Đại dịch COVID-19 bộc lộ rõ điểm mạnh, điểm yếu của thị trường lao động

Bên cạnh những khó khăn chung của toàn cầu, thị trường lao động trong nước cũng đang chịu những ảnh hưởng mạnh do đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP

Sáng 20/8, báo cáo về tình hình thị trường lao động hiện nay tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cùng với thị trường hàng hóa dịch vụ, tài chính tiền tệ, khoa học công nghệ và bất động sản, thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế.

Sau 35 đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế.

Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao. Công tác đào tạo nhân lực đã có những đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng.

Mặc dù vậy từ năm 2020-2022 thị trường lao động Việt Nam cũng vừa bị tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, qua đó bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, những điểm yếu, hạn chế những nhân tố cần quan tâm khai thác để phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong ngắn và dài hạn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh những khó khăn chung của toàn cầu, thị trường lao động trong nước cũng đang chịu những ảnh hưởng mạnh do đại dịch COVID-19.

Tính trong quý 2/2022, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.

Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới.

"Trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý 2/2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học.

Thị trường lao động đang bộc lộ nhiều hạn chế

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát những điểm hạn chế của thị trường lao động hiện nay.

Trước hết, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn... không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thứ ba, chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao.

Thứ tư, một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Những yêu cầu, thách thức với việc phát triển thị trường Việt Nam, theo người đứng đầu ngành lao động là đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, đặc biệt là về nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; thúc đẩy chuyển dịch thị trường từ khu vực phi chính thức, bấp bênh, rủi ro sang khu vực chính thức gắn với việc mở rộng lưới an sinh xã hội cho mọi người lao động thông qua chính sách bảo hiểm xã hội; cân đối lại cung – cầu lao động, khắc phục tình trạng phát triển không đồng đều, mất cân đối cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề; giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ tại một số địa bàn, địa phương.

Cần 4 giải pháp trước mắt và 7 giải pháp lâu dài

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch và phát triển ổn định bền vững trước mắt cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước rằng: Thị trường lao động Việt Nam minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.

Về lâu dài, theo người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm.

Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước – trong – sau quá trình tham gia thị trường lao động.

Đầu tư công tác dự báo cung – cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE