Điểm yếu khiến startup công nghệ xây nhà bằng module khó gọi vốn

Nhiều người quan niệm xây nhà cần sự kiên cố, vững chắc và phải bền, phải truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác.
Công nghệ xây nhà bằng module còn nhiều nhược điểm
Công nghệ xây nhà bằng module còn nhiều nhược điểm

Startup xuất hiện ở Shark Tank là AMD Modular với 2 đại diện là Nguyễn Xuân Nam và Dũng, đồng sáng lập và điều hành công ty. Theo lời giới thiệu, AMD Modular là giải pháp xây dựng của tương lai, ứng dụng công nghệ module hóa ra các tiện ích 4.0, mang đến trải nghiệm mới và tốt hơn cho người Việt. Startup đến Shark Tank để kêu gọi 50 tỷ cho 10% giá trị cổ phần của công ty.

Xuân Nam cho biết anh không thể quên thời khắc trước đây khi bố mẹ vất vả trong việc xây dựng ngôi nhà đầu tiên. Hàng ngày bố mẹ anh phải ra ngoài công trường phối hợp, giám sát các tổ đội thi công, đến đêm phải trông nom vật tư vất vả và gần như không có thời gian dành cho gia đình.

Điều đó thôi thúc anh nghiên cứu và tìm ra những giải pháp xây dựng để có thể rút ngắn thời gian cũng như giảm áp lực xây dựng cho mọi người.

Sau đó anh quyết định học xây dựng và vào làm công ty nước ngoài để có thể tiếp cận các công nghệ xây dựng tiên tiến hơn. Năm ngoái, Xuân Nam tập hợp 20 kỹ sư để nghiên cứu dựa trên mô hình module hóa, phù hợp với địa hình cũng như gu thẩm mỹ của người Việt.

Hai đại diện của AMD Modular

Hai đại diện của AMD Modular

Khác với vật liệu truyền thống là bê tông cốt thép, ngôi nhà của AMD được hình thành từ những tấm module định hình chịu lực bao gồm sàn, vách, mái có thể tạo thành các không gian kiến trúc khác nhau... Các module có thể sản xuất, lắp đặt ở trong nhà xưởng.

Anh Dũng mong muốn AMD trở thành biểu tượng truyền cảm hứng để góp phần làm thay đổi ngành xây dựng truyền thống tồn tại cố hữu hàng trăm năm nay. Với công nghệ nhà module, nhà Space của AMD có những ưu thế hơn nhà truyền thống như thời gian được tối ưu, rút ngắn còn dưới 30 ngày, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan xung quanh, hạn chế những phát sinh không đáng có do phải phụ thuộc vào tay nghề của thợ.

Ngoài ra khách có thể mở rộng, cơi nới, di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Hơn thế, các module có thể mua đi bán lại và cho thuê như tài sản di động.

Hiện tại AMD tập trung vào phân khúc khách hàng nhà ở, homestay, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, resort. Trong tương lai, công ty hướng tới mô hình xuất khẩu cũng như mở rộng hệ sinh thái bao gồm cho thuê, cải tạo, cơi nới, di chuyển. Startup hứa hẹn các Shark thu lại khoản lợi nhuận gấp 6-8 lần trong vòng 4-5 năm tới.

Đầu 2021 AMD tập hợp nghiên cứu trong một năm liên quan đến lĩnh vực module hóa. Đây là công nghệ rất phổ biến ở nước ngoài. Đến tháng 12/2021, công ty ra mắt nhà mẫu và chính thức bán hàng. Tính đến tháng 6 công ty ghi nhận doanh số là 60 tỷ đồng tương ứng với gần 20 đơn hàng ở Việt Nam.

Sản phẩm có chi phí trực tiếp chiếm khoảng 75%, chi phí marketing là 5%, chi phí vận hành 15%, 5% dành cho các chi phí khấu hao sau khi đầu tư cũng như lợi nhuận kỳ vọng đạt 2% sau thuế. Hiện tại, startup đầu tư khoảng 40 tỷ đồng chủ yếu là về cơ sở hạ tầng, phân bổ đều trong vòng 10 năm, ghi nhận doanh thu trong năm đầu khoảng 2%.

Các Shark hoài nghi về tính cạnh tranh trong kinh doanh của AMD Modular

Các Shark hoài nghi về tính cạnh tranh trong kinh doanh của AMD Modular

Shark Hưng làm rõ hơn về công ty: “Tôi hình dung là các bạn đang có một cái nhà xưởng sản xuất ra cái module, khách hàng có thể tự thiết kế dựa trên module có sẵn, sau đó các bạn cung cấp và lắp ráp cho khách hàng. Giá thành khoảng 70% so với giá bán, vốn hàng bán là khoảng 70%. Như vậy đang rất rủi ro cho việc quản lý vận hành, gần như không còn room cho việc marketing cũng như là phát triển thị trường… Kể cả bạn khấu hao trong vòng 10 năm là khấu hao dài, giá thành vẫn rất cao. Tôi cảm thấy sản phẩm quá đắt và mất tính cạnh”.

Shark Hùng Anh cho rằng định giá doanh nghiệp là 50 tỷ đồng cho 10%, pre-money là 450 tỷ, con số rất lớn trong khi lợi nhuận doanh nghiệp không cao.

Shark Hưng cũng cho rằng ông chưa hiểu sản phẩm của AMD độc đáo khác biệt so với sản phẩm truyền thống mà khiến giá thành tăng gấp đôi: “Với nhà 1-2 tầng, chúng tôi xây dựng với giá thấp hơn rất nhiều”.

Shark Hùng Anh cho rằng startup gần như không có lợi thế cạnh tranh về mọi mặt, đặc biệt đối với nhà đầu tư quan tâm tới doanh thu, lợi nhuận, khả năng bán hàng và kiếm tiền trong tương lai. Vì vậy ông quyết định không đầu tư thương vụ này.

Shark Liên chia sẻ rằng ở Việt Nam, người ta xem ngôi nhà của mình là tài sản, khi xây dựng cần sự kiên cố, vững chắc và phải bền, phải truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Thêm nữa, sản phẩm này không nằm trong hệ sinh thái của bà, nên bà cũng không đầu tư.

Shark Hưng tiếp tục là người từ chối đầu tư cho AMD. “Chắc là qua phân tích của tôi thì các bạn cũng đã nhận thấy được những nhược điểm về sản phẩm của mình. Vấn đề chính là bản thân mô hình kinh doanh của các bạn. Đầu tư tại thời điểm này thì quá sớm và đặc biệt là định giá của các bạn quá xa với những gì mà chúng tôi có thể nhìn thấy giá trị của bạn. Nên tôi không đầu tư”.

Startup chia sẻ năm nay công ty có kế hoạch doanh thu đạt từ 150-200 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng chỉ cần 4 căn nhà đều đặn. Đến năm sau, công ty có thêm mảng dịch vụ với biên lợi nhuận cao từ 25-30%. “Mảng dịch vụ gồm việc cải tạo, cơi nới, mở rộng nhà, mua bán các trang thiết bị bao gồm có nội thất. Ngoài ra, mô hình cho thuê giúp chúng tôi có lợi nhuận tốt hơn”, đại diện startup chia sẻ.

Shark Bình cho rằng đây là đếm cua trong lỗ. “Các startup thông thường vẽ ra kế hoạch kinh doanh rất đẹp nhưng 90% đều thất bại. Đây là thực tế tôi gặp rất nhiều trong 20 năm khởi nghiệp và đầu tư”.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE