Đại diện doanh nghiệp thành công chia sẻ kinh nghiệm kiếm tiền ở Anh - thị trường khó tính bậc nhất thế giới

Vương quốc Anh là nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 15,8% so với cùng kỳ bất chấp đại dịch COVID-19 đầy phức tạp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hôm nay (15/12), Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và COVID-19”. Những con số ấn tượng về thương mại hai chiều Vương quốc Anh và Việt Nam được dẫn ra tại hội thảo, cùng những câu chuyện và kinh nghiệm thực tiễn chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp.
những con số ấn tượng
Kinh tế Anh sau nhiều đợt dịch COVID-19 cho đến nay đã phục hồi, nhưng mức tăng trưởng quý 3/2021 chỉ đạt 1,3%, vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng GDP đạt được 5,5% trong quý 2/2021 và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng quý 3/2020 ở mức 17,4%.
Đó là dữ liệu đầu tiên được dẫn ra tại hội thảo, điển hình cho bối cảnh kinh tế Anh hiện nay, gắn với thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện khi muốn tăng cường thương mại với thị trường này. 
Dù vậy, thương mại Việt Nam – Anh trong năm 2021 vẫn ghi nhận nhiều bước chuyển rất tích cực. Với việc Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, thương mại hai nước vẫn tăng trưởng ấn tượng bất chấp việc chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đai dịch COVID-19. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 15,8% so với cùng kỳ. 
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2021 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu cùng thời gian trên đạt 706 triệu USD, tăng hơn 20%. Đối với Việt Nam, Vương quốc Anh hiện đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trong số các quốc gia trên thế giới, đứng thứ 4 trong số các thị trường châu Âu, châu Mỹ. 
Các sản phẩm có sức tăng trưởng xuất khẩu tốt vào thị trường Anh trong năm 2021 bao gồm cao su (85%); hàng rau quả (72,8%); sản phẩm mây tre cói và thảm (65,8%); hạt tiêu 46,3%; đặc biệt nhóm hàng sắt thép các loại có mức tăng trưởng đột biến lần lượt là 1.404% và 138%.
Có 6 mặt hàng bị giảm kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm bao gồm dây điện và dây cáp điện (61%); nguyên phụ liệu dệt may, da giày (44%); hàng thủy sản 18%; hạt điều và cà phê giảm rất nhẹ.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hóa chất tăng 4.000%, dược phẩm 2.654%; sản phẩm hóa chất 1.053%; nguyên phụ liệu dệt may da giày 302%; điện thoại, các loại linh kiện 242%.
Vương quốc Anh là nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam, tuy nhiên, thị phần của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Vương quốc Anh. Chính vì vậy tiềm năng dành cho doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều. 
Về đầu tư, tính đến tháng 10/2021, Vương quốc Anh có tổng cộng 439 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, chiếm 1/3 dự án FDI của cả nước. Tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực ước tính khoảng 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam.
Đầu tư của Anh vào Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU). Các dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản, lĩnh vực khai khoáng, dầu khí. Còn theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư từ Vương quốc Anh đã có sự hiện diện đầu tư tại hơn 35 tỉnh thành phố của Việt Nam.
Về chính sách của Anh trong bối cảnh hậu COVID-19, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Anh công bố chiến lược nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh, nhấn mạnh đến chủ trương tập trung vào Thái Bình Dương, tập trung vào các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dòng vốn FDI từ Anh vào Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Sau Brexit, Anh đã thúc đẩy ký FTA với 19 quốc gia trên thế giới, ngoài ra, Anh cũng đã nộp hồ sơ gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), động thái làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Anh và các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. 
Bối cảnh đang rất thuận lợi
Tại hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương Quốc Anh nhận định, Hiệp định Thương mại UKVFTA đã kịp thay thế EVFTA từ ngày 1/1/2021 để duy trì ưu đãi cho giao thương với Việt Nam và Anh. Hơn thế nữa, Chính phủ Anh đang thực hiện chính sách tự do hóa thương mại cởi mở hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích doanh nghiệp Anh củng cố quan hệ mạnh mẽ hơn nữa với các nước thuộc khu vực thương mại phát triển năng động trên thế giới trong đó có Việt Nam. 
Ngoài việc kế thừa các FTA của EU, Anh cũng đang đàm phán tích cực để gia nhập CPTPP và kỳ vọng quá trình này có thể hoàn thành trong 2 năm tới.
