Cuộc chiến không hồi kết giữa những “gã khổng lồ” mạng xã hội và các chính phủ

Chính phủ New Zealand đang chuẩn bị một dự luật truyền thông nhằm buộc các công ty công nghệ thông tin khổng lồ như Meta, Google phải đàm phán thương mại với các hãng xuất bản tin tức của New Zealand.
Biểu tượng của công ty công nghệ Facebook. Ảnh: Reuters
Biểu tượng của công ty công nghệ Facebook. Ảnh: Reuters

Chính phủ New Zealand đang chuẩn bị một dự luật truyền thông, trong đó buộc các công ty công nghệ thông tin khổng lồ như Meta, Google phải đàm phán thương mại với các hãng xuất bản tin tức của New Zealand, tương tự như những gì mà Chính phủ Australia đã thực hiện.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, nhà báo Zoe Samios cho biết, bước đi của New Zealand diễn ra trong bối cảnh Australia đang tiến hành đánh giá tính hiệu quả của Luật truyền thông được ban hành vào năm ngoái và Quốc hội Canada đang xem xét phê duyệt một Dự luật Tin tức trực tuyến, nhằm buộc các “gã khổng lồ” công nghệ Meta và Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản địa phương.

Mục đích của Dự luật Tin tức trực tuyến là để bảo vệ tương lai của nền báo chí trong nước và cho phép người dân Canada tiếp cận với những tin tức đáng tin cậy, có thẩm quyền.

Sự vào cuộc của New Zealand và Canada

Tuần trước, Meta – công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook – đã đe dọa sẽ chặn chia sẻ nội dung tin tức của các nhà xuất bản Canada trên nền tảng kỹ thuật số của Facebook, để phản đối Dự luật Tin tức Trực tuyến.

Dự luật này được Ottawa đưa ra vào tháng 4/2022, trong đó đặt ra các quy tắc buộc các nền tảng như Facebook và Google phải đàm phán thương mại và trả tiền sử dụng nội dung cho các nhà xuất bản tin tức nội địa – một động thái tương tự với Đạo luật Truyền thông đã được Quốc hội Australia thông qua vào năm ngoái.

Đạo luật Truyền thông của Australia được ban hành sau một "cuộc chiến" kéo dài giữa Australia và hai nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất thế giới là Meta và Google. Đạo luật này tập trung vào việc ban hành quy định thương lượng truyền thông bắt buộc giữa các mạng xã hội trực tuyến và các nhà xuất bản tin tức nội địa, liên quan tới việc chia sẻ nội dung thông tin trên Internet.

Đạo luật được đưa ra sau khi cơ quan quản lý cạnh tranh của Australia xác nhận rằng đã có sự mất cân bằng trong khả năng thương lượng giữa các công ty truyền thông trong nước và các nền tảng kỹ thuật số. Việc tạo lập khung pháp lý được coi là "chỗ tựa" vững chắc, giúp các nhà xuất bản, hãng báo chí Australia lấy lại phần doanh thu bị mất từ sự trỗi dậy nhanh chóng của hai “gã khổng lồ” công nghệ Google và Meta.

Mặc dù Australia đã đạt được mục tiêu hòa giải với các đại gia công nghệ toàn cầu và thành công ban hành Đạo luật. Tuy nhiên, sự miễn cưỡng hợp tác của Google và Meta tại nước này và cả ở các thị trường khác trên thế giới đang khiến các nhà cung cấp tin tức địa phương băn khoăn về việc liệu có cần tăng cường hơn nữa những động thái vĩ mô, nhằm đảm bảo rằng các thỏa thuận thương mại đã được ký kết sẽ tiếp tục được gia hạn vào năm sau.

Theo tác giả, Đạo luật Truyền thông đã giúp nhiều nhà xuất bản báo chí của Australia như Tập đoàn Nine Entertainment Co, News Corp Australia, The Australia, Herald Sun, ABC và Guardina Australia… ký kết được các thỏa thuận thương mại với Facebook và Google, mang lại một nguồn doanh thu đáng kể. Để nắm bắt tình hình, đầu năm nay, Australia đã yêu cầu các nhà xuất bản tin tức phải báo cáo ý kiến về tính hiệu quả của đạo luật.

Nhiều nguồn tin liên quan cho biết Trợ lý Bộ trưởng Ngân khố Australia Stephen Jones sẽ hoàn thiện báo cáo vào cuối năm nay. Việc xem xét, đang được điều hành bởi Bộ Ngân khố Australia, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2022, nhưng đã bị trì hoãn và hiện mới dừng ở bước cung cấp tài liệu cho các bộ trưởng liên quan, bao gồm cả Bộ trưởng Truyền thông Michelle Rowland.

Meta và Google trước đây từng nêu quan ngại rằng luật mà Chính phủ Australia ban hành sẽ trở thành tiền đề để các chính phủ khác noi theo và có khả năng khiến họ phải trả hàng triệu USD cho các nhà xuất bản trên toàn thế giới.

Biểu tượng của Google tại Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mối quan tâm đó giờ đây đang trở thành hiện thực, khi Canada chuẩn bị đưa ra đạo luật bắt buộc các nền tảng mạng xã hội toàn cầu phải thanh toán phí sử dụng tin tức cho các nhà xuất bản trong nước. Một số nguồn tin truyền thông giấu tên cho biết New Zealand cũng đang soạn thảo một đạo luật tương tự, vì nước này này không hài lòng với kết quả của các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan chính và các nền tảng kỹ thuật số.

Nếu Dự luật Tin tức trực tuyến của Canada được Hạ viện thông qua, thì nước này sẽ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới ban hành luật, buộc các nền tảng mạng xã hội phải thanh toán cho nội dung mà các nhà xuất bản tin tức tạo ra. Một ước tính của chính phủ Canada cho thấy Google và Facebook có thể sẽ phải thanh toán khoản tiền lên đến 329,2 triệu CAD (241,82 triệu USD) mỗi năm, nếu quốc gia này thông qua đạo luật.

Phản ứng từ các "Big Tech"

Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ Meta. Tuần trước, Meta đã cảnh báo rằng họ sẽ chặn việc chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng của Facebook tại Canada, vì lo ngại về luật pháp.

Vào năm ngoái, khi đạo luật chuẩn bị được áp dụng ở Australia, Meta cũng đã thực hiện việc cắt bỏ toàn bộ nội dung của bên thứ ba khỏi phần hiển thị của mạng xã hội Facebook trong hơn một tuần, trong khi Google đe dọa "đóng" công cụ tìm kiếm tại Australia.

Tại New Zealand, trong vài tháng qua, các nhà xuất bản địa phương đã nỗ lực đấu tranh nhằm gây áp lực lên chính phủ, buộc nước này phải hỗ trợ thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại giữa hãng tin tức nội địa và những “gã khổng lồ” mạng xã hội, sau khi một số tòa soạn cho biết họ không đạt được thỏa thuận tự nguyện với Google và Meta.

Tính đến thời điểm hiện tại, ở New Zealand, chỉ có ba đơn vị xuất bản đạt được thỏa thuận chia sẻ doanh thu với Google và Meta, bao gồm NZME, The Spinoff và Newsroom. Vào đầu tháng 8/2022, Bộ trưởng Phát thanh truyền hình Willie Jackson tuyên bố ông đã hết kiên nhẫn trong việc chờ đợi những “gã khổng lồ” Internet, như Google và Meta, thực hiện nhiều thỏa thuận hơn nữa để hỗ trợ các hãng truyền thông tin tức trong nước.

Ông Willie Jackson tiết lộ ông đã chuẩn bị một phương án dự phòng trong quyền hạn của mình và cho biết, Dự luật Tin tức Truyền thông đang được đệ trình tại Canada có thể cung cấp một mô hình cho Chính phủ New Zealand nếu họ quyết định can thiệp.

Một số nguồn tin nội bộ khẳng định Bộ trưởng Jackson đang dành thời gian nghiên cứu và một bản dự thảo luật về truyền thông đã được gửi tới các bộ trưởng chủ chốt để xin ý kiến đóng góp.

Phát ngôn viên của Bộ Văn hóa và Di sản New Zealand nói: "Bộ Văn hóa và Di sản đang xem xét các lựa chọn, để hỗ trợ các công ty truyền thông của New Zealand đạt thỏa thuận thương mại với các nền tảng kỹ thuật số, nếu việc bồi thường tài chính không thành hiện thực, thông qua các cuộc đàm phán hiện tại".

Khi Đạo luật Truyền thông được ban hành tại Australia, chính phủ nước này đã đồng ý rằng luật sẽ không áp dụng, hoặc không được “chỉ định”, cho Google hoặc Meta, với điều kiện là hai công ty phải nỗ lực đàm phán và đạt được thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản tin tức địa phương, để sử dụng nội dung tin tức của họ.

Nhưng việc Meta từ chối đàm phán với một số hãng báo chí lớn như SBS đã khiến Australia chịu áp lực phải xem xét lại sự nhượng bộ này. Từ đầu năm nay, Meta đã công bố kế hoạch sẽ phân bổ lại các nguồn lực từ nền tảng "tab" Tin tức của Facebook.

Công ty này viện dẫn lý do để tập trung nhiều hơn vào "nền kinh tế sáng tạo". Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát trong ngành tin rằng Meta sẽ sử dụng sự thay đổi chiến lược này để né tránh pháp luật.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE