Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chậm phê duyệt, Bộ Xây dựng nói gì?

Theo Bộ Xây dựng, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND Hà Nội trong quá trình tổ chức lập các quy hoạch phân khu đảm bảo tiến độ, chất lượng, tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bộ Xây dựng vừa trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ thành phố Hà Nội sớm phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội phát triển đô thị.
Tại văn bản trên, Bộ Xây dựng cho biết, Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) được UBND Hà Nội tổ chức lập trên cơ sở cụ thể hóa và phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016. Nhiệm vụ quy hoạch được UBND Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND ngày 23/10/2012. 
Đồ án đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư; tổ chức hội đồng thẩm định, báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội và thực hiện lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 21/12/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý kiến đối với 2 đồ án quy hoạch phân khu nêu trên. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng, UBND Hà Nội cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, tiếp thu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung liên quan (bổ sung các khu dân cư hiện có ở bãi sông vào danh mục giữ lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và việc xây dựng, phát triển đô thị tại một số bãi sông) và hoàn thiện đồ án quy hoạch trước khi phê duyệt theo thẩm quyền quy định pháp luật.
“Việc lập, thẩm định, lấy ý kiến, phê duyệt quy hoạch phân khu thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, nội dung quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật hiện hành có liên quan. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND Hà Nội trong quá trình tổ chức lập các quy hoạch phân khu đảm bảo tiến độ, chất lượng, tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt”, Bộ Xây dựng cho biết.
Liên quan đến đề án này, ngày 24/3/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 180-TB/TU của Thành ủy Hà Nội về chủ trương chỉ đạo đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Tại văn bản trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Tờ trình số 97-TTr/BCSĐ ngày 24/2/2021.
Giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, các ý kiến góp ý của Đảng đoàn HĐND thành phố, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Thành ủy và các ý kiến của chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng theo đúng quy định.
Trước đó, tại cuộc họp chiều 10/3 cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội dự kiến, sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn, tiêu chí và ý kiến của Bộ NN&PTNT, thành phố sẽ phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào khoảng tháng 6/2021. 
Theo báo cáo, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 - 320.000 người.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen... 
Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch. 
Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng. 

Đọc tiếp

Viglacera đón thêm một khu công nghiệp nghìn tỷ

Viglacera đón thêm một khu công nghiệp nghìn tỷ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 234/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa.

Chat với BizLIVE