Cuộc chạy đua “tiêu diệt” lạm phát trên toàn cầu sẽ rất nóng trong tuần tới

Hàng loạt ngân hàng trung ương khắp các nước trên thế giới dự kiến sẽ nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát hiện đã tăng quá nóng tại nhiều nước trên thế giới.
Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Ngân hàng trung ương các nước trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại lạm phát cao trong tuần này dù rằng các yếu tố dễ gây tổn thương trong nội tại nền kinh tế của họ đang ngày một rõ ràng hơn.

Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách khu vực Bắc Bán cầu dự kiến sẽ có thêm các biện pháp cứng rắn nhằm xử lý lạm phát. Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, chỉ một ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương Canada nhiều khả năng cũng điều chỉnh lãi suất với mức độ tương tự.

Vào ngày thứ Ba, Australia và Chile nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất khoảng nửa điểm phần trăm. Ít nhất ngoài ra còn 5 ngân hàng trung ương khác trên thế giới dự kiến cũng sẽ nâng lãi suất trong tuần sắp tới.

Tất cả các ngân hàng trung ương nói trên đều đang hướng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tại thành phố Toronto - Canada, giá nhà đã giảm 16% tính từ tháng 3/2022 khi mà tỷ lệ thế chấp tăng lên còn tại Australia, giá nhà tại Sydney đã giảm 5% trong 3 tháng vừa qua.

Tại châu Âu, khi mà chu kỳ nâng lãi suất mới chỉ vừa bắt đầu, các nhà hoạch định chính sách đang phải tính đến khả năng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm và khả năng Nga đóng cửa hoạt động cung ứng khí đốt gây tổn hại đến nền kinh tế.

Các khung chính sách tiền tệ như vậy chỉ coi như khởi đầu cho một tháng quan trọng của việc siết chặt chính sách tiền tệ. Cuối tháng 9/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp và dự kiến sẽ có thêm lần nâng lãi suất khác ít nhất nửa điểm phần trăm.

Tại nơi khác, Anh dự kiến sẽ có Thủ tướng mới kế vị thay thế ông Boris Johnson, ngoài ra, nhiều nước khác từ Nga cho đến Mexico dự kiến cũng sẽ công bố số liệu về lạm phát.

Tại Mỹ, chủ tịch Fed Jerome Powell và đại diện nhiều ngân hàng trung ương khác sẽ đưa ra quan điểm của mình trong tuần cuối cùng trước khi giới chức các nước bước vào khoảng thời gian im ắng trước thềm cuộc họp bàn về định hướng chính sách ngày 20-21/9/2022.

Trong tuần, phó chủ tịch Fed Lael Brainard và chủ tịch Fed lần lượt sẽ có những bài phát biểu. Sang đến ngày thứ sáu, thống đốc Fed Christopher Waller cũng sẽ có những chia sẻ quan điểm về đường hướng chính sách tiền tệ.

Tuần tới, không nhiều số liệu kinh tế quan trọng được công bố, nổi bật nhất chỉ có chỉ số của ngành dịch vụ Mỹ tháng 8/2022, thâm hụt thương mại Mỹ tháng 7/2022 và số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.

Tại châu Á, Ngân hàng Dự trữ Australia nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất nửa điểm phần trăm vào ngày thứ Ba, như vậy chi phí mà các hộ gia đình nước này phải gánh chịu sẽ cao hơn rất nhiều, tuy nhiên ngân hàng trung ương không còn lựa chọn nào khác hơn ngoài việc kiềm chế lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia nhiều khả năng sẽ nói đến định hướng chính sách trong bài phát biểu vào ngày thứ Năm.

Tại Nhật, nơi mà lạm phát đang trở nên tồi tệ hơn do đồng yên yếu, các con số mới nhất về lương và chi tiêu các hộ gia đình của nước này sẽ cho thấy thực tế thu nhập đang giảm và ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda cho rằng tăng trưởng mức lương cần phải cao hơn để có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Số liệu tăng trưởng kinh tế điều chỉnh dự kiến công bố vào ngày thứ Năm sẽ cho thấy quá trình phục hồi của kinh tế trong quý 2/2022 có nhích lên một chút.

Đảng Bảo thủ của Anh dự kiến sẽ có nhà lãnh đạo mới vào ngày thứ Hai kế nhiệm cho ông Johnson trong cương vị Thủ tướng đồng thời bù đắp vào khoảng trống quyền lực sau khi ông từ nhiệm 2 tháng trước đó.

Ngoại trưởng Liz Truss nhiều khả năng sẽ lên thay thế ông. Bà đương đầu với cuộc khủng hoảng của chi phí cuộc sống leo thang, các nhà đầu tư toàn cầu vô cùng hoài nghi về triển vọng của nền kinh tế.

Vào ngày thứ Tư, thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, số liệu về số lượng đơn đặt hàng các nhà máy công bố vào ngày thứ Ba và sản xuất công nghiệp công bố ngày trước đó sẽ cho thấy các nhà sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề ra sao do giá năng lượng cao và nguồn cung hạn chế.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE