Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu “kêu” khổ vì cước vận chuyển tăng khủng, cạnh tranh thiếu lành mạnh

Hiện nay, các hãng tàu còn sẵn sàng hủy chỗ đối với các đơn hàng đã đặt trước để bán lại cho doanh nghiệp nào trả giá cước cao hơn, dẫn đến tình trạng tranh nhau và đẩy giá lên cao.
Logistics - ảnh minh họa
Logistics - ảnh minh họa
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa có văn bản gửi các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, NN-PTNT,  Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam phản ánh về việc cước vận chuyển tăng quá cao trong thời gian vừa qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên.
Thông tin thiếu container rỗng từ các hãng tàu đưa ra là chưa chính xác
Theo VPA, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 155 ngàn tấn, kim ngạch đạt 500 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 thì lượng xuất khẩu giảm 7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 41%.
Lượng tiêu xuất khẩu giảm ngoài yếu tố sản lượng năm 2021 giảm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì chi phí logistics là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Chi phí logistics có 2 phần chính: Một là phí bến bãi, xếp dỡ, thủ tục hành chính tại cảng xuất và hai là các chi phí liên quan đến vận chuyển container (cont) đường biển. Mỗi cont hàng xuất sẽ có khoảng 10 mục thu của hãng tàu như: Cước vận chuyển, phí bóc dỡ, niêm chì, chứng từ, an ninh, phụ phí xăng dầu, phụ phí mùa cao điểm, AMS/ENS, nâng cont rỗng, hạ cont hàng. Giá thu tùy cont 20 hay 40 feet.
Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hồ tiêu từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021 luôn trong xu hướng tăng với biên độ rất cao và không có dấu hiệu ngừng lại. 
Theo các hãng tàu, lý do chính khiến giá cước vận chuyển tăng là do hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt cont. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm ngoái và trên thực tế số lượng cont thông qua cảng Việt Nam quý 1/2021 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thông tin thiếu cont rỗng từ các hãng tàu đưa ra là chưa chính xác.
Tuyến vận chuyển đường biển tới Mỹ và EU có mức tăng giá cước phi mã 
Đối với hồ tiêu Việt Nam, Mỹ là thị trường chính và là thị trường quan trọng với lượng xuất khẩu chiếm 20-25%/năm và luôn duy trì sức mua ổn định cho tới hiện tại.
Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường trọng điểm và là thị trường mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh các FTA càng thúc đẩy tăng sức mua của thị này.
Tuy nhiên, đây lại là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD/cont 40 feet sau mỗi 2 tuần. 
Các doanh nghiệp hồ tiêu cho biết, thị trường Mỹ luôn mua hàng với điều kiện CNF nên tất cả rủi ro về chi phí vận chuyển đều do doanh nghiệp gánh chịu. Thời hạn ký hợp đồng giao hàng thường dao động từ 1 tháng trở lên nên doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại. 
"Thậm chí có khi cả tháng cũng không thể tìm được xác nhận chỗ trên tàu để tiến hàng giao hàng, đến khi tìm được "booking" thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/cont 40 feet. Ngoài ra, cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tăng liên tục và thay đổi 2 tuần/lần, mức tăng không được báo trước, có những lúc lại tăng đột biến", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Đặc biệt, không loại trừ việc tăng chi phí từ đơn vị trung gian là đại lý hãng tàu (Forwarder – gọi tắt FWD) cùng cộng hưởng tạo tâm lý sai lệch về vấn đề tăng giá. Đây cũng là một mắt xích quan trọng vì hầu hết các doanh nghiệp đều làm việc với hãng tàu qua trung gian là FWD. Điều này được chứng minh khi hiện tại trên thị trường đang trổi nổi nhiều mức giá khác nhau cho các chỗ trên cùng một con tàu.
Còn tại thị trường châu Âu, so với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi châu Âu thường ổn định ở mức 800-1.200 USD/cont 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. 
Đầu năm 2020, cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD/cont 40 feet, nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần. Nhất là đối với hàng Mỹ mà tất cả các booking đi Mỹ đều bắt buộc phải book qua các FWD có hợp đồng hàng Mỹ với hãng tàu. Trong khi chức năng FWD chỉ là đơn vị trung gian làm thủ tục lấy xác nhận đặt chỗ và cung cấp thông tin cho hãng tàu, không có chức năng đảm nhiệm tất cả thủ tục pháp lý cần thiết để xuất khẩu thành công một cont hàng.
"Thậm chí nhiều khi các doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận trả giá cao để kịp thời hạn giao hàng nhưng vẫn không tìm được booking để giao hàng”, một doanh nghiệp bức xúc nói. 
Các hãng tàu còn sẵn sàng hủy chỗ (Booking confirmation) đối với các booking đã đặt trước để bán lại cho doanh nghiệp nào trả giá cước cao hơn, dẫn đến tình trạng tranh nhau để book tàu. Việc này làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa sản xuất ra nhưng không thể xuất đi buộc doanh nghiệp phải thuê thêm kho trữ, tiền hàng bị ứ đọng, khách hàng không nhận được hàng còn doanh nghiệp thì không còn tiền cũng như không dám nhập thêm nguyên liệu để sản xuất, ảnh hưởng tới việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của người nông dân.
Doanh nghiệp rất thông cảm hiện tại các hãng vận chuyển cũng đang chịu ảnh hưởng trên nhiều mặt và trên diện rộng dẫn đến việc đẩy giá cước tàu lên cao. Tuy nhiên, mức tăng cần được kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch và có lộ trình báo trước.

Đọc tiếp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Chat với BizLIVE