Đa dạng hóa kênh đầu tư khi lãi suất tăng cao

Các chuyên gia cho rằng không nên hoảng loạn khi thị trường biến động mạnh. Chiến lược đầu tư tốt nhất là đa dạng hóa danh mục đầu tư và luôn tuân thủ nguyên tắc.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư điêu đứng khi các thị trường chứng khoán và hàng hóa biến động mạnh. Ảnh: Reuters.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư điêu đứng khi các thị trường chứng khoán và hàng hóa biến động mạnh. Ảnh: Reuters.

Theo CNBC, nửa đầu năm 2022 là cú sốc với nhiều nhà đầu tư khi các thị trường tài chính biến động mạnh. Ông Omar Aguilar - CEO kiêm CIO tại Schwab Asset Management - cho rằng trong nửa cuối năm, yếu tố quan trọng để thành công là tái cân bằng.

"Nên điều chỉnh danh mục đầu tư theo các mục tiêu chiến lược dài hạn", ông bình luận.

"Hoảng loạn không phải là chiến lược", ông Aguilar lập luận. Ông cho rằng cần suy nghĩ về những mục tiêu đầu tư dài hạn, lập kế hoạch phân bổ có chiến lược và cố gắng tìm cơ hội để cân bằng lại mục tiêu.

Không để nỗi sợ chi phối

Theo vị chuyên gia, yếu tố quan trọng thứ 2 để việc tái cân bằng có hiệu quả là duy trì sự đa dạng hóa.

"Có thể rủi ro trong danh mục đầu tư của các vị đã thay đổi. Việc tái cân bằng rủi ro là một phần quan trọng trong giai đoạn tiếp theo", ông lập luận.

"Phải thừa nhận rằng thời gian sắp tới sẽ có nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ suy thoái gia tăng", ông Sébastien Page - Trưởng bộ phận đa dạng tài sản kiêm CIO tại T. Rowe Price - bình luận.

"Lịch sử không đứng về phía chúng ta", ông nói thêm.

Ở 13 chu kỳ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kể từ Thế chiến II, 10 trong số đó kết thúc với một cuộc suy thoái. Đáng nói, FED chưa bao giờ khiến lạm phát giảm 4% trở lên mà không gây ra suy thoái.

"Dù vậy, tốt nhất là không nên hoảng loạn", ông Page đưa ra bình luận giống ông Aguilar.

"Hãy tiếp tục đầu tư và đa dạng hóa. Đó không phải lời khuyên mới, nhưng trong môi trường này, lời khuyên đó phù hợp hơn bao giờ hết", ông nhận định.

Trong những tháng tới, để có cơ hội kiếm lời, các nhà đầu tư và cố vấn tài chính có thể không hứng thú với công thức phân bổ danh mục đầu tư 60/40. Theo đó, 60% danh mục sẽ dành cho cổ phiếu, 40% còn lại là trái phiếu.

Đây là một chiến lược đầu tư có rủi ro không lớn. Bởi 2 loại tài sản này thường diễn biến trái chiều nhau. Khi cổ phiếu hoạt động kém hiệu quả, trái phiếu có thể đóng vai trò bệ đỡ. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, lãi suất tăng cao đã tác động xấu tới cả cổ phiếu và trái phiếu.

Tìm lựa chọn thay thế

"Bí quyết là tìm ra những tài sản không tuân theo xu hướng chung của thị trường. Điều này có thể dẫn tới sự tăng trưởng bất ngờ trong làn sóng bán tháo", ông Page chia sẻ.

Trong số 40% phân bổ vào trái phiếu, ông Page cho biết 12% sẽ dành cho các khoản đầu tư thay thế, bao gồm cả những khoản đầu tư thanh khoản cao và kém thanh khoản hơn, hàng hóa và một số tài sản khác.

"Nhìn chung, chúng ta nên tìm kiếm những lựa chọn thay thế, bởi lãi suất đang biến động và lạm phát tăng cao", ông Page giải thích.

Còn theo ông Aguilar, điều quan trọng là nhìn xa hơn sự biến động trong ngắn hạn và xác định rõ lý do nên đưa một tài sản vào danh mục đầu tư.

Theo ông, nhiều người cho rằng tiền mã hóa và các tài sản kỹ thuật số là hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Tuy nhiên, không có mối liên quan trực tiếp giữa lạm phát và cấu trúc của các loại tài sản đó,

"Một số người có thể muốn giữ tiền mặt và coi đó như một nơi 'trú ẩn an toàn'. Nhưng về lâu dài, đó sẽ không phải là một chiến lược tốt", ông bình luận.

"Thay vì cân nhắc xem nên giữ tiền hay không, tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa và giữ nguyên tắc sẽ là một chiến lược tốt hơn trong dài hạn", vị chuyên gia nói thêm.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE