Đại dịch COVID-19 đã tác động đến ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong doanh nghiệp như thế nào?

IoT mang đến cho các doanh nghiệp tầm nhìn bao quát hơn trên toàn chuỗi cung ứng và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ trao đổi thông tin tức thời theo thời gian thực.

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong doanh nghiệp như thế nào?
Ngân hàng HSBC mới đây công bố báo cáo mới với nhiều phân tích và nhìn nhận tổng quan về Internet vạn vật (IoT) cũng như các ứng dụng của IoT trên toàn thế giới.
IoT là gì?
IoT là thuật ngữ để chỉ việc sử dụng các thiết bị kết nối mạng internet để truyền tải tín hiệu thông qua mạng lưới riêng hoặc công cộng. Các doanh nghiệp có thể ứng dụng các công nghệ IoT để hệ thống vận hành hiệu quả hơn, an toàn hơn, đáng tin cậy hơn và năng suất hơn, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng công nghệ này cho mục đích theo dõi, kiểm tra và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày (như thiết bị theo dõi sức khỏe nhỏ gọn có thể đeo trên người, thiết bị đảm bảo an ninh nhà cửa, cảm biến điều chỉnh nhiệt độ, loa và tủ lạnh thông minh). Trong tương lai, IoT còn có thể hỗ trợ vận hành phương tiện hoàn toàn tự lái trong xã hội.
Đối với các ngành sản xuất, IoT công nghiệp (Industrial IoT – IIoT) có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống trong nhà máy thông minh và tối ưu hóa các chuỗi cung ứng nhờ tự động hóa các hoạt động sản xuất, cho phép quản lý hàng tồn kho từ xa và các vấn đề môi trường, hỗ trợ bảo trì từ xa.
Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (Global System for Mobile Communications - GSMA), trên thế giới có khoảng trên 13 tỷ kết nối IoT trong năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng lên 24 tỷ vào năm 2025. Thực tế, IoT lại không phải một xu hướng hoàn toàn mới mẻ. Cụm từ “vạn vật kết nối” do nhà khoa học máy tính Kevin Ashton dùng lần đầu vào năm 1999, khi còn làm cho Proter & Gamble, ông là người đề xuất gắn chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (Radio-frequency identification - RFID) lên sản phẩm để theo dõi hàng hóa vận chuyển trong chuỗi cung ứng.
Hệ sinh thái IoT vận hành như thế nào?
Các thiết bị IoT về cơ bản hoạt động như các máy tính mini có kết nối internet. Các thiết bị IoT thông thường có cảm biến theo dõi một loạt các yếu tố môi trường, từ nhiệt độ, tình trạng linh kiện, việc sử dụng nước và các yếu tố khác. Dữ liệu tổng hợp từ các cảm biến này được truyền qua internet lên kho lưu trữ dữ liệu trực tuyến để xử lý và phân tích, các lệnh dựa trên kết quả phân tích được truyền ngược lại thiết bị. 
Có năm thành phần chính trong hệ sinh thái IoT:
1. Phần cứng (ví dụ như thiết bị IoT thực tế)
2. Mạng lưới kết nối giải pháp IoT đến người dùng (ví dụ như Wifi, mạng di động)
3. Phương tiện điều khiển từ xa cung cấp cho người dùng giao diện để kết nối vào giải pháp IoT (ví dụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh)
4. Nền tảng cung cấp công cụ phân tích (ví dụ như Amazon, Microsoft và Google đều có các nền tảng quản lý IoT)
5. Các giao thức an ninh để đảm bảo giải pháp IoT được bảo vệ (xem thêm báo cáo Age of Cybersecurity, tháng 4/2021)
Theo một khảo sát gần đây của Microsoft, tỷ lệ ứng dụng IoT trong các ngành đều ở mức cao, trên 91% doanh nghiệp sản xuất và 85% công ty trong lĩnh vực năng lượng đã ứng dụng IoT. Khoảng 90% doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề tham gia khảo sát đều coi công nghệ IoT là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp. Động lực thúc đẩy các ngành ứng dụng IoT bao gồm duy trì chất lượng, đảm bảo công nghệ, tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu suất nhân công và cải thiện tình hình an toàn lao động. Quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và cải thiện yếu tố bền vững cũng là những lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp ứng dụng IoT.
Đại dịch có thể đã khiến tỷ lệ ứng dụng IoT giảm 2% vào năm 2025
Theo GSMA, số lượng thiết bị IoT toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng kép (CAGR) ở mức 12% trong giai đoạn 2019-2025 (Biểu đồ 3). Mặc dù số lượng kết nối IoT được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn này (lên đến 24 tỷ kết nối vào năm 2025), GSMA gần đây đã điều chỉnh dự báo cho năm 2025 từ trước đại dịch xuống 2% do COVID-19. Tuy vậy, họ cũng cho rằng IoT doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh hơn IoT tiêu dùng, đó là dấu hiệu cho thấy khả năng phát triển của chuỗi cung ứng thông minh trong tương lai.
Với tỷ lệ 91% doanh nghiệp sản xuất đang sử dụng các thiết bị IoT hiện nay, chúng ta dễ đi đến kết luận rằng các kho hàng cũng có tỷ lệ tự động hóa cao tương tự. Thực tế, tỷ lệ kho hàng được tự động hóa vào năm 2016 ước tính chỉ đạt 5%, trong đó tỷ lệ vận hành bằng máy chỉ đạt 15% và 80% vận hành bằng thủ công. Tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ thay đổi khi công nghệ robot phát triển với khả năng vận chuyển trở nên tinh vi hơn như nâng và đóng hàng. Biểu đồ 4 minh họa mức độ phổ biến công nghệ kho hàng tự động với tỷ lệ ứng dụng IoT & Phân tích dự kiến gia tăng từ 45% vào năm 2019 lên 90% vào năm 2030.
Doanh nghiệp được dự báo là đối tượng dùng IoT nhiều nhất
Theo GSMA, tới 2025, các doanh nghiệp mới là nhóm đối tượng dùng các công nghệ IoT nhiều nhất chứ không phải người tiêu dùng. Tỷ lệ gia tăng trong nhóm doanh nghiệp chủ yếu đến từ các tòa nhà thông minh (ví dụ như chiếu sáng, hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HAVC), an ninh và tự động hóa) với 2,9 tỷ thiết bị IoT mới đưa vào sử dụng, theo sau đó là doanh nghiệp thông minh (1,8 tỷ bao gồm quản lý đội phương tiện, kiểm kê tài sản, nông nghiệp, dầu mỏ & khí đốt, khai thác mỏ và xây dựng) và sản xuất thông minh (1,2 tỷ - theo dõi hàng tồn kho, giám sát và chẩn đoán, quản lý kho hàng). Trong mảng tiêu dùng, nhà thông minh nhiều khả năng sẽ thúc đẩy ứng dụng IoT (1,9 tỷ), ví dụ như cơ sở hạ tầng mạng lưới nhà và thiết bị an ninh nhà cửa.
HSBC tin rằng sự phổ biến IoT ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp cùng với các bước tiến trong ứng dụng tự động hóa và cải thiện kết nối sẽ thúc đẩy phát triển trung tâm dữ liệu trong tương lai. Thêm nữa, theo McKinsey, phần lớn các khoản đầu tư liên quan đến IoT sẽ đổ vào cải thiện hiệu quả vận hành và tận dụng tài sản nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo ra 70-75% tổng giá trị tương lai cho các cơ sở nhà máy kết nối. Trong bối cảnh phương tiện tự lái bắt đầu được tung ra trong những năm tới và ngành công nghiệp tăng cường tự động hóa nhờ ứng dụng IoT, HSBC tin rằng thị phần nhu cầu trong các mảng này sẽ phát triển mạnh.
IoT và đại dịch COVID-19
HSBC kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đầu tư vào các công nghệ IoT như một giải pháp để đảm bảo duy trình vận hành xuyên suốt trong tình huống xảy ra cú sốc bên ngoài trong tương lai. Như nội dung dưới đây, IoT có thể giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, cải thiện hiệu quả và tính linh hoạt trong toàn chuỗi cung ứng, từ sản xuất trong các nhà máy thông minh đến khâu vận chuyển trung gian và dịch vụ hậu mãi.
Ứng dụng các giải pháp IoT có thể mang đến cho các doanh nghiệp tầm nhìn bao quát hơn trên toàn chuỗi cung ứng và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ trao đổi thông tin tức thời theo thời gian thực.
Cụ thể, đại dịch COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp cận những dự liệu như vậy. Khi nắm rõ hàng tồn kho nằm ở đâu, thời điểm nào hết linh kiện hoặc biết rõ vị trí chính xác của kiện hàng trong quá trình vận chuyển trên khắp thế giới tại bất kỳ thời điểm nào, các doanh nghiệp có thể có cái nhìn tổng quan tốt hơn về chuỗi cung ứng và có thể ứng phó linh hoạt với các gián đoạn sản xuất và thương mại trong tương lai.
Đại dịch càng nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa
Một khảo sát gần đây của Inmarsat cho thấy hơn một nửa đối tượng tham gia khảo sát nói rằng những thách thức liên quan đến COVID-19 càng nhấn mạnh tầm quan trọng của IoT, trong khi đó, 47% đã thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án IoT nhằm ứng phó với đại dịch. Khảo sát này cũng cho thấy những doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ triển khai IoT hoặc có chiến lược IoT có khả năng vượt qua đại dịch tốt hơn.
Và các doanh nghiệp đều đang có kế hoạch số hóa sau khi đại dịch xuất hiện. Chi phí cho các giải pháp IoT doanh nghiệp đã tăng 12% vào năm 2020 lên gần 130 tỷ USD theo IoT Analytics, con số này dự kiến còn tăng lên 412 tỷ vào năm 2025. Mặc dù nhiều kế hoạch lắp đặt phần cứng đã phải trì hoãn do đại dịch, các doanh nghiệp đã chi nhiều hơn cho các dịch vụ hạ tầng và kho dữ liệu trực tuyến IoT như các giải pháp giám sát tài sản từ xa.
Theo một cuộc khảo sát với các doanh nghiệp sản xuất ở Bắc Mỹ, khoảng một nửa trong số họ đang cân nhắc triển khai nhà máy thông minh và 47% cân nhắc các giải pháp IoT nhằm chuẩn bị cho các gián đoạn hoạt động trong tương lai. Kết quả này càng được củng cố bởi một khảo sát do Microsoft thực hiện vào năm 2021, trong đó, khảo sát cho thấy đại dịch đã thúc đẩy 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát thấy cần phải đầu tư thêm vào chiến lược và giải pháp IoT (so với mức 31% trong năm 2020).
Một khảo sát khác của Gartner cho thấy 47% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng mức đầu tư vào các công nghệ IoT nhằm giảm chi phí trong tương lai, trong đó Gartner ước tính tới năm 2023 một phần ba doanh nghiệp vừa và lớn đã triển khai IoT sẽ triển khai ít nhất một “công nghệ bản sao số” (digital twin) do COVID-19. Công nghệ bản sao số về cơ bản là bản mô phỏng ảo của một thiết bị cho phép các doanh nghiệp theo dõi và phân tích bản thể thực tế trong môi trường công nghiệp. Công nghệ này tạo điều kiện cho họ thực hiện bảo trì dự đoán, giả định một số tình huống và tối ưu hóa hoạt động của tài sản.
Chat với BizLIVE