ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Đã có đề án giúp thoát án hủy niêm yết, đang chờ phê duyệt

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty đã xây đề án tổng thể giúp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, trong đó có rất nhiều giải pháp để thoát khỏi âm VCSH năm 2022 và có thể thoát được nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines.

Sáng nay (28/6), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (mã HVN) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Báo cáo tại đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành hàng không.

“Tại thị trường nội địa, đại dịch bùng phát vào cao điểm Tết và cao điểm Hè làm nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm mạnh. Khách tổng thị trường nội địa chỉ đạt 14,6 triệu khách, giảm 61% so 2019 và thấp hơn 47% so dự báo giữa năm. Không chỉ sản lượng khách sụt giảm mạnh, giá vé bình quân các nội địa cũng giảm 34% so cùng kỳ. Mạng bay quốc tế vẫn gần như “đóng băng” trong cả năm 2021, với khách tổng thị trường quốc tế chỉ đạt 489 nghìn khách, bằng 1,4% so với trước đại dịch”, ông Hòa cho biết.

Theo đó, để khắc phục khó khăn, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tự thân, cũng như tận dụng các hỗ trợ từ bên ngoài để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Năm qua chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn và tối ưu hóa cấu trúc chi phí với mục tiêu tiếp tục giảm chi trong giai đoạn sau đại dịch. Chi phí cắt giảm của Vietnam Airlines trong năm 2021 đạt trên 10.300 tỷ đồng, trong đó chi phí cắt giảm được nhờ nỗ lực tự thân là trên 5.500 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường; tái cơ cấu lao động; đàm phán giảm giá, giãn, hoãn các khoản thanh toán; tái cơ cấu các khoản vay; bán tàu bay cũ...”, lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Cũng trong năm 2021, Vietnam Airlines đã triển khai gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành việc phát hành thêm hơn 796 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng thêm 7.961 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng thuộc gói vay tái cấp vốn với ba ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay là 4.000 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kế hoạch lỗ hơn 9.300 tỷ đồng, tiếp tục đề án tái cơ cấu

Năm 2022, sau khi Chính phủ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin, dịch bệnh trong nước từng bước được kiểm soát, hoạt động vận tải hàng không cũng được khôi phục dần cùng với tốc độ mở cửa kinh tế và kết nối giữa các quốc gia.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường khách nội địa tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.

Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Theo dự báo gần nhất (tháng 6/2022), IATA dự báo thị trường quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024.

“Sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng”, ông Hòa cho biết.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Tổng công ty sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.

“Đến tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay Châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019”, ông Hòa nói.

Với việc liên tục khôi phục, mở rộng đường bay quốc tế, Chủ tịch Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ tăng doanh thu, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, HĐQT Vietnam Airlines trình cổ đông kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271,2 nghìn tấn hàng hóa. Doanh thu công ty mẹ dự kiến đạt 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, Tổng công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước.

Cũng tại đại hội, HĐQT Vietnam Airlines trình cổ đông thông qua Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025 với các định hướng chính về tái cơ cấu tài sản (thanh lý tài sản/bán và thuê lại tàu bay), tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành cổ phần và trái phiếu, tái cơ cấu chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Vietnam Airlines trình cổ đông thông qua bổ sung điều lệ về việc chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines. Cụ thể, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài công ty, bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vào CTCP, công ty TNHH thực hiện theo quy định, đảm bảo các nguyên tắc tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; phản ánh đầy đủ giá trị doanh nghiệp bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc thị trường.

Vẫn đang tìm nhà đầu tư để bán Pacific Airlines

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty đã hoàn thành cơ bản Đề án tái cơ cấu tổng thể trình các cấp phê duyệt, trong đó, đã hoàn thành tái cơ cấu khối dịch vụ và khối thương mại.

Đối với việc thoái vốn K6, Tổng công ty đã bước đầu đạt được những thỏa thuận tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và một số yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều khoản cũng như tiến độ của hợp đồng chuyển nhượng.

Trong quý 1/2022, đối tác đã thanh toán cho HVN 35 triệu USD, tương đương 35% cổ phần theo quy định. Tổng công ty cho biết, quá trình giải quyết thoái vốn có nhiều vướng mắc cần giải quyết về mặt chính sách và thủ tục nên đã ảnh hưởng tới tiến độ lập và ban hành BCTC đã được kiểm toán của Tổng công ty.

Về việc tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trong quý 1/2022, HĐQT Tổng công ty đã ban hành Nghị quyết tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Quantas tại Pacific Airlines tặng cho Tổng công ty để triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn của Tổng công ty tại Pacific Airlines, đồng thời, ban hành Nghị quyết đưa ra các giải pháp hỗ trợ Pacific Airlines hoạt động.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng nhấn mạnh, việc nhận vốn do Quantas cho tặng được gắn liền với quá trình tìm kiếm nhà đầu tư và vẫn đang vướng mắc về một số thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai, nếu việc tìm kiếm nhà đầu tư quá chậm hoặc không đạt được thỏa thuận Tổng công ty sẽ gặp rủi ro về vấn đề này.

Phần Q&A

Cổ đông: Xin Ban lãnh đạo cho biết những khó khăn về chính sách trong việc bán Pacific Airlines?

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines: Chúng tôi đã chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, thuê định giá, thực hiện các giải pháp tài chính nhưng có rất nhiều vướng mắc liên quan đến chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp của Nhà nước. Pacific Airlines là doanh nghiệp có lỗ lũy kế, do đó, liên quan đến các quy chế hiện tại, việc chuyển nhượng rất khó khăn. TCT đang báo cáo các cấp, xin cơ chế để có thể thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trên tinh thần công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa giữa Luật 69, Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

Cổ đông: Năm 2022 thị trường đang phục hồi rất mạnh, Vietnam Airlines lên kế hoạch doanh thu tăng gấp 2,5 lần năm trước nhưng vì sao không thể giảm lỗ tương ứng?

Ông Trần Thanh Hiền: Hoạt động 2022 của ngành hàng không chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó có cả các yếu tố tích cực và tiêu cực.

Yếu tố tích cực là như cổ đông nói, thị trường đang phục hồi rất nhanh, nhanh hơn so với tất cả các loại dự báo. Đây chính là cơ hội cho Vietnam Airlines phục hồi, gia tăng doanh thu.

Tuy nhiên, nhìn sang nhóm yếu tố tiêu cực cũng rất nhiều mà yếu tố lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp tới thu chi là giá nhiên liệu. Theo dự báo của chúng tôi, giá nhiên liệu bình quân năm nay sẽ ở mức khoảng 138 -140 USD/thùng, gấp đôi năm 2021. Doanh thu tăng như chi phí tăng nhanh hơn khi chi phí nhiên liệu đang tăng đột biến khiến kết cấu chi phí trở nên bất hợp lý.

Với mức giá nhiên liệu cao kỷ lục như hiện nay, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã phải cắt giảm chặng bay, thậm chí là đã phải dừng bay.

Ngoài nhiên liệu, các yếu tố khác như tỷ giá, lãi suất cũng ảnh hưởng tiêu cực tới bảng cân đối, xung đột Nga – Ukraine chưa biết bao giờ dừng. Do đó, chúng tôi đã phải xây dựng các kịch bản, quản trị các rủi ro. Mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm nay là nỗ lực lớn của Ban điều hành.

Cổ đông: Vietnam Airlines đã âm vốn chủ sở hữu, vậy Tổng công ty có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn hay không?

Ông Trần Thanh Hiền: Chắc chắn chúng tôi có tính đến việc phát hành thêm cố phiếu để tăng VCSH, đây là giải pháp quan trọng trong đề án tái cơ cấu, đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh đổi mới đội tàu bay, giảm nhiên liệu, giảm chi phí.

Cổ đông: Hiện Vietnam Airlines đã âm VCSH, đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp. Xin Ban lãnh đạo cho biết tình hình dòng tiền của Tổng công ty ở thời điểm hiện tại? Tổng công ty có những phương án như nào để khắc phục?

Ông Trần Thanh Hiền: Năm 2022, thị trường đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng “di chứng” của hơn 2 năm ảnh hưởng bởi COVID - 19 là rất nặng nề, lỗ lũy kế cuối năm 2021 của Vietnam Airlines đã xấp xỉ 1 tỷ USD, việc khắc phục do đó, sẽ cần một thời gian khá dài.

Đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã rơi vào nguy cơ âm VCSH, đến quý 1/2022 thì bị âm. Chúng tôi nhận thức đầy đủ nguy cơ này và đã xây dựng 2 đề án lớn, thứ nhất là đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2022, và thứ hai là đề án tổng thể giúp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, trong đó có rất nhiều giải pháp để thoát khỏi âm VCSH năm 2022 và có thể thoát được luôn nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp.

Chúng tôi kỳ vọng đề án sớm được xem xét, phê duyệt các giải pháp, Chính phủ sẽ hỗ trợ Vietnam Airlines với tư cách chủ sở hữu 86% vốn doanh nghiệp.

Nhờ sự phục hồi nhanh của thị trường, dòng tiền của Vietnam Airlines được phục hồi mạnh mẽ, hiện đã bằng 80% so với trước đại dịch. Chúng tôi có phương án điều hành dòng tiền, đảm bảo hoạt động liên tục, không có khó khăn. Chúng tôi cũng đã đạt được các thỏa thuận tích cực với các chủ nợ, nhà cung cấp, họ đã đồng ý giãn, hoãn các khoản phải thanh toán năm nay cho đến năm sau. Theo đó, năm nay dòng tiền của Vietnam Airlines được đảm bảo, duy trì hoạt động bình thường.

Đọc tiếp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Chat với BizLIVE