Quay về eMagazine
Điểm sáng trong “bức tranh xám màu”

Điểm sáng trong “bức tranh xám màu”

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái và lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á năm 2022.

Ngay đầu năm 2022, khi các dự báo còn tươi mới, xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Một lần nữa tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch càng trở nên phức tạp, đẩy giá cả nhiều mặt hàng leo thang, lạm phát bùng nổ ngay sau đó tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính sách tiền tệ hầu hết lập tức đảo chiều, từ nới lỏng sang thắt chặt. Ước tính đã có tới hơn 340 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là chuỗi tăng mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hàng loạt đồng tiền chao đảo với mức độ biến động hàng chục phần trăm…

Rủi ro, bất ổn đan xen đã buộc nhiều nền kinh tế phải đánh đổi giải pháp điều hành vĩ mô, thậm chí lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kiềm chế mức lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng thấp, khoảng 3,2%. Tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn cũng không mấy khả quan; theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của Mỹ năm 2022 chỉ đạt 1,7%, khu vực đồng Euro đạt 3%, trong khi Nhật Bản khoảng 1,4% và Trung Quốc khoảng 3%.

Trong bức tranh kinh tế toàn cầu nhiều gam xám và thậm chí có quan ngại rủi ro suy thoái, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 nổi bật với 8,02% - mức cao nhất giai đoạn 2011-2022 và vượt khá xa mục tiêu. Kết quả này gắn với một nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều tác động với nhiều bất ổn từ bên ngoài như trên, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm qua đã lên tới 732,5 tỷ USD. Đi cùng, Việt Nam tiếp tục thành công trong kiểm soát lạm phát, bình quân năm qua ở mức 3,15%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát, đi ngược lại xu hướng lạm phát cao, tăng trưởng thấp của thế giới. Và theo đánh giá gần đây của Bloomberg, với GDP tăng 8,02%, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm 2022.

Trước đó, khi nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7%, IMF đã nhận định rằng “triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng chậm lại ở những nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Lạm phát tương đối thấp của Việt Nam cũng là một ngoại lệ trong khu vực”. IMF cũng dành những cụm từ như “điểm sáng trong bức tranh xám màu”, “tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ, tự cường” hay “vượt bậc ngoài dự báo”... khi đánh giá về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Năm qua, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng Việt Nam ở mức BB với triển vọng “tích cực”. Còn Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới…

BẮT ĐẦU CÓ DẤU HIỆU GIẢM TỐC

Mức tăng trưởng cao của năm 2022 nhìn từ góc độ sản xuất có thể thấy là sự đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với các đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Bên cạnh đó là mức tăng trưởng rất cao của khu vực dịch vụ, lên tới gần 10%.

Ở góc độ tiêu dùng, năm 2022 tiêu dùng cuối cùng bật tăng mạnh sau khi bị dồn nén trong năm 2021 do ảnh hưởng của COVID-19, đặc biệt nhu cầu đi du lịch trong nước bùng nổ với lượng khách du lịch lên tới hơn 100 triệu lượt, vượt mức trước đại dịch.

Đối với lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 ước đạt gần 3.220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Tương tự, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 cũng đạt mức cao kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD. Thậm chí nếu quý 4 không suy giảm, xuất khẩu còn đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng năm 2022 vì 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đã tăng 17,3%.

Tóm lại, kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng cao song đã có dấu hiệu giảm tốc từ quý 4 khi một số lĩnh vực như công nghiệp suy giảm rất nhanh, trong đó có một số lĩnh vực xuất khẩu bị suy giảm đơn hàng do ảnh hưởng của xu hướng giảm cầu từ các thị trường lớn. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tạo ra thách thức cho tăng trưởng năm 2023.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về triển vọng quý 1/2023 cho thấy, đơn hàng, lao động và xuất nhập khẩu còn tiếp tục khó khăn trong quý 1 dù có khá hơn quý 4/2022. Chúng tôi cho rằng ngành công nghiệp trong quý 1/2023 sẽ tăng trưởng không được cao và để giải quyết được các khó khăn này sẽ phải đợi đến quý 3, quý 4.

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng để tăng trưởng năm 2023 đạt mức 6,5%, động lực chủ yếu đến từ các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành xây dựng khi các dự án đầu tư trung hạn được đẩy mạnh cũng như gói hỗ trợ cơ sở hạ tầng sẽ có “điểm rơi” vào năm sau.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ có thể không bằng được năm 2022, nhưng cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn. Sự hồi phục của các ngành dịch vụ chưa đạt được mức trước đại dịch sẽ tiếp tục có cơ hội phục hồi. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mở ra kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ hồi phục. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường rộng lớn với hơn 1 tỷ dân sẽ là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm…

CÓ NHỮNG ĐIỀU CHƯA NHƯ KỲ VỌNG

Con số tăng trưởng 8,02% phản ánh nền kinh tế đã phục hồi, mặc dù không đều nhưng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực. Điều này nhờ Việt Nam đã bắt đầu sống chung với dịch từ cuối năm 2021 và mở cửa hoàn toàn từ đầu 2022. Đây là nền tảng rất quan trọng. Bên cạnh đó là nỗ lực của các doanh nghiệp cộng với những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, từ chương trình phục hồi, từ giữ ổn định vĩ mô, từ tận dụng các hiệp định thương mại tự do.

Thế nhưng trong kết quả tích cực đấy vẫn có những điều mà lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn, như hạn chế những tác động tiêu cực từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Trong đó, có những câu chuyện nội tại như thực hiện các chương trình phục hồi còn chậm, giải ngân đầu tư công chưa thực sự hiệu quả, hay một số vấn đề liên quan đến giám sát tài chính để một số vấn đề lớn tích đọng lâu dẫn đến khi xử lý có thể gây ra những xáo trộn ít nhiều, làm giảm niềm tin của thị trường…

Những vấn đề này cần được giải quyết kịp thời và hiệu quả hơn trong năm 2023 để tạo động lực cho tăng trưởng, bởi những khó khăn, thách thức trong năm tới rất lớn và đã thấy từ cuối 2022. Trong khó khăn đó tất nhiên vẫn có những cái bớt khó, điều quan trọng là Việt Nam phải cố gắng nắm bắt, chẳng hạn khi chính sách tiền tệ các nước bớt cường độ và tần suất tăng lãi suất thì chính sách của Việt Nam cũng sẽ giảm bớt áp lực. Hay như việc tăng trưởng tốt hơn và mở cửa trở lại của Trung Quốc rõ ràng cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho tăng trưởng của Việt Nam.

Nói tóm lại, khó khăn vẫn rất lớn nhưng cần có những nỗ lực. Điều đó phần nào thể hiện qua mục tiêu tăng trưởng năm 2023 ở mức 6,5% - thấp hơn 2022, thậm chí rất nhiều dự báo còn cho rằng tăng trưởng năm tới chỉ khoảng 6%. Cho nên mức tăng trưởng 6,5% vừa phản ánh mục tiêu nhưng cũng phản ánh nỗ lực và trong nỗ lực ấy cần tính đến câu chuyện làm sao hạn chế tác động tiêu cực đối với những động lực tăng trưởng, đồng thời đẩy nhanh những động lực năm vừa rồi chưa thực hiện tốt như đầu tư công hay chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Cùng với đó vẫn phải giữ an toàn tài chính, ổn định hệ thống vĩ mô. Có thể thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 dù thấp nhưng vẫn cao hơn năm 2022, cho thấy Chính phủ ưu tiên mục tiêu ổn định vĩ mô, chấp nhận lạm phát cao hơn để tạo dư địa cho linh hoạt chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ.

2023 PHẢI LÀ NĂM CỦA HÀNH ĐỘNG

Để nói về mức tăng trưởng của năm 2022, tôi không dùng những từ như “đột phá”, “điểm sáng”... mà chỉ muốn nói đây là một năm rất đáng phấn khởi so với những khó khăn mà chúng ta đã trải qua.

Chúng ta đã trải qua một năm khó khăn nhưng hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt được; đặc biệt đã thành công khi thực hiện được một phần chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chương trình, chỉ tiêu có thể không hoàn thành mục tiêu đặt ra. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã đạt gần hết chỉ tiêu nhưng có một chỉ tiêu các nhà kinh tế rất băn khoăn là năng suất lao động không tăng, ngoài ra là chất lượng xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng, tình trạng doanh nghiệp...

Đặc biệt vấn đề doanh nghiệp, chúng ta phấn khởi vì năm qua có hơn 208 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm trước nhưng cũng khá băn khoăn khi ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn lên tới hơn 143 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%. Đáng lưu ý, con số này tăng đều đặn ba năm qua, cho thấy một vấn đề nội tại của nền kinh tế đang hiện hữu.

“Nếu nền kinh tế đang phục hồi thì vì sao con số này năm sau vẫn cao hơn năm trước?”. Doanh nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế xã hội nhưng lực lượng này đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, tôi cho rằng, năm 2023 việc thực thi các giải pháp đã đề ra phải kịp thời và quyết liệt, hiệu quả. Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là phải hành động để hoàn thành đúng mục tiêu, đúng kỳ hạn các nhóm giải pháp đã đề ra. Nếu gọi năm 2022 là bản lề thì 2023 là năm hành động, năm thực thi để hoàn thiện những giải pháp đã đề ra.

Đặc biệt, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và giải quyết các khó khăn vướng mắc. Đồng thời, cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công. Ngoài ra, cần giải quyết các vấn đề phát sinh mới, tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng, xây dựng kịch bản trước.

*CHUYÊN ĐỀ KINH TẾ VIỆT NAM XUÂN QUÝ MÃO 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE