Đa dạng chủng loại tạo lợi thế cho gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 đạt hơn 7 triệu tấn, thu về 3,5 tỷ USD – vượt xa so với kế hoạch. Đáng chú ý, giá gạo của Việt Nam đang cao nhất thế giới và lượng gạo xuất khẩu sang thị trường giá trị cao cũng tăng đáng kể.
Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long
Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long

Điều này cho thấy hạt gạo Việt Nam đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

Trước thềm năm mới, chúng tôi trò chuyện cùng ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, người trong cuộc đã chứng kiến nhiều sự đổi mới của ngành gạo Việt Nam.

Xin ông cho biết thương mại gạo toàn năm 2022, dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2023 và mức độ tham gia của Việt Nam trong thương mại gạo toàn cầu?

Tổng sản lượng toàn cầu năm 2022 khoảng 512,8 triệu tấn gạo và quy mô thương mại gạo toàn cầu năm 2022 là 52,6 triệu tấn.

Sản xuất khoảng 24 triệu tấn gạo/năm, ngoài lượng gạo để tiêu dùng trong nước hàng năm Việt Nam xuất khẩu trên dưới 6,5 triệu tấn gạo/năm, chiếm 27,08% tổng sản lượng gạo cả nước. Từ trước đến nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ổn định và có nhiều nước nhập khẩu là khách hàng truyền thống đã rất tin tưởng dù trong bất kỳ tình huống nào Việt Nam đều xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo/năm, và năm nào thuận lợi có thể lên tới 7 triệu tấn, như năm 2022 có thể đạt 7,2 triệu tấn.

Thương mại gạo toàn cầu năm 2022 được dự báo là 54 triệu tấn/năm nhưng đã giảm nhẹ và chỉ đạt 52,6 triệu tấn, tuy nhiên, Việt Nam lại tăng xuất khẩu trong bối cảnh thế giới lo lạm phát đẩy giá lương thực tăng cao ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Rõ ràng Việt Nam đang đóng góp rất tích cực vào thương mại gạo toàn cầu và an ninh lương thực thế giới và thế giới cũng rất quan tâm đến năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam và Thái Lan vẫn duy trì ở top 3 các nước xuất khẩu gạo nhưng Thái Lan xuất khẩu có năm lên hàng chục triệu, có năm chỉ khoảng 7 hoặc 8 triệu tấn, trong khi đó xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn ổn định quanh mức 6,5 triệu tấn. Nếu những năm được mùa và giá xuất khẩu tốt thì Việt Nam tăng quy mô xuất khẩu lên.

Có ý kiến cho rằng “Nhờ đa dạng về chủng loại, giá cả cạnh tranh nên người mua có nhiều sự lựa chọn, giúp gạo Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường xuất khẩu”, còn ý kiến của ông như thế nào?

Cách đây 10 năm khi Tân Long tiếp cận ngành gạo, lúc đó sản xuất lúa tập trung vào các loại gạo có phẩm cấp thấp và bán buôn là chính.

Về căn bản Việt Nam đã có rất nhiều giống gạo hạt dài, và từ năm 2018 có thêm giống lúa ST21 đã thành danh trên thị trường và thay thế cho giống lúa thơm Jasmine có năng suất giảm. Năm 2019 có thêm ST24 và cuối năm 2020 bắt đầu phát triển được giống lúa ST25. Dòng gạo ST cộng với những giống lúa thơm như Jasmine, DT8, OM18 … đã giúp Việt Nam căn bản chuyển được 70% - 80% diện tích sản xuất gạo thơm.

Qua đó cho thấy công tác chọn tạo giống lúa của Việt Nam đã rất thành công và đặc biệt, gạo Việt Nam đa dạng hơn rất nhiều nước xuất khẩu gạo khác.

Ví dụ, Trung Quốc có gạo hạt trung, hạt ngắn nhưng không có gạo hạt dài, và không có những giống gạo thơm danh tiếng như Việt Nam. Thái Lan có gạo hạt dài, gạo thơm nhưng chỉ có gạo Jasmines và Thái Hommali và gạo không thơm. Campuchia có gạo thơm nhưng không duy trì được chất lượng giống nên các giống gạo thơm của Campuchia đã giảm uy tín và chất lượng rất nhiều.

Riêng gạo thơm, Việt Nam có 6, 7 loại và mỗi loại phục vụ cho một nhóm thị trường, và Đồng bằng sông Cửu Long đã rất chuyên nghiệp hóa cho việc phục vụ xuất khẩu.

Ví dụ, thị trường Trung Quốc thích gạo ST21 thì bà con trồng loại gạo này để tiêu dùng trong nước và vẫn xuất khẩu được. Hàng năm Philippines nhập khẩu hàng triệu tấn gạo DT8 và OM18, những giống gạo thơm này cũng xuất vào thị trường châu Phi rất nhiều.

Rõ ràng sự đa dạng về giống lúa của Việt Nam cũng chính là thương hiệu của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Nhờ vậy tính đa dạng mà Việt Nam tham gia vào tất cả các gói thầu của thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật Bản là thành công lớn chứng tỏ gạo Việt Nam đa dạng, nhưng quan trọng là gạo của chúng ta có thể vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe của Nhật Bản.

Để xuất khẩu được những lô hàng gạo vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản các chuyên gia của họ đã vào Việt Nam đến các kho gạo của Tân Long để tìm hiểu về gạo của chúng ta nhiều hơn. Như vậy gián tiếp chúng ta đã giới thiệu nền công nghiệp lúa gạo của mình đến bạn bè quốc tế.

Năm 2017, Tân Long trúng thầu 30.000 tấn gạo đi Hàn Quốc, giao hàng vào cuối năm và đang thực hiện gói thầu 50.000 tấn đầu năm 2018 thì có một vị chuyên gia đầu ngành kiểm định của Công ty PNP, đơn vị kiểm định độc lập được Chính phủ Hàn Quốc tin tưởng và phần lớn các quan chức làm trong ngành kiểm soát chất lượng thực phẩm của Hàn Quốc sang Việt Nam mở công ty kiểm định thực phẩm để xuất khẩu vào Hàn Quốc.

Khi kiểm tra các lô hàng của Tân Long vị chuyên gia này họp với 20 nhân viên kiểm định người Hàn Quốc để tư vấn cho họ thì ông có nói: “Trước đây chúng ta tự hào Hàn Quốc sản xuất gạo rất tốt và hạt gạo của chúng ta rất đẹp nhưng hôm nay khi đến đây kiểm tra những lô gạo đến vài chục ngàn tấn như thế này, thì chúng ta phải công nhận là gạo Việt Nam đẹp hơn, bóng hơn gạo Hàn Quốc, họ làm mọi thứ rất đơn giản trong quy mô rất lớn, và Hàn Quốc không bao giờ làm được vì ruộng và nhà máy xay xát của Hàn Quốc đều rất nhỏ, chỉ bằng một phân xưởng hay một xí nghiệp địa phương ở Việt Nam, mặc dù kho bãi thì rất tuyệt vời. Vì vậy, từ hôm nay phải thay đổi cách nhìn của chúng ta về gạo Việt Nam".

Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn rất chú trọng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, và mới đây gạo A An của Tân Long đạt được thương hiệu quốc gia. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Ngày 5/7/2019, ngày ra mắt thương hiệu gạo A An lúc đó thật sự là khởi nghiệp đến nay đã được 3 năm, và chúng tôi đã khẳng định sứ mệnh quan trọng nhất của A An là đạt chứng nhận thương hiệu gạo quốc gia, và năm 2022 chúng tôi đã làm được.

Thương hiệu quốc gia chính là giá trị cốt lõi của Việt Nam và mỗi một ngành nghề chỉ chọn một vài thương hiệu uy tín làm đại diện và A An tuy tham gia thị trường chưa lâu nhưng được nhà nước ưu ái quan tâm.

Thương hiệu quốc gia không phải là giải thưởng để khích lệ và để xét chọn có một đoàn của Bộ Công Thương đánh quy trình từ chuỗi cung ứng; nguồn lực tài chính dành cho sản xuất và thu mua; vùng nguyên liệu đầu vào; quy trình quản trị nhà cung cấp và tính minh bạch trong hoạch định về giá thành; độ phủ của thương hiệu và quan trọng nhất đó là chi phí hàng năm trong doanh thu tỷ trọng dành bao nhiêu % cho nghiên cứu phát triển sản phẩm, và đầu tư cho công nghệ để duy trì năng lực tiên phong của doanh nghiệp trong vấn đề chất lượng.

Ví dụ trong ngành gạo nếu có gì mới thì doanh nghiệp phải là người làm mới đầu tiên.

Sau hàng chục năm phát triển xuất khẩu gạo Việt Nam lúc nào cũng chiếm khoảng 13% - 15% tổng quy mô thương mại gạo toàn cầu nhưng chúng ta vẫn chưa có một thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia. Vì vậy khi đạt thương hiệu quốc gia đã tạo nguồn cảm hứng cho chúng ta đạt được một vị thế tiên phong trong lĩnh vực này.

Sau khi đạt thương hiệu gạo quốc gia thì chiến lược phát triển của A An trong thời gian tới là gì?

Thứ nhất, điểm bán hàng

Chúng tôi đang tập trung vừa phát triển vừa mở rộng quy mô mạng lưới phân phối. Hiện mạng lưới phân phối phủ được gần như cả nước nhưng độ dày của điểm bán thì chưa đạt yêu cầu, vì trong quá chiến lược phát triển đến năm 2030 có thể đạt 200.000 điểm bán bán hàng tạp hóa trên cả nước.

A An đã thuyết phục được các nhà phân phối ở 50 tỉnh/thành và sắp tới sẽ là cả nước trở thành điểm bán gạo. Kênh này vừa rẻ vừa tạo ra công ăn việc làm lại vừa có độ phủ cao, nếu đạt được 150.000 điểm bán xấp xỉ 10% điểm bán tạp hóa cả nước (cả nước có 1,5 triệu điểm bán tạp hóa).

Gạo A An đạt thương hiệu quốc gia năm 2022

Thứ hai, phát triển vùng nguyên liệu

Thật ra khi phát triển vùng nguyên liệu không hẳn là phải ký hợp đồng liên kết bao tiêu nhiều.

Ở vùng nào nông dân đã làm tốt rồi thì thu mua, những vùng nào cần truy xuất nguồn gốc thì liên kết với nông dân để hoạt động bao tiêu trong mô hình cánh đồng lớn. Cánh đồng lớn vẫn là đề án dài hạn Tân Long đang định hướng để làm sao cộng hưởng nâng lên thành vùng nguyên liệu.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng phải tốt

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa thất thoát chung sau thu hoạch do sấy không kịp thời của doanh nghiệp và nông dân khoảng 8%. Do Vậy doanh nghiệp phải bù lại bằng chất lượng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hiện đại phù hợp để giữ được chất lượng lúa gạo.

Xây dựng thương hiệu là phải giữ vững chất lượng sản phẩm phải ổn định không được phập phù. Bên cạnh đó phải có tính chủ động trong vấn đề xử lý sau thu hoạch. Với Tân Long còn một vấn đề quan trọng đó là cam kết không đấu trộn và phục vụ thị trường lớn rất rộng từ bán lẻ, bán buôn đến xuất khẩu. Như vậy thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là phải có năng lực tạm giữ đủ tốt.

Ví dụ, lúa ST25 ở vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu xuống giống vào tháng 9, Kiên Giang xuống giống tháng 10 và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2 là cho chất lượng ngon nhất, nhưng làm sao đến tháng 12 vẫn còn hàng mà chất lượng vẫn đảm bảo?

Để trả lời câu hỏi này Tân Long đang tập trung xây dựng các cơ sở sấy lúa ở Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu vì nơi đây đang thiếu lò sấy. Nếu các lò sấy đặt tại các vùng sản xuất lúa Bạc Liêu, Sóc Trăng thì chất lượng gạo ST24, ST25 sẽ ngon hơn nữa. Các lò sấy xong ngoài phục vụ cho công ty có thể sấy gia công cho các hợp tác xã và nông dân trong vùng.

Trong 5 năm tới đại diện cho gạo chất lượng cao Việt Nam là ở vùng lúa này, vì vậy, địa phương rất muốn các doanh nghiệp về đây đầu tư lò sấy lúa, nếu làm được điều này thì đầu ra của hạt gạo không phải lo.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo AP Vững vàng phía trước

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Chat với BizLIVE