ĐHĐCĐ PVcomBank: Lựa chọn và linh hoạt với bối cảnh

Những dữ liệu cơ bản được nêu tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của PVcomBank cho thấy hướng lựa chọn đáng chú ý.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của PVcomBank
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của PVcomBank

Ngày 22/4, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022 trình đại hội gián tiếp đề cập đến những cân đối và điều chỉnh trong hoạt động năm qua.

Thận trọng với bối cảnh, đẩy mạnh bán lẻ

Báo cáo của PVcomBank nhìn lại, 2021 tiếp tục là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Đại dịch COVID-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp bởi các biến chủng mới, giá cả hàng hóa tăng cao, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là thách thức lớn đối với khả năng chống chịu và phục hồi của các cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có hệ thống tài chính ngân hàng.

Bối cảnh trên cũng khiến nhiều rủi ro bộc lộ, và đây là một trong những nguyên do PVcomBank đã không đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và không sử dụng hết chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao.

Cụ thể, tính đến 31/12/2021, số dư tín dụng của ngân hàng đạt 102.664 tỷ đồng, chỉ tăng 0,2% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,64% - thấp hơn mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Một tương quan khác cũng cho thấy PVcomBank thận trọng hơn trong phát triển tín dụng, khi môi trường chung bộc lộ nhiều rủi ro bởi đại dịch. Đó là, kết năm 2021, số dư huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư cao hơn nhiều so với số dư tín dụng, đạt tới 157.957 tỷ đồng; tỷ lệ cho vay so với huy động ở đây kiểm soát ở 65%.

Tuy thận trọng hơn trong phát triển tín dụng, song kết quả kinh doanh năm qua của PVcomBank vẫn vượt kế hoạch. Cụ thể, năm 2021, ngân hàng đạt doanh thu hợp nhất 16.066 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 100,7 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch năm; tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2021 đạt 191.915 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ an toàn vốn đạt 9,34% (trên mức yêu cầu của NHNN).

Tại đại hội, lãnh đạo PVcomBank cho biết, ngân hàng không chọn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh chung bộc lộ nhiều rủi ro, mà linh hoạt để phù hợp với bối cảnh thực tế của thị trường. Theo đó, hướng bán lẻ được đẩy mạnh để cải thiện chi phí vốn và lãi biên, tăng thu dịch vụ để vượt các kế hoạch kinh doanh năm 2021 nói trên.

Tạo động lực mới bằng chuyển đổi số

Theo báo cáo tại đại hội, từ năm 2020 PVcomBank đã tập trung đầu tư cho các dự án đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn bị cho việc thành lập và phát triển một ngân hàng số toàn diện. Đây là một trong những lựa chọn để thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động, góp phần cải thiện nhiều chỉ tiêu ngoài tín dụng.

Cụ thể, năm 2021, doanh thu dịch vụ của ngân hàng mẹ đã đạt 318 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020; trong đó tỷ trọng thu từ dịch vụ thanh toán tăng mạnh từ 29% lên 46%.

Đáng chú ý, dù tỷ trọng còn thấp song kết quả chuyển đổi số bước đầu tạo hướng gia tăng mạnh cơ cấu nguồn vốn rẻ tại PVcomBank. Trong đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tăng từ 4,8% lên 6,8%.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ, ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng nhấn mạnh đến điểm trên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với những trở ngại đối với các hoạt động truyền thống, trong chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, PVcomBank đã tạo được những dịch chuyển tích cực trong gia tăng dịch vụ thanh toán, tăng trưởng mạnh CASA… Và đây cũng là xu hướng phát triển chung của ngành và thị trường.

Về kế hoạch năm 2022, PVcomBank xác định hoạt động kinh doanh sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, ngân hàng đặt các chỉ tiêu kinh doanh chính khá thận trọng và an toàn: doanh thu hợp nhất đạt 14.373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 93,1 tỷ đồng. Bên cạnh tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả hơn, chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường bán lẻ tiếp tục được nhấn mạnh.

Trước thềm ĐHĐCĐ này, PVcomBank đã chính thức ra mắt Ngân hàng Số, gắn với mục tiêu tăng thêm khoảng 3 triệu khách hàng, kết nối khoảng 25.000 điểm vật lý, xây dựng một hệ thống sản phẩm dịch vụ thực sự khác biệt, thủ tục đơn giản, nhanh chóng… Và ngày 21/3 vừa qua, PVcomBank cụ thể hóa thêm một bước thúc đẩy cho chiến lược trên bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Vemanti Group (Hoa Kỳ) trong việc thiết kế, phát triển, cung cấp nền tảng ngân hàng kỹ thuật số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Cũng tại đại hội, một điểm cổ đông quan tâm là khi nào PVcomBank sẽ niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán? Trả lời câu hỏi này, đại diện PVcomBank cho biết, sau khi hợp nhất PVFC với Western Bank, ngân hàng mới hoạt động và vẫn còn những khó khăn, bối cảnh kinh doanh còn những thách thức mới phát sinh bởi đại dịch COVID-19…, theo đó ngân hàng đã báo cáo xin phép NHNN được chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu, khi các khó khăn hiện tại được xử lý và hoạt động hiệu quả hơn để bảo đảm lợi ích cho các cổ đông.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Giá vàng giảm, tỷ giá USD/VND tăng mạnh

Giá vàng SJC sáng nay ghi nhận giảm 1,1 triệu đồng/lượng, xuống mốc 83 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh.

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Chat với BizLIVE