ĐHĐCĐ Khoáng sản Bình Dương (KSB): Mục tiêu lãi thận trọng 280 tỷ, chuyển đổi quỹ đất để khai thác hiệu quả

KSB đặt mục tiêu doanh thu 2021 ở mức 1.200 tỷ, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ, bằng khoảng 85% so với kết quả thực hiện của năm 2020.
Ông Trần Đình Hà báo cáo hoạt động kinh doanh - Ảnh: Huyền Trâm.
Ông Trần Đình Hà báo cáo hoạt động kinh doanh - Ảnh: Huyền Trâm.

Sáng nay 20/4, CTCP kháng sản và xây dựng Bình Dương - Bimico (mã KSB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu, lợi nhuận thận trọng hơn 2020.

Báo cáo tại đại hội, ông Trần Đình Hà, Tổng giám đốc KSB cho biết năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu 2020 đạt hơn 1.406 tỷ, hoàn thành hơn 95% so kế hoạch, tăng gần 3% so với kết quả 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 328 tỷ đồng, hoàn thành hơn 102% so kế hoạch.

Về lĩnh vực đá xây dựng, năm 2020 gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ đá giảm khá nhiều so với năm 2019. Bên cạnh đó, giấy phép khai thác mỏ Tân Đông Hiệp đến 31/12/2019, nên trong năm 2020 sản lượng đá tiêu thụ từ mỏ này chủ yếu là phần đá dự trữ còn lại của năm 2019.

Đến 31/12/2020, công ty đang khai thác các mỏ Phước Vĩnh (H.Phú Giáo, Bình Dương), Mỏ Tân Mỹ (H. Bắc Tân Uyên, Bình Dương), Mỏ Thiện Tân 7 (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Mỏ Đá Gò Trường (Thanh Hóa).

Lĩnh vực sét gạch ngói, trong năm 2020, tình hình tiêu thụ sét gạch ngói của công ty rất khả quan, sản lượng sét tiêu thụ đạt 240.000 m3, tăng gần 20% so với năm 2019. Đến 31/12/2020, trữ lượng khai thác sét còn lại hơn 1,1 triệu m3. Ngoài ra, công ty đang tiến hành các thủ tục để mở rộng mỏ diện tích khai thác sét Bố Lá lên 33,4ha.

Lĩnh vực cao lanh, với mỏ cao lanh Minh Long, đến 31/12/2020, trữ lượng khai thác cao lanh còn lại 7.694.883 m3. Trữ lượng khai thác còn khá nhiều tuy nhiên chất lượng cao lanh không cao, đồng thời chi phí tiền cấp quyền khai thác tăng 10 lần nên hoạt động của mỏ cao lanh này chưa có hiệu quả như kỳ vọng. Vì vậy năm 2021 công ty tiến hành xin UBND Tỉnh Bình Phước tạm dừng hoạt động khai thác cao lanh, chỉ sản xuất và tiêu thụ hàng tồn kho. Công ty đang nghiên cứu chuyển hướng kinh doanh nhằm khai thác quỹ đất hiện có để nâng cao hiệu quả cho công ty. Với mỏ cao lanh Tân Lập, Công ty đang tiến hành cải tạo để đóng cửa mỏ và lập dự án nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất của mỏ.

Lĩnh vực cống bê tông gặp khó khăn do dịch, cạnh tranh từ đối thủ cùng ngành, chỉ hoàn thành 90,5% kế hoạch tiêu thụ. Tuy nhiên hiệu quả của sản phẩm cống của công ty lại cao hơn năm 2019, đó là nhờ vào điều chỉnh linh hoạt của Ban Lãnh đạo công ty đã định hướng sản xuất những sản phẩm cống mà các đối thủ hạn chế sản xuất nên tỷ suất sinh lợi những loại cống này cao hơn so với những phân khúc khác.

Với lĩnh vực cho thuê hạ tầng KCN, đến 31/12/2020 công ty đã đền bù 110,9 ha, còn 18,7 ha chưa được đền bù. Trong năm 2020, công ty ký hợp đồng cho thuê 15,8 ha. Hiện tại, KCN đã cho thuê hết đất cho giai đoạn mở rộng và tiếp tục làm các thủ tục cần thiết để tiến hành giai đoạn 2 từ 340 lên 553 ha.

Về hoạt động đầu tư, năm 2020, công ty đã nhận chuyển nhượng 23,7 ha tại Xã Tam Lập, H. Phú Giáo để thực hiện xin cấp phép khai thác đá. Đồng thời, công ty đã đền bù thêm 11,5 ha đất sét Bố Lá để đủ điều kiện xin cấp phép mở rộng diện tích khai thác lên 33,4ha.

Đề cập tới kế hoạch kinh doanh 2021, lãnh đạo KSB cho biết đặt mục tiêu doanh thu ở mức 1.200 tỷ, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ, lần lượt đều bằng khoảng 85% so với kết quả thực hiện của năm 2020.

ĐHĐCĐ Khoáng sản Bình Dương (KSB): Mục tiêu lãi thận trọng 280 tỷ, chuyển đổi quỹ đất để khai thác hiệu quả ảnh 1
Kế hoạch kinh doanh thận trọng.  

Năm nay, công ty dự chi hơn 1.200 tỷ để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó chi cho công tác đất đai hơn 157 tỷ, hơn 995 tỷ đầu tư hạ tầng KCN, chủ yếu là chi phí đền bù mở rộng.

Công ty đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cấp phép Mỏ Tam Lập giai đoạn 1. Công ty đang thực hiện giấy phép thăm dò, thiết kế kỹ thuật ĐTM và giấy phép khai thác. Dự kiến hoàn thành cấp phép khai thác trong quý 3/2021. Mỏ Tân Mỹ trong quý 2/2021 sẽ đưa vào quy hoạch thăm dò khai thác. Mỏ Thiện Tân 7 tiếp tục đền bù để mở rộng hiện trường khai thác. Hoàn thành cấp phép giấy phép khai thác sét Bố Lá 33,4ha. Đang xin chủ trương đầu tư mỏ mới tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai nhằm phục vụ phát triển của công ty.

Về công tác đầu tư KCN Đất Cuốc giai đoạn 2, năm nay công ty hoàn thành thủ tục hồ sơ quy hoạch mở rộng KCN này lên 553 ha. Đẩy nhanh công tác đền bù, xây dựng hạ tầng nhằm phấn đấu có đất thương phẩm trong năm 2021.

Công ty trình đại hội kế hoạch phát hành hơn 9,6 triệu cổ phiếu trong 2021, trong đó hơn 6,6 triệu cổ phiếu để chia trả cổ tức tỷ lệ 10% mệnh giá và 3 triệu cổ phiếu Esop. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành là hơn 766 tỷ đồng.

Đại hội cũng trình việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT với ông Dương Ngọc Hải và Trần Ngọc Đính, theo đơn từ nhiệm hồi cuối tháng 3. Theo đó, Công ty trình thông qua nội dung giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống còn 5.

Tập trung kinh doanh VLXD, mở rộng KCN
Trong phần thảo luận, lãnh đạo KSB trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông xoay quanh hoạt động mở rộng, khai thác các mỏ, quỹ đất, khu công nghiệp.
Cụ thể, trả lời cổ đông về kế hoạch duy trì tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới, ông Phan Tất Đạt, Chủ tịch HĐQT cho biết, công ty xác định sẽ tập trung chính ở 2 mảng gồm kinh doanh vật liệu xây dựng như khai thác chế biến đá, khoáng sản… và mở rộng khu công nghiệp.
“Trong 5 năm tới, công ty mở rộng các mỏ đá Tân Lập, Tân Mỹ, Phước Vĩnh, Bố Lá. Đồng thời tìm kiếm đầu tư vào công ty cùng ngành, mở rộng khu công nghiệp cũng như đầu tư khu công nghiệp mới. Các công việc này mất thời gian dài chứ không chỉ 3-6 tháng là xong, cần chờ quy hoạch chung của tỉnh, sau đó công ty mới xin mở rộng khai thác. Nếu các kế hoạch được thông qua thì quy mô, trữ lượng tăng lên nhiều lần”, Chủ tịch KSB nói.
Chia sẻ về giá cho thuê tại KCN, lãnh đạo công ty cho biết giá biến động tương đối tốt vài năm gần đây. Cụ thể, giai đoạn 2019-2020 với làn sóng đầu tư bất động sản khu công nghiệp tăng làm giá cho thuê KCN tăng. Các vị trí cho thuê tốt ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng lên nhiều. Dự kiến trong những năm tới tiếp tục tăng khi giao thông được đầu tư phát triển đường kết nối khu miền Đông, giá thuê theo đó sẽ tăng.
Với kế hoạch M&A đối với VLB, Chủ tịch KSB cho biết, hiện công ty đã sở hữu hơn 40% gồm trực tiếp và gián tiếp. Cổ đông Nhà nước đang trình phương án thoái vốn trong năm nay, hiện thủ tục khá lâu vì có thêm các khoản đánh giá khá mất thời gian. Công ty cố gắng nâng tỷ lệ chi phối trong năm nay.
Về lo ngại của cổ đông với động thái siết chặt khai thác mỏ ở một số địa phương, lãnh đạo KSB cho biết, một số khu vực có phương pháp khai thác không an toàn nên bị siết chặt.
“Với phương pháp khai thác của KSB bài bản, khoa học, đúng thiết kế được phê duyệt nên không ảnh hưởng. Hiện xu hướng là hạn chế mở rộng và ưu tiên khai thác xuống sâu, theo đó không ảnh hưởng quy mô việc đô thị hóa, tiết kiệm tài nguyên. Điều này phù hợp với xu hướng của KSB khi công ty đang xin khai thác sâu ở nhiều mỏ”, Chủ tịch KSB giải đáp.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE