhập cư với tư cách là người tiêu dùng, doanh nhân và nhà sáng tạo đều được tính đến.

Trong tương lai, sản lượng kinh tế do người nhập cư mang lại có thể sẽ tăng gấp đôi và đạt khoảng 20.000 tỷ USD vào năm 2050.

Theo thống kê của BCG Henderson, năm 2020 có khoảng 280 triệu người di cư, chiếm 3,6% dân số thế giới, và chắc chắn con số này sẽ không chỉ dừng ở đó. Nếu tất cả những người di cư này tập trung lại thành một quốc gia, thì quốc gia đó sẽ đứng thứ 4 trên thế giới về dân số.

Nền kinh tế toàn cầu đang bị thiếu hụt lao động trầm trọng, đạt mức kỷ lục vào giữa năm 2022. François Candelon, Giám đốc toàn cầu của tổ chức này, dự báo: "Từ nay đến năm 2050, 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy giảm nhân khẩu học sẽ mất khoảng 345 triệu người trong độ tuổi lao động".

Trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề phải kể đến Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh, thậm chí cả Canada. Đối với 30 nền kinh tế lớn nhất hành tinh, nhu cầu về nguồn nhân lực tăng cao, 30 triệu vị trí việc làm cần được tuyển dụng đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin và truyền thông và chăm sóc sức khỏe".

Theo ước tính của ông Francois Candelon, dù là kỹ năng gì thì "sự thiếu hụt lao động về mặt cơ cấu sẽ khiến các quốc gia này thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm".

Trong khi đó, 10 quốc gia có mức tăng dân số lớn nhất hành tinh sẽ chứng kiến dân số trong độ tuổi lao động của họ tăng hơn 770 triệu người. Cùng với tự động hóa, xu hướng phi tập trung và nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động, lực lượng nhập cư sẽ là chìa khóa để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các xã hội đang có nguy cơ bị già hóa dân số.

Theo đánh giá của Viện BCG Henderson, lực lượng lao động nhập cư sẽ tạo nên điểm cộng cho nền kinh tế và doanh nghiệp toàn cầu. Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy 72% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng người nhập cư là tài sản cho sự phát triển của đất nước họ. Về quan điểm này, dư luận chung đánh giá thấp hơn, chỉ có 41% dân số đồng ý.

Việc sử dụng lao động nhập cư sẽ là cơ hội cho các công ty tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để thu hút nhân tài. Theo nhận xét của ông François Candelon, một công ty có sự đa dạng văn hóa rõ rệt sẽ có nhiều khả năng đổi mới hơn so với các đối thủ kém hơn về mặt này.

Và trong lĩnh vực này, các công ty Mỹ và Ấn Độ có vị thế tốt hơn so với các đối thủ châu Âu của họ. Báo cáo của BCG Henderson cũng nêu rõ, người lao động nhập cư cho phép phát triển, bán và mua nhiều loại sản phẩm và dịch vụ mới, kích thích tinh thần kinh doanh và giúp các doanh nghiệp tăng thu nhập.

Tuy nhiên, trong khi 95% chủ sở hữu doanh nghiệp cho biết họ có ý định xây dựng các nhóm làm việc đa dạng hơn trên toàn cầu, thì chỉ có 5% làm được điều này một cách hiệu quả. Trên thực tế, mối quan tâm của các doanh nghiệp nằm ở chỗ khác.

Đói nghèo, khí hậu và tính bền vững, ổn định địa chính trị, giáo dục và tự động hóa là những ưu tiên hàng đầu của họ. Ngoài ra, theo các chủ doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho người di cư hòa nhập, luật pháp của nước sở tại cần thay đổi một cách hài hòa hơn.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE