“Đối với nhà đầu tư không chuyên, cách đầu tư chứng khoán đơn giản nhất là bỏ tiền vào những quỹ chuyên nghiệp”

Thời gian qua, mặc dù vĩ mô của Việt Nam rất sáng nhưng VN-Index là một trong những chỉ số giảm nhiều nhất thế giới. Đó không phải phản ứng quá đà mà bởi vì năm 2020-2021 rất nhiều cổ phiếu đã tăng một cách hơi quá so với giá trị thực của họ.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF)
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF)

Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF) đã có những chia sẻ với nhà đầu tư về xu hướng lạm phát tác động tới thị trường chứng khoán cũng như cách đầu tư hợp lý trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

BTV Mùi Khánh Ly: Lạm phát liên tiếp tăng kỷ lục ở nhiều quốc gia, vậy theo bà, thời điểm này đã là đỉnh điểm của lạm phát hay chưa?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF): Để nhận định lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa có một số yếu tố như sau: Lạm phát đã duy trì ở mức cao sau một thời gian khá dài và gần đây các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng, chính vì thế nhu cầu đã bắt đầu giảm. Chỉ số Bloomberg Commodity Index phản ánh giá cả của khoảng 20 loại hàng hóa cơ bản nhất, trước đó đã tăng khoảng 37% từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 6, tuy nhiên, từ giữa tháng 6 đến nay, đã giảm đi khoảng 15% so với mức đỉnh này; Giá xăng dầu ở Mỹ cũng giảm khoảng 10%.

Kết hợp các yếu tố đó, tôi đánh giá lạm phát đã lập đỉnh và có thể bắt đầu giảm từ tháng 7 tới. Tuy vậy, cũng cần phải cẩn trọng với giá xăng dầu. Bởi giá xăng dầu là một loại hàng hóa rất khó dự đoán. Theo một số dự đoán thì có thể giảm xuống 65 USD hay 70 USD/thùng, nhưng một số dự đoán thậm chí cho rằng giá dầu thể tăng lên 300 USD hay 350 USD/thùng. Giá dầu phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine. Mùa đông sắp tới cũng là một câu hỏi lớn, vì nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng rất cao và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát.

Thị trường chứng khoán đã liên tục biến động và rất nhiều tài khoản bị thua lỗ 40-50% hay thậm chí 70%. Vậy những phản ứng của thị trường tài chính trong thời gian qua có là quá đà không?

Việc thị trường biến động mạnh không chỉ là phản ứng với lạm phát mà còn là sự điều chỉnh với những cổ phiếu đã tăng một cách rất phi lý trước đây. Thời gian qua, mặc dù câu chuyện kinh tế vĩ mô của chúng ta rất sáng nhưng VN-Index là một trong những chỉ số giảm nhiều nhất thế giới và tương đương với mức giảm của S&P 500 trong khoảng 6 tháng qua.

Tôi nghĩ đó không phải phản ứng quá đà mà bởi vì năm 2020-2021 rất nhiều cổ phiếu đã tăng một cách hơi quá so với giá trị thực của họ. Nhiều cổ phiếu thậm chí tăng vài lần mà bản thân kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không có gì nổi bật. Đến nay khi dòng tiền rẻ không còn và khi nhà đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tâm lý thì chính những cổ phiếu đó giảm rất nhiều và kéo chỉ số đi xuống.

Các quỹ của VCBF giữ được tỷ suất sinh lời tốt trong năm 2021, hai quỹ cổ phiếu đều có mức sinh lời cao lần lượt là gần 38% và 25,7% và không bị giảm mấy khi thị trường lao dốc mạnh, bà có thể chia sẻ bí quyết cho nhà đầu tư?

Triết lý đầu tư của chúng tôi không thay đổi trong mọi hoàn cảnh, đó là dựa trên lựa chọn cổ phiếu. Lựa chọn cổ phiếu ngoài những yếu tố quan trọng như đội ngũ lãnh đạo là ai, hoạt động trong ngành nào, vị trí của họ trong ngành và tình hình tài chính ra sao, còn một điểm rất quan trọng đó là định giá cổ phiếu. Chúng tôi chỉ mua hay nắm giữ những cổ phiếu còn đang định giá thấp và điều đó giúp cho danh mục của chúng tôi không bị giảm nhiều trong khi thị trường giảm.

Ví dụ, một số ngành bị giảm nhiều nhất là chứng khoán, bất động sản hay vật liệu xây dựng trong thời gian qua chúng tôi nắm giữ một tỷ trọng thấp hơn so với tỷ trọng chỉ số tham chiếu của quỹ. Bởi vì những cổ phiếu này đã tăng rất nhiều trong năm 2021 và định giá đã vượt quá giá trị thực của nhiều công ty.

Điểm quan trọng thứ hai là khi đầu tư chúng tôi sẽ phải nhìn trước được thị trường trước khi thị trường nhận ra, hay mua những cổ phiếu mà giá trị của nó chưa được thị trường nhận ra. Ví dụ không phải bây giờ chúng tôi mới nhận ra vấn đề lạm phát, ngay từ khi mà Covid xảy ra, chúng tôi đã đặt câu hỏi là liệu sau khi Covid kết thúc có lạm phát hay không, bởi vì sau khi Covid xảy ra thì cầu có thể tăng rất nhanh nhưng cung có thể không tăng kịp để đáp ứng nhu cầu, như vậy có thể dẫn đến mất mất cân đối cung cầu và dẫn đến lạm phát. Hay là khi lựa chọn công ty cũng sẽ phải lựa chọn những công ty mà khi thị trường còn chưa quan tâm đến và còn đang định giá rẻ, sau đó sẽ bán đi khi tất cả mọi người vẫn đang “say sưa” với nó khi ở định giá rất cao.

Một điểm nữa là chúng tôi phải nhìn dài hạn và xác định những xu hướng dài. Chẳng hạn như xu hướng kinh tế của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển, xu hướng thu nhập của người dân tăng tiêu dùng, xu hướng sử dụng công nghệ…chúng tôi sẽ đầu tư dựa trên những xu hướng dài hạn đó, chứ không phải dựa trên những biến động ngắn hạn của thị trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ duy trì danh mục đa dạng những công ty hàng đầu ở rất nhiều ngành khác nhau. Thời gian vừa qua, những công ty có tính phòng thủ cao như điện nước, công nghệ thông tin, lương thực, thực phẩm xuất khẩu là những công ty đã hỗ trợ cho danh mục trong giai đoạn thị trường giảm vừa qua. Nhưng những cổ phiếu mà chúng tôi nghĩ bị ảnh hưởng và có tính chu kỳ cao như ngân hàng, bất động sản hay vật liệu xây dựng, những cổ phiếu này sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong giai đoạn lạm phát nhưng sẽ được hưởng lợi trong dài hạn nên chúng tôi vẫn nắm giữ, nhưng sẽ nắm giữ những cổ phiếu hàng đầu trong các ngành đó, và với tỷ trọng thấp hơn. Điều đó cũng giúp cho chúng tôi có lợi nhuận tốt hơn so với lợi nhuận của thị trường.

Trước những biến động của thị trường, ông bà nhận định xu hướng thị trường sẽ ra sao?

Thời gian vừa qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam là một điểm rất sáng. Bởi vì chúng ta rất may mắn khi đã đi sau các nước trong quá trình ảnh hưởng bởi Covid-19. Khi mà chuỗi cung ứng bị gián đoạn thì chúng ta mới bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và không bị lạm phát. Đợt này khi giá cả hàng hóa tăng cao, nhu cầu hồi phục mở rộng thì nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc, nước nhập khẩu lớn nhất đối với nông sản thực phẩm nước ta đã đóng cửa. Điều đó hỗ trợ cho giá cả lương thực, thực phẩm không bị tăng quá nhiều và lạm phát được kiểm soát. Bởi thực phẩm và dịch vụ ăn uống chiếm tới gần 34% trong rổ CPI.

Trong thời gian tới nếu Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng ta sẽ có điểm lợi là lúc đó giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu giảm nhiệt và nếu giá cả thực phẩm có tăng thì cũng không còn tăng cao như trước đây. Theo tôi, câu chuyện của Việt Nam rất khác so với câu chuyện còn lại của thế giới.

Còn về thị trường, bản thân VCBF thì không bao giờ nhận định thị trường ngắn hạn. Tôi chỉ có một nhận xét là định giá P/E của chỉ số VN-Index hiện đang khoảng 12,7-12,8 lần. Nếu nhìn lại lịch sử, mức thấp hơn 12,7-12,8 lần chỉ xảy ra có bốn lần. Đó là vào đợt khủng hoảng năm 2008-2009, đợt khủng hoảng mà chúng ta có lạm phát cao 2010-2013, đợt Covid 2020 và đợt 2015 khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu có thể bị hạ cánh cứng khiến họ phải phá giá Đồng Nhân Dân tệ và lần này là lần thứ năm.

Chỉ có 5 lần kể trên là có mức định giá thấp. Đồng thời, trong mỗi lần cũng đều rất là ngắn, ngoại trừ giai đoạn 2012-2013 kéo dài khoảng ba năm. Giai đoạn đấy, lạm phát rất cao, lạm phát và lãi suất khoảng 18-20% và tôi tin tưởng chắc chắn Việt Nam sẽ không xảy ra điều đó trong thời gian tới. Các giai đoạn còn lại cũng chỉ kéo dài khoảng 2-3 quý, một thời gian rất ngắn và đây sẽ là những cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư tham gia thị trường, tất nhiên vẫn phải lựa chọn cổ phiếu tốt.

Vậy nhà đầu có thể thực hiện các chiến lược như quỹ để phòng ngừa rủi ro và đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh lạm phát và lãi suất vẫn còn khả năng tăng không, thưa bà?

Đối với những nhà đầu tư không có thời gian, không có chuyên môn và không có kinh nghiệm, chúng ta nên thuê những nhà đầu tư chuyên nghiệp làm cho mình và cách thuê đơn giản nhất đó chính là đầu tư vào những quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, quỹ cũng có rất nhiều cách phân loại khác nhau.

Ví dụ với hình thức hoạt động, có quỹ đóng, quỹ mở, quỹ thành viên, quỹ công chúng. Nhưng có một cách phân loại được sử dụng nhiều đó là dựa vào loại tài sản mà quỹ đầu tư vào, sẽ có quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ hỗn hợp hay là quỹ cân bằng. Đối với quỹ cổ phiếu, có rất nhiều chiến lược đầu tư khác nhau như cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu tăng trưởng hay cổ phiếu giá trị.

Mỗi một quỹ sẽ có một chiến lược đầu tư khác nhau và nhà đầu tư cần phải xem chiến lược đầu tư của quỹ là gì. Để so sánh lợi nhuận của quỹ nên so sánh với lợi nhuận tham chiếu của quỹ và khi lựa chọn quỹ cũng cần phải xem khả năng chịu đựng rủi ro của mình đến đâu. Nếu không bao giờ muốn lỗ thì không thể nào đầu tư vào cổ phiếu, chỉ có thể mua quỹ trái phiếu. Còn nếu có thể chấp nhận được biến động ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ có lợi nhuận cao hơn so với trái phiếu thì đầu tư vào các quỹ cổ phiếu. Thực ra quỹ cũng giảm theo thị trường bởi nắm giữ một danh mục các cổ phiếu và các cổ phiếu này có giá biến động theo thị trường.

Tuy vậy, nếu chúng ta nhìn vào kết quả của các quỹ hoạt động ở Việt Nam trong 6 tháng thì thấy so với mức giảm của VN-Index, hầu hết các quỹ có mức giảm thấp hơn so với thị trường, trong khi rất nhiều nhà đầu tư cá nhân bị giảm đến 40-50% thậm chí là 60-70%.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Giá vàng phục hồi nhẹ, tỷ giá trung tâm tăng

Giá vàng miếng SJC có thời điểm tuột mốc 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra song đã nhanh chóng lấy lại mốc này. Trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng quay đầu tăng nhẹ.

Chat với BizLIVE