Anh đã kịp thời ký được thỏa thuận hợp tác toàn diện hậu Brexit để đảm bảo giao thương với 27 nước thành viên EU không bị gián đoạn. Tuy nhiên, hoạt động thương mại mới giữa Anh và EU không thuận lợi như trước đây cùng trong một khối nữa. Tất nhiên, chính sách thương mại của Anh sẽ phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh chứ không còn phải nhất quán với chính sách của EU nữa; chính sách thuế nhập khẩu đã thay đổi từ 1/1/2021. 
Theo như phía Anh nhận định, chính sách thuế này đơn giản hơn chính sách của EU và thuận lợi hơn cho hàng nhập khẩu vào Anh. Hàng nhập khẩu vào Anh sẽ được hưởng mức thuế rẻ hơn trước đây. Chính sách hạn ngạch hay chính sách phòng vệ thương mại rồi cũng sẽ thay đổi trong tương lai gần. 
Một trong những chính sách dự kiến sẽ sớm được thay đổi chính là Quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS). Quy định này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại. Trước đây, SPS của EU áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên nhưng bây giờ Anh sẽ có quy định về SPS riêng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Anh sẽ phải tích cực chủ động tìm nguồn cung ứng mới từ nhiều nước trong đó có Việt Nam, quốc gia thứ 2 ký FTA với Anh sau Singapore. 
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ đương đầu với khá nhiều thách thức trong tình hình mới. Cụ thể hơn, thủ tục về chấp thuận các loại giấy chứng nhận, thủ tục kiểm soát hải quan, động thực vật, khai báo thuế, nộp thuế, tất cả những quy định này sẽ phải theo hướng dẫn mới từ phía Anh.
Ví dụ trước đây, các loại giấy chứng nhận cấp cho sản phẩm sang EU cũng áp dụng được cho xuất khẩu sang Anh, nhưng giờ đây doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào Anh phải có giấy chứng nhận được phía Anh chấp thuận, đồng thời phải dẫn chiếu luật của Anh, quy định của Anh chứ không còn là luật của EU nữa.
Cẩn trọng với nhiều rủi ro, sẵn sàng thay đổi để nắm bắt cơ hội
Theo tư vấn được đề cập tại hội thảo trên, khi làm ăn kinh doanh với phía Vương quốc Anh, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối diện với những tình huống rủi ro. Đó là khi doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đơn hàng, cuối cùng không nhận được thanh toán, tuy nhiên có nhiều lý do đằng sau. Cũng có thể do thời kỳ COVID-19, nhiều doanh nghiệp không còn đủ khả năng và buộc phải phá sản. Hoặc một số doanh nghiệp thấy tình hình phức tạp đã cố tình trì hoãn việc thanh toán. Bất kỳ doanh nghiệp nào trước khi đặt bút ký vào hợp đồng cũng cần phải lưu ý đến những rủi ro đó.
Theo bà Ngô Thị Thu Thủy, Giám đốc toàn quốc Phát triển Kinh doanh Tài trợ Thương mại HSBC Việt Nam, trước khi ký kết hợp tác với doanh nghiệp nào, phía Việt Nam cũng nên tìm hiểu đối tác của mình là ai, tình hình kinh doanh của họ như thế nào, khả năng thanh toán của họ đến mức nào. Các ngân hàng bản địa thường có mạng lưới rất tốt hỗ trợ cho việc này. Xét đến các giải pháp công cụ tài chính, doanh nghiệp cần làm và chọn phương thức thanh toán nào đó để đảm bảo giảm thiểu nhất rủi ro thanh toán. 
Thường khi tham gia vào thị trường mới, doanh nghiệp cần sử dụng hình thức thanh toán trung gian (LC), khi làm bằng LC sẽ có sự đảm bảo của phía ngân hàng bên kia và đồng thời phía các ngân hàng bản địa có thể giúp đảm bảo khả năng thanh toán của người mua hàng trong trường hợp có vấn đề khi xuất hàng. 
Liên quan đến vấn đề thanh toán và xử lý đơn hàng với khách hàng bằng cách nào để an toàn nhất, bà Hoàng Hương Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, May 10 đã có hoạt động xuất hàng và kinh doanh với phía Anh từ năm 2009 và cho đến nay chưa gặp vấn đề gì với các đối tác của Anh. Bà Giang cho hay hình thức thanh toán chủ yếu mà doanh nghiệp sử dụng chủ yếu là LC với khách nên đảm bảo được độ uy tín rất cao. 
Theo bà Giang, để có thể vào được thị trường Anh vốn khó tính bậc nhất thế giới, doanh nghiệp cần chú ý đến những yếu tố mấu chốt sau: Đội ngũ bán hàng và thiết kế; với đặc thù mặt hàng may mặc, bộ phận thị trường cùng bộ phận thiết kế sẽ làm việc với khách hàng để cho ra đời những mẫu sản phẩm và chào giá phù hợp và nhanh nhất. Thị trường Anh khá khó tính, họ yêu cầu hệ thống quản lý của nhà máy và tiêu chuẩn đánh giá vô cùng chặt chẽ, vì vậy May 10 luôn phải chấp nhận trải qua những đợt đánh giá hàng năm về trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe người lao động. 
Trong thời điểm dịch COVID-19, vấn đề chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ phải đi song song cùng với quá trình đào tạo hay nhân lực để phục vụ khách hàng tốt hơn, coi khách hàng ở trung tâm trong chuỗi giá trị của mình, từ khâu buôn bán, nguyên phụ liệu hay giao hàng. Chính vì thế doanh nghiệp cũng minh bạch được toàn bộ quá trình sản xuất với khách hàng.
Sau khi hiệp định thương mại mới có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ phải cho khách hàng nắm được toàn bộ dữ liệu đầu vào mà doanh nghiệp mua từ nhà cung cấp, khi doanh nghiệp số hóa được hệ thống sẽ giúp giảm thiểu thời gian truy xuất thông tin, cũng như kiểm soát chi phí tốt hơn cho doanh nghiệp.
Để tận dụng tốt nhất cơ hội từ hiệp định thương mại mới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh làm việc với các nhà cung cấp trong nước để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững để cung cấp được cho khách hàng Anh dịch vụ trọn gói để nâng cao giá trị của sản phẩm doanh nghiệp mình làm ra, bà Giang nhấn mạnh.
Thị trường công nghệ thông tin vô cùng tiềm năng
Đại diện phía doanh nghiệp đã có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Anh cũng đánh giá rất cao tiềm năng phát triển đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn FPT, chia sẻ rằng từ nay đến năm 2023, FPT sẽ đạt doanh số khoảng 100 triệu bảng, FPT cũng mong muốn sẽ thực hiện được ít nhất vài vụ M&A. Tại Slovakia, năm 2014, FPT đã mua lại một đơn vị IT của tập đoàn lớn của Đức. Trong thương vụ này có nhiều bên tham gia, bên ngân hàng tài chính, bên tín dụng, bên bảo lãnh, và không loại trừ cũng sẽ phải cần đến hỗ trợ của các ngân hàng bản địa.
Sau khi FPT lập văn phòng đại diện chính thức và đã có nhân viên tại Anh, sớm muộn FPT cũng sẽ có thương vụ M&A tại đây. Với quan điểm của FPT, ngoài cách phát triển thông thường, FPT cũng sẽ có những vụ M&A phù hợp để tăng cường quy mô. 
Thị trường Anh hiện đang là thị trường công nghệ thông tin quy mô lớn nhất thế giới. Mức chi tiêu vào IT năm 2020 đã đạt 950 tỷ USD, đến năm nay dự kiến khoảng 1.000 tỷ USD, đây là số tiền cực lớn mà phía doanh nghiệp Anh sẵn sàng chi tiêu cho công tác chuyển đổi số.
London cũng là trung tâm tài chính lớn của thế giới. Các fintech mới nhất sẽ được phát triển ở Vương quốc Anh. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào Anh đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Về phương diện này, Pháp và Đức cộng lại cũng không bằng Anh.
Sau COVID-19, các doanh nghiệp của Anh đang phải tái định hướng lại chiến lược với chuỗi cung ứng của họ. Trước đây về mặt công nghệ họ chuyển hướng về thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Việt Nam giờ đây đang xuất hiện trên bản đồ đầu tư của nhiều tập đoàn Anh, thực tế này mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thị trường Anh là một thị trường vô cùng khó tính. Chính vì vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn vào Anh phải thực sự hiểu rõ thị trường, bản thân doanh nghiệp cũng phải hiểu thế mạnh cạnh tranh đặc biệt nhất mà họ có là gì, phía Anh cần gì. Ngoài ra, doanh nghiệp thực sự cần phải hiểu rõ người tiêu dùng, người tiêu dùng ở đây không chỉ là người mua hàng tiêu dùng thông thường mà cả các doanh nghiệp. 
Điều cuối cùng được đại diện FPT lưu ý và nhấn mạnh tại hội thảo là văn hóa của người Anh. Đại diện doanh nghiệp chỉ có thể hiểu được văn hóa nếu thực sự đi sâu sát vào cuộc sống thường ngày của người Anh. Lãnh đạo FPT thay vì đi xe riêng, ăn nhà hàng sang trọng thì đi tàu và ăn ở các nhà hàng bình dân. Ở trên tàu hay các nhà hàng vỉa hè, văn hóa của người Anh mới bộc lộ rõ ràng nhất. 

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE