Đánh giá xu hướng lạm phát và triển vọng của Trung Quốc

Tờ The Moderndiplomacy.eu đăng bài viết “Đánh giá xu hướng lạm phát và triển vọng của Trung Quốc”, trong đó có các nội dung đáng chú ý.
Hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia khác được xếp tại cảng Long Beach, Los Angeles. Ảnh: AFP/ TTXVN
Hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia khác được xếp tại cảng Long Beach, Los Angeles. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo bài viết, Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã nhiều lần đề cập đến vấn đề bình ổn giá trong tuyên bố chính sách.

Xu hướng lạm phát ở Trung Quốc không chỉ trở thành yếu tố hạn chế các chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng ổn định, mà còn tác động đến sự phục hồi kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều này cũng làm dấy lên lo lắng rằng với những thay đổi của tình hình quốc tế, tỷ lệ lạm phát sẽ vượt quá mục tiêu chính sách 3% của PBoC. Điều này có thể buộc ngân hàng phải đưa ra những điều chỉnh bị động trong chính sách, hoặc thậm chí là siêu lạm phát trong những trường hợp cực đoan.

Mặc dù mức độ lạm phát toàn cầu tăng đột biến, lạm ko phát ở Trung Quốc vẫn tương đối ổn định trong những năm gần đây mà không có biến động đáng kể. Tuy nhiên, khi tình hình quốc tế thay đổi, điều gì sẽ xảy ra với lạm phát ở Trung Quốc?

Sự thiếu hụt nhu cầu nội địa đang kiềm chế lạm phát

Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu ở Trung Quốc có xảy ra tình trạng lạm phát cao như ở các nước phát triển hay không? Vì điều này không chỉ liên quan đến quá trình phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm mà còn liên quan đến định hướng điều chỉnh chính sách vĩ mô trong tương lai nên đây là một vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Khi đề cập đến vấn đề lạm phát toàn cầu, giới nghiên cứu tại ANBOUND lưu ý rằng lạm phát cao ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu có thể làm bùng phát tổng cầu trong ngắn hạn dưới biện pháp kích thích tiền tệ sau đại dịch.

Ngoài ra, còn có nguy cơ xảy ra sự mất cân bằng cán cân năng lượng do rủi ro địa chính trị gia tăng. Các yếu tố như cơ cấu lại cung-cầu trong thời kỳ đại dịch và các chính sách phát triển giảm thiểu carbon cũng mang lại hiệu quả lâu dài. Hoàn cảnh đó có nghĩa là các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lượng và các ngành công nghiệp dịch vụ nặng phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao.

Lạm phát ở Mỹ là 8,6% trong tháng Năm, trong khi Anh đạt mức cao kỷ lục 9% và dữ liệu mới nhất cho thấy mức lạm phát trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đạt 8,6% trong tháng Sáu.

Điều này cho thấy vấn đề lạm phát có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Điều này buộc các ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu và Mỹ phải áp dụng các chính sách thắt chặt như tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán để đối phó với rủi ro do lạm phát gây ra với việc chi phí kinh tế giảm hoặc suy thoái.

Trong khi đó, mặc dù lạm phát của Trung Quốc tăng trong quý II/2022, song xu hướng gia tăng vừa phải này sẽ không tạo thành hạn chế cơ bản đối với xu hướng phát triển kinh tế và chính sách tiền tệ của nước này. Điều này chủ yếu là do chu kỳ kinh tế của Trung Quốc khác với chu kỳ kinh tế của châu Âu và Mỹ. Trong khi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, sự thiếu hụt nhu cầu nội địa vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi của lạm phát.

Đồng thời, dịch COVID-19 bùng phát ở các khu vực phát triển của Trung Quốc trong quý đầu năm nay đã có tác động lớn đến sản xuất và đời sống của Trung Quốc, trong khi nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ chưa có sự phục hồi. Do đó, việc phục hồi nhu cầu nói chung cần một quá trình nhất định. Trong trường hợp cầu không đủ hiệu quả thì lạm phát trong nước khó thay đổi nhanh chóng.

Trọng tâm an ninh năng lượng và đảm bảo hàng hóa giúp duy trì nguồn cung

Khi nói đến khía cạnh cung cấp, cần phải chỉ ra chính sách của Trung Quốc đã đặt trọng tâm vào an ninh năng lượng và hàng hóa số lượng lớn. Điều này cơ bản giúp đảm bảo nguồn cung cấp và tránh xảy ra siêu lạm phát do lạm phát ngoại nhập gây ra.

Về ngành công nghiệp trong nước, bản thân Trung Quốc có một chuỗi công nghiệp và hệ thống cung ứng tương đối hoàn chỉnh. Điều này cũng giúp giảm thiểu sự xáo trộn đối với sản xuất và cung ứng do các yếu tố không chắc chắn gây ra bởi việc điều chỉnh chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Một mặt, thông qua sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp đầu nguồn, Trung Quốc cơ bản duy trì được kênh nhập khẩu dầu thô ngay cả trong điều kiện giá dầu biến động. Mặt khác, liên kết điện than được sử dụng để duy trì sự ổn định giá điện của doanh nghiệp ở mức tối đa.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp phát điện thua lỗ, có nơi còn xảy ra tình trạng “cắt điện”, nhưng nhìn chung giá điện vẫn ở trạng thái ổn định. Điều này giúp làm giảm đáng kể tác động của biến động giá năng lượng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do sự biến động của giá năng lượng và hàng hóa quốc tế, việc tăng giá sản xuất như một “yếu tố toàn cầu” tiếp tục diễn ra trong một thời gian khá dài đối với Trung Quốc. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc vẫn ở mức cao trong một thời gian dài kể từ năm 2021. Tuy nhiên, việc mở rộng khoảng cách giữa PPI và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã không dẫn đến sự tăng mạnh trong ngắn hạn của giá tiêu dùng cuối cùng.

Trong khi đó, ở ngành sắt thép, nơi mà vấn đề thừa công suất càng nổi cộm, kể từ khi đại dịch bùng phát, giá thành phẩm thép thô không có nhiều biến động. Đồng thời, một số doanh nghiệp đầu ngành đang đẩy mạnh hội nhập, điều này làm giảm bớt tác động của biến động giá năng lượng và giá quặng sắt đối với ngành.

Lạm phát vẫn là rủi ro tiềm ẩn

Ngoài ra, PBoC luôn nhấn mạnh chính sách tiền tệ “thận trọng”, tuân thủ chính sách phù hợp với tốc độ tăng trưởng tiền tệ và quy mô tài trợ xã hội với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa và không phát hành tiền quá mức. Điều này có tác dụng giữ nguồn cung tiền trong nước ổn định. Đây là yếu tố chính giúp duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá đồng nhân dân tệ và giữ mặt bằng giá trong nước ổn định trong ngắn hạn.

Có sự khác biệt rõ ràng giữa môi trường bên trong Trung Quốc và môi trường quốc tế, góp phần vào sự ổn định chung sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Khi PBoC đưa ra xem xét tổng thể về “bình ổn giá cả” và “ổn định việc làm”, trọng tâm là tránh siêu lạm phát gây ra bởi các hạn chế về thực phẩm, năng lượng và chuỗi cung ứng.

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến “lạm phát nhập khẩu” do những bất ổn như rủi ro địa chính trị gia tăng và dòng vốn quốc tế. Đáng chú ý là giá thịt lợn, thành phần chính của chỉ số giá tiêu dùng, đã có một số thay đổi trong bối cảnh chu kỳ đàn lợn thay đổi và giá nhập khẩu thực phẩm tăng, có thể tác động đến giá thực phẩm và xu hướng lạm phát.

Tuy nhiên, sự thay đổi này mang tính chu kỳ nhiều hơn. Theo tình hình sản xuất và nhu cầu của Trung Quốc hiện nay, khi chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh và hệ thống hậu cần ổn định, khó có thể xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu tổng thể. Điều này có nghĩa là lạm phát trong nước có thể tăng vừa phải khi nền kinh tế phục hồi, nhưng sẽ không có siêu lạm phát.

Trước tình hình hiện tại, các nhà nghiên cứu ANBOUND tin rằng trong bộ ba áp lực bao gồm xu hướng thu hẹp nhu cầu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu, mâu thuẫn chính mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt vẫn là nhu cầu giảm. Do đó, việc điều chỉnh chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, vẫn cần tập trung vào việc “ổn định tăng trưởng”.

Chỉ bằng cách ổn định tổng cầu mới có thể giải quyết được các vấn đề về việc làm và các vấn đề về cơ cấu. Về chính sách tiền tệ, Trung Quốc cần duy trì một thái độ “nới lỏng vừa phải” để tạo ra một môi trường tiền tệ thích hợp cho sự phục hồi và ổn định kinh tế.

Tất nhiên, không thể bỏ qua hoàn toàn vấn đề lạm phát, nhưng cần có sự phối hợp của các chính sách công nghiệp khác và các chính sách giám sát thị trường để ổn định chuỗi cung ứng, duy trì hệ thống sản xuất trong nước hoàn chỉnh và duy trì cân bằng cung cầu, thúc đẩy hiệu quả quá trình phục hồi thị trường và tăng trưởng bền vững.

Lạm phát không chỉ là một vấn đề mà các nền kinh tế lớn phải đối mặt mà còn là một yếu tố rủi ro tiềm ẩn trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, hệ thống cung ứng ổn định cũng như chính sách tiền tệ kiềm chế của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lạm phát. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, sự gia tăng của cuộc khủng hoảng năng lượng quốc tế và sức ép lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc cần lưu ý nguy cơ lạm phát cao.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE