Đạo luật IRA hấp dẫn doanh nghiệp EU nhưng gây bất đồng trong EC

Nhật báo Le Monde cho rằng kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp xanh của Mỹ đang làm dấy lên nhiều lo ngại ở Liên minh châu Âu (EU), nơi xu hướng phi công nghiệp hóa đang phát triển.
Đạo luật IRA hấp dẫn doanh nghiệp EU. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Đạo luật IRA hấp dẫn doanh nghiệp EU. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhận định về tác động của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, nhật báo Le Monde cho rằng kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp xanh của Mỹ do Tổng thống Joe Biden đưa ra đang làm dấy lên nhiều lo ngại ở Liên minh châu Âu (EU), nơi xu hướng phi công nghiệp hóa đang phát triển. Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm cách ứng phó, nhưng chưa tìm được sự đồng thuận.

Nguy cơ phi công nghiệp hóa châu Âu

Tuy chưa thành hiện thực, nhưng điều đó có thể xảy ra. Mỗi ngày lại có một nhà công nghiệp ở châu Âu thông báo rằng họ sẽ đầu tư vào Mỹ, hoặc chí ít là đang nghĩ về điều đó.

Trong những tuần gần đây, các nhà sản xuất ô tô Volkswagen và BMW tại Đức đang muốn tăng năng lực sản xuất của họ ở Mỹ. Công ty Northvolt của Thụy Điển cuối cùng cũng có thể mở một nhà máy sản xuất pin khổng lồ ở bên kia bờ Đại Tây Dương, trong khi trước đó họ dự định lắp đặt ở Đức.

Tại Bỉ, tập đoàn hóa học Solvay đã quyết định tham gia vào dự án pin khổng lồ xuyên Đại Tây Dương. Tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng Saint-Gobain của Pháp cũng sẽ mở rộng chi nhánh ở California. Đối với công ty năng lượng Tây Ban Nha Iberdrola, họ dự kiến dành gần một nửa số tiền đầu tư của mình trong những năm tới tại Mỹ...

Rõ ràng giữa giá năng lượng cao gấp ba đến bốn lần ở “lục địa già”, và đạo luật IRA của Tổng thống Joe Biden với một “phong bì” trị giá 370 tỷ USD nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xanh của Mỹ với các khoản tín dụng thuế và trợ cấp dành riêng cho "made in America", nước Mỹ đang hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Lo lắng nhưng hành động chậm trễ

Đối mặt với quy mô của một thảm họa "chảy máu công nghiệp" sắp xảy ra, châu Âu đang lo lắng, nhưng lại phản ứng chậm trễ và thiếu sự đồng thuận. Vào ngày 4/12, phát biểu tại Đại học châu Âu ở Bruges (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, tuyên bố rằng việc triển khai IRA của Mỹ "đòi hỏi một phản ứng có cấu trúc" từ 27 nước thành viên.

Trước mỗi cuộc khủng hoảng, cho dù đó là COVID-19 hay năng lượng, Chủ tịch EC đều phải mất một chút thời gian để phản ứng. Lần này, bà đã mất đến 3 tháng rưỡi mới bắt đầu vạch ra kế hoạch tác chiến. Phần vì gắn bó với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phần vì nóng lòng muốn duy trì một mặt trận thống nhất giữa EU và Mỹ để chống lại Nga trong khủng hoảng Ukraine, bà Ursula von der Leyen không muốn có sự xung đột với Mỹ.

Đức thì ngày càng lo ngại cho ngành công nghiệp của mình. Áp lực từ những lời kêu gọi hành động của đại diện người sử dụng lao động đã khiến Chính phủ Đức tính đến vấn đề này. Chuyến công du Mỹ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ ngày 29/11 đến 2/12, trong đó Tổng thống Pháp cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden trước nguy cơ khiến "phương Tây chia rẽ", cũng cho thấy Pháp sốt ruột về vấn đề này. Một nguồn tin châu Âu phân tích ông Macron đã đóng vai trò người phát ngôn cho EU tại Mỹ và giờ là lúc bà Von der Leyen thể hiện vai trò lãnh đạo.

Chủ tịch EC đã tuyên bố tại Bruges: "Một cuộc chiến thương mại tốn kém không có lợi cho chúng ta, cũng không có lợi cho người Mỹ". Đặc biệt là vì cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài và cũng chẳng ngăn chặn được quá trình phi công nghiệp hóa đang diễn ra. Do đó, Brussels không lựa chọn việc kiện Mỹ tại WTO, mặc dù một số nội dung mang tính bảo hộ của IRA không tôn trọng các quy tắc chung.

Trước mắt, bà Ursula von der Leyen cho rằng cần tìm kiếm các giải pháp phòng vệ thương mại mà vẫn tuân thủ các quy tắc của WTO. Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh rằng "chúng ta cần một IRA châu Âu", và theo ông, họ không phải ngần ngại khi ưu tiên châu Âu.

EC cũng mong muốn loại bỏ tất cả các trở ngại hành chính có thể gây khó các nhà sản xuất. EC muốn, như Chủ tịch Ursula von der Leyen đã nói, "tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư công trong quá trình chuyển đổi [môi trường]” bằng cách xem xét khuôn khổ viện trợ của nhà nước. EC hiện đang tập trung vào đổi mới, nhưng phạm vi có thể được mở rộng cho ngành công nghệ xanh, để đáp lại chính sách IRA của Mỹ hiện đang bao sân toàn bộ chuỗi sản xuất của các lĩnh vực chiến lược này.

Công nhân lắp ráp ô tô tại một nhà máy của hãng Volkswagen ở Dresden, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức, quốc gia có điều kiện triển khai nhất trong EU, sẽ là người hưởng lợi chính từ sự phát triển đó. Ngược lại, Italy không thể làm được gì nhiều nếu không nói là gánh thêm nợ, điều này sẽ gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực đồng euro.

Đối mặt với nguy cơ thị trường nội địa bị phân mảnh và nguy cơ bùng nổ liên minh tiền tệ, bà Ursula von der Leyen đang đề nghị có "một phản ứng chung" và kêu gọi một "quỹ chủ quyền" châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Chủ nhật (Le Journal du Dimanche) vào ngày 4/12, Ủy viên Thị trường Nội địa EU Thierry Breton đã đề xuất xem xét tài trợ khoảng 2% GDP của EU, tương đương khoảng 350 tỷ euro (367 tỷ USD).

Để kiếm nguồn tài trợ cho quỹ trên nếu nó được thành lập, Pháp và các thành viên khác đề nghị một khoản nợ chung cho EU, giống như những gì đã được thực hiện cho kế hoạch phục hồi châu Âu trị giá 750 tỷ euro.

Một số thành viên khác, dẫn đầu là Hà Lan, không muốn điều đó. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Sigrid Kaag tuyên bố "châu Âu đã có những nguồn lực đáng kể" để hỗ trợ các doanh nghiệp, và nói thêm rằng để có nguồn tài chính cho quỹ trên, tốt hơn cả là gom các khoản dư hiện nay và tìm cách phân phối lại hoặc tập trung chúng lại.

Quan điểm của Đức thì thay đổi tùy thuộc vào người phát biểu là thành viên liên minh nào. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (thuộc đảng xanh) tỏ ra hào hứng với phương án trên. Thủ tướng (SPD) Olaf Scholz kín đáo hơn. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Christian Lindner (FDP), vẫn phản đối quyết liệt bất kỳ nỗ lực mới nào đối với nợ chung của châu Âu và cho rằng nợ chung là không cần thiết và đó sẽ là mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh và sự ổn định của châu Âu. Ông nhấn mạnh việc phải tăng khả năng cạnh tranh của EU bằng các công cụ hiện có.

Ông Pascal Canfin, một nghị sĩ châu Âu, cho rằng trong bối cảnh không có sự đồng thuận chính trị cơ bản giữa các thành viên EU với nhau, EC phải xác định các quan điểm của chính mình. Ủy viên Kinh tế Paolo Gentiloni cũng tuyên bố rằng cơ quan điều hành chung của EU, mặc dù cũng bị chia rẽ như các quốc gia thành viên, nhưng sẽ đưa ra một đề xuất trong những tuần tới.

Không chờ đợi đến lúc đó. Điện Elysée đang cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận Pháp-Đức trước thềm cuộc gặp của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu, dự kiến diễn ra tại Brussels vào ngày 15/12. Điều này khiến nhiều người hy vọng vì nghĩ đến bối cảnh năm 2020, đó là khi ông Emmanuel Macron và bà Angela Merkel, khi đó là Thủ tướng Đức, đã đồng ý về một kế hoạch phục hồi mà EC đã đưa ra và các cuộc đàm phán giữa 27 nước cuối cùng đã có thể tiến triển.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE