Doanh nghiệp bất động sản chờ giải ngân như “nắng hạn chờ mưa”

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room), nhưng tỷ lệ nới room không lớn, doanh nghiệp BĐS vẫn cần chủ động xây dựng các phương án vốn để thích ứng lâu dài.
Khách hàng làm thủ tục công chứng vay vốn tại Ngân hàng BIDV để mua nhà. Ảnh: Lê Toàn
Khách hàng làm thủ tục công chứng vay vốn tại Ngân hàng BIDV để mua nhà. Ảnh: Lê Toàn

Kỳ vọng thị trường “ấm” trở lại

Sau thời gian dài chờ đợi, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nới room năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Động thái mới từ Ngân hàng Nhà nước về room tín dụng là thông tin đáng chú ý với thị trường bất động sản, trong bối cảnh lĩnh vực này đang rất khó khăn về nguồn vốn. Nhiều khách hàng, doanh nghiệp trong trạng thái thấp thỏm chờ giải ngân từ phía ngân hàng như “nắng hạn chờ mưa”.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá: “Không siết quá chặt tín dụng thời điểm này là một quyết định sáng suốt. Duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ là hành xử phù hợp nhất của cơ quan điều hành trong giai đoạn hiện nay”.

Việc nới room tín dụng hiện nay có thể chỉ là tác động tâm lý giúp thị trường phục hồi đôi chút, nhưng không đóng vai trò giúp thị trường tăng tốc.

Các chuyên gia tới từ Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, việc nới room có thể giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn tiền để trả nợ, đáo hạn trái phiếu. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng. Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp lớn còn tài sản đảm bảo để vay ngân hàng sẽ đủ điều kiện phát hành trái phiếu mới cũng như vay trái phiếu quốc tế…

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho hay, việc nới room tín dụng dù gián tiếp, nhưng cũng sẽ tác động rất tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tạo dư địa cho thị trường phục hồi, phát triển.

“Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào những tháng cuối năm, lúc dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho”, ông Giang nhận định.

Vẫn khó tiếp cận

Là người có nhu cầu vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng để mua nhà, anh Như Quang (quê ở Bình Thuận), hiện đang thuê nhà tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho hay, sau khi biết được thông tin Ngân hàng Nhà nước nới “room” tín dụng, anh đã liên hệ với một ngân hàng thương mại để hỏi vay, nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Theo anh Quang, vợ chồng anh có sẵn 1 tỷ đồng và muốn vay ngân hàng 1 tỷ đồng để mua căn hộ tại quận Gò Vấp. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng đi làm các giấy tờ thủ tục, thậm chí khi đã có thông tin nới “room” tín dụng cho một số ngân hàng, trong đó có ngân hàng anh đang làm thủ tục vay, nhưng phía ngân hàng thông báo vẫn chưa thể giải ngân.

“Tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu từ phía ngân hàng, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được khoản vay. Dù đã có thông tin nới room tín dụng, song ngân hàng vẫn yêu cầu tiếp tục chờ đợi”, anh Quang chia sẻ.

Tương tự, chị Trần Thị Thanh (ngụ tại TP.Thủ Đức) cho biết, vợ chồng chị đang mua căn chung cư với giá 2,4 tỷ đồng và đã làm thủ tục vay ngân hàng 60% giá trị căn nhà, tương đương hơn 1,4 tỷ đồng. Trước đó, một số ngân hàng kêu không chấp nhận cho vay vì lý do hết room tín dụng. Mới đây, sau khi có thông tin được nới room tín dụng, chị tiếp tục làm thủ tục vay vốn mua nhà, nhưng vẫn không được vay.

“Phía ngân hàng đưa ra các lý do như chứng minh thu nhập của tôi không đảm bảo, ngân hàng vẫn bị kiểm soát giải ngân hay đã đủ dư nợ tăng trưởng… Tóm lại, người có nhu cầu mua nhà như chúng tôi vẫn không thể vay được tiền”, chị Thanh tâm sự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp. Song, khả năng dòng vốn được khơi thông trong ngắn hạn không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian qua, khối ngân hàng đã dành quá nhiều vốn cho lĩnh vực bất động sản.

“Việc nới room tín dụng hiện nay có thể chỉ là tác động tâm lý giúp thị trường phục hồi đôi chút, nhưng không đóng vai trò giúp thị trường tăng tốc. Vì hạn mức nới room tín dụng thấp, dư địa cho vay còn ít sẽ không đủ đáp ứng hết lượng hồ sơ đăng ký vay tồn đọng, khó vực dậy thị trường đang trầm lắng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ.

Để khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp địa ốc lúc này là phải đa dạng hóa nguồn vốn. Theo đó, ngoài 3 nguồn huy động chính là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và từ người mua nhà, các doanh nghiệp cần linh hoạt huy động từ các kênh khác như phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chào bán cổ phần ra công chúng/cổ đông hiện hữu, quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản (REIT), thuê tài chính…

“Vốn ngân hàng hiện chiếm khoảng 50% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, trong đó hơn một nửa là cho vay ngắn hạn. Trong khi, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 700.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung - dài hạn mỗi năm để đầu tư cho nền kinh tế. Nguồn vốn này chắc chắn phải lấy từ thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các quỹ đầu tư”, ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, bên cạnh đa dạng hóa nguồn vốn, doanh nghiệp cũng cần tự hoàn thiện, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn trong việc hoàn thiện hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết, đồng thời tăng cường quản trị rủi ro bởi trong thời gian tới có thể xuất hiện một số rủi ro về lãi suất, tỷ giá.

Theo Báo Đầu tư

Đọc tiếp

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

Chuỗi 4 phiên giao dịch dưới mốc 1.200 điểm đã tạm thời được cắt đứt. VN-Index đã xuất hiện một phiên tăng hơn 2% giúp cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, cũng như nhóm đã bắt đáy có được sự nhẹ nhõm trong tâm lý giao dịch.

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Techcombank: Tỷ lệ CASA quý I/2024 ở mức 40,5%, giữ ngôi vị quán quân

Techcombank: Tỷ lệ CASA quý I/2024 ở mức 40,5%, giữ ngôi vị quán quân

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý I tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I/2024, Chứng khoán DNSE ghi nhận doanh thu tăng 21%, lợi nhuận sau thuế tăng 78% so với cùng kỳ, đồng thời tiếp tục thuộc top dẫn đầu thị phần tài khoản mở mới, chiếm 30% tổng số tài khoản mở mới toàn thị trường.

Chat với BizLIVE