Doanh nghiệp vẫn "mê" xuất hàng sang thị trường Trung Quốc vì thấy "dễ chịu"

Theo đại diện một doanh nghiệp, dù chi phí vận chuyển sang thị trường này đang tăng gấp 4 lần và tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc cao hơn so với trước đây, nhưng dù sao vẫn “dễ chịu” hơn các thị trường cao cấp khác.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo công bố mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, trị giá xuất khẩu rau quả trong tháng 5/2022 ước tính đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục XNK cho biết, trong cơ cấu các loại rau quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2022 thì các loại quả và rau củ có trị giá xuất khẩu giảm mạnh. Trong đó, hầu hết các loại quả chính giảm đến 19,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 806,4 triệu USD nhưng xuất khẩu chuối lại tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 184,9 triệu USD.

Thị trường Trung Quốc chiếm đến 71% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại quả trong 4 tháng đầu năm nay, nên khi thị trường này giảm mạnh nhập khẩu đã kéo tụt kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

“Dù phía Trung Quốc đã cho thông quan trở lại tại một số cửa khẩu, nhưng hiệu suất thông quan rất chậm, chưa thực sự cải thiện nhiều. Cùng với đó, phía Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình thông quan nhằm phòng chống dịch bệnh, nên hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này còn rất hạn chế”, đại diện cục XNK nói.

Trong khi xuất khẩu các loại quả giảm sâu thì xuất khẩu chuối lại tăng đến 46,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 184,9 triệu USD, chiếm tỷ lệ 22,93% tổng kim ngạch xuất khẩu các loại quả.

Mặc dù xuất khẩu rau quả nói chung và xuất khẩu rau quả nói riêng sang thị trường Trung Quốc ngày càng giảm nhưng bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nào cũng đều xuất sang thị trường này.

Bởi theo ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, bất cứ loại trái cây nào của Việt Nam ‘thắng, thua’ gì vẫn do thị trường Trung Quốc quyết định chứ không do các thị trường khác, và dù chi phí vận chuyển sang thị trường này đang tăng gấp 4 lần và tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc cao hơn so với trước đây, nhưng dù sao vẫn “dễ chịu” hơn các thị trường cao cấp khác.

Do có ít doanh nghiệp làm hàng đạt chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường phát triển đòi hỏi an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp, kích cỡ đồng đều, …. Và ngoài Nhật Bản là thị trường chính thì công ty cũng xuất khẩu chuối sang các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia …

Doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu chuối sang thị trường Nhật Bản bằng chính thương hiệu của công ty

Chia sẻ về việc công ty Huy Long An đã xuất khẩu chuối thành công sang thị trường Nhật Bản bằng chính thương hiệu của công ty, ông Huy cho biết, bắt đầu trồng chuối từ cuối năm 2014, đăng ký nhãn hiệu chuối FOHLA (Fruit of Huy Long An) từ giữa năm 2015 thì đến ngày 30/4/2016, 15 tấn chuối FOHLA chính thức bày bán trên các kệ của hệ thống siêu thị Don Kihote (Nhật Bản).

Đây là lần đầu tiên của trái chuối của Việt Nam xuất hiện chính thức tại hệ thống siêu thị Nhật Bản bằng chính nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vậy, các thương gia ở Dubai đã tìm về tận vườn của ông Huy kiểm tra, đánh giá và ký một số hợp đồng dài hạn để đưa chuối FOHLA về bán tại các nước thuộc khu vực Trung Đông.

Khi nhãn hiệu chuối FOHLA được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng nhờ vào chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm, … thì chuối FOHLA đã được nâng tầm thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.

Bởi việc xuất khẩu chuối sang thị trường khó tính như Nhật Bản không hề đơn giản, chất lượng không chỉ tốt và luôn ổn định, trái phải đẹp … và nhiều lần công ty đã bị đền do có những lô hàng chất lượng không ổn định.

Vì vậy, để có đủ nguồn cung chuối đảm bảo chất lượng luôn ổn định, giữ vững niềm tin của khách hàng, từ năm 2019 công ty triển khai thêm mô hình “hùn trồng” với nông dân, đến nay mô hình đã đi vào hoạt định ổn định và công ty đã trồng được hơn 400 ha chuối.

Ông Võ Quan Huy và chuối FOHLA

Hiện có đến 95% sản lượng chuối FOHLA (tương đương khoảng 15.000 tấn) xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia …, còn lại 5% cung cấp cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam.

“Đến hiện tại, chưa có một doanh nghiệp nào dám “hùn trồng” với nông dân như chúng tôi, bởi vì trong mô hình này doanh nghiệp phải bỏ vốn ra hùn với nông dân, còn nông dân thì trồng chuối theo quy trình của công ty và công ty bao tiêu tất cả sản phẩm với giá thu mua cố định.

Trong năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tình hình xuất khẩu rất khó khăn, và từ đầu năm 2022 đến nay giá chuối trên thị trường không ổn định nhưng công ty vẫn giữ đúng cam kết thu mua với nông dân nên bà con tin tưởng và làm ăn lâu dài. Sau một thời gian triển khai mô hình bà con thấy có lợi ích nên đăng ký tham gia rất nhiều khiến công ty làm không xuể”, ông Huy khẳng định.

Trong khi đó công ty đã ký hợp đồng bán chuối sang Nhật Bản với giá cố định mà lại là giá C&F, nên khi chi phí vận chuyển sang Nhật Bản tăng gấp 2 lần buộc doanh nghiệp phải đàm phán lại với đối tác để chia sẻ một phần khó khăn về giá cước.

“Đối tác cũng xác nhận do dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khác khiến chi phí logistics tăng cao, nhưng chỉ có giá cước của Việt Nam tăng mạnh trong khi giá cước của Philippines - nước xuất khẩu chuối lớn nhất vào Nhật Bản, chiếm đến 89% thị phần tại thị trường này không tăng, nên công ty phải trao đổi nhiều lần và dù đối tác cũng có khó khăn nhưng họ cũng sẵn sàng chia sẻ”, ông Huy nói.

Box

Việt Nam là thị trường cung cấp trái chuối lớn thứ 7 cho thị trường Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 1,5 nghìn tấn, trị giá 166 triệu Yên (tương đương 1,3 triệu USD), tăng 38,5% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6% trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE