Quay về eMagazine
“CPI tăng thấp nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít”

“CPI tăng thấp nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít”

CPI tháng 8 và bình quân 8 tháng năm 2021 tăng thấp nhưng nguyên nhân chủ yếu không phải do giá cả hàng hóa ổn định mà do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh dịch bệnh và thu nhập bị ảnh hưởng. 
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.
Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.
Tháng 8 cũng là tháng ghi nhận ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát dịch thứ tư cho đến nay, nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thậm chí 16+, giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm tăng cao do người dân tăng tích trữ, trong khi nguồn cung bị hạn chế, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.
Thế nhưng mức tăng của CPI tháng 8 chỉ tăng 0,25% so với tháng trước. Điều này khiến một số ý kiến băn khoăn mức tăng này liệu đã phản ánh đúng thực tế và liệu CPI tăng thấp, người dân có được hưởng lợi, đồng thời, trong bối cảnh diễn biến dịch còn phức tạp, CPI các tháng cuối năm sẽ diễn biến ra sao?
BizLIVE có cuộc trao đổi với một số chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
CPI tháng 8 có thể thấp hơn thực tế
Trao đổi với BizLIVE, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), giảng viên cao cấp về Kinh tế Vĩ mô tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mức tăng 0,25% của CPI tháng 8 không phản ánh đúng thực tế, đặc biệt là những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội - nơi chi phí tiêu dùng tăng rất cao.
Ông Phạm Thế Anh phân tích, nếu chỉ tăng 0,25% so với tháng trước thì gần như không thay đổi, ví dụ tháng trước một lần đi chợ hết 100 nghìn đồng thì tháng này hết 100 nghìn 250 đồng, mức thay đổi này không đáng kể. Thế nhưng thực tế, người dân đi chợ có thể nhận thấy rất rõ giá cả của nhiều mặt hàng đội lên cao, đặc biệt là những thành phố lớn đang thực hiện giãn cách. Cho nên con số này không đúng thực tế.
"CPI là con số thống kê phản ánh thực tiễn, nếu nó phản ánh đúng thực tiễn đang diễn ra mới có giá trị tham khảo, còn nếu lệch quá xa so với thực tiễn thì không có giá trị tham khảo đối với những người làm hoạch định chính sách, những người làm nghiên cứu", PGS.TS. Phạm Thế Anh nói.
Để con số thống kê CPI sát với thực tế hơn, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng cơ quan thống kê phải minh bạch phương pháp, ngay từ rổ hàng hóa tính toán cho đến tỷ trọng các hàng hóa trong rổ.
Thứ nữa, trong nền kinh tế hiện đại với nhiều kênh bán lẻ khác nhau, việc điều tra giá cả chủ yếu qua các chợ truyền thống sẽ không đầy đủ và có thể bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
“CPI tăng thấp nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít” ảnh 1
Vị chuyên gia này tỏ ra băn khoăn như trong tháng 8 vừa qua tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành, nhiều chợ truyền thống bị đóng cửa, vậy việc điều tra giá cả sẽ thực hiện kiểu gì, hơn thế nữa giá cả ở chợ cũng rất dễ bị sai lệch vì hỏi các tiểu thương có thể mỗi người trả lời một kiểu, cùng một mặt hàng nhưng có thể có giá khác nhau, không ai giám sát được… Như vậy, thông tin khá kém minh bạch, dễ sai lệch.
Trong khi đó, hiện nay hệ thống bán lẻ hiện đại rất phát triển từ các chuỗi siêu thị cho đến các cửa hàng tiện lợi… với giá hàng hóa niêm yết công khai tại siêu thị, trên website, ai cũng giám sát được nhưng cơ quan thống kê lại chưa dựa nhiều vào nguồn số liệu này.
"Thống kê phải minh bạch phương pháp tính toán, phương pháp lấy mẫu và dựa vào những thông tin mà người dân có thể giám sát được, như thế mới có ý nghĩa", TS. Phạm Thế Anh nói.
Cầu giảm khiến giá cả không tăng được
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại nhìn nhận CPI tháng 8 và bình quân 8 tháng năm 2021 khá thấp.
Với CPI tháng 8/2021 chỉ tăng 0,25% so với tháng trước, và bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, ông Phú cho rằng một phần nguyên nhân là do việc áp dụng các biện pháp giãn cách khiến người dân hạn chế ra đường, nên mọi hoạt động mua bán hàng hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ bị ngưng trệ, khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ không tăng được.
Ngoài ra, cũng do đại dịch khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nên hai năm qua lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp xã hội không tăng, khiến thu nhập của hàng chục triệu người không được cải thiện, buộc họ phải “thắt lưng, buộc bụng”, chỉ chi tiêu những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và dành một phần để phòng bất trắc. Cầu giảm khiến giá cả không tăng được.
Do đó, ông Phú cho rằng, CPI tăng thấp, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít, người sản xuất thậm chí còn bị thua lỗ do đầu vào tăng, trong khi đầu ra giảm rất mạnh. Phần lớn lợi nhuận rơi vào khâu trung gian.
Phân tích ở góc độ chuyên môn, ông Phú cho biết: "Nếu CPI tăng thấp hoặc âm thì không tốt. Mức tăng của CPI hợp lý nên bằng 70% mức tăng trưởng của GDP. Như vậy nếu GDP năm nay khoảng hơn 6% như mục tiêu nhưng theo tôi khả năng đạt là khó, chỉ khoảng 5,6-5,7% thì CPI ở mức khoảng 4% là hợp lý, còn nếu 2% thì kể cả người sản xuất và người tiêu dùng đều không có lợi".
“CPI tăng thấp nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít” ảnh 2
Cụ thể, về phía người sản xuất giá bán các sản phẩm thấp quá chắc chắn bất lợi cho người sản xuất. Ngược lại với người tiêu dùng, hiện nay khâu phân phối trải qua rất nhiều trung gian cho nên đi từ nơi sản xuất đến nơi bán lẻ đã tăng 2-3 lần.
Đặc biệt, trong tháng 8 khi việc giãn cách xã hội tăng cường khiến việc lưu thông hàng hóa càng khó khăn, giá lương thực đã tăng 0,69% so với tháng trước, giá thực phẩm tăng 0,97%, trong đó giá thịt gia cầm, trứng, thủy sản, rau quả tươi,... đều tăng mạnh. Giá thịt lợn mặc dù có giảm so với tháng trước song vẫn "đang cao vô lý", đáng ra chỉ khoảng 120 nghìn đồng/kg nhưng hiện nay giá bán tại chợ khoảng 150 nghìn đồng/kg trong khi ở siêu thị bình quân khoảng 200 nghìn đồng/kg. Nếu trừ 10 VAT đi giá thịt ở siêu thị vẫn cao hơn giá chợ khoảng 15%.
Cho nên, để cả người tiêu dùng và người sản xuất đều được hưởng lợi thì nên thiết kế lại chuỗi lưu thông hàng hóa theo hướng bỏ bớt các khâu trung gian để hàng hóa sản xuất ra được đem thẳng tới siêu thị, chợ dân sinh.
CPI cả năm 2021 khoảng 3,5-3,6%
Về dự báo CPI cả năm 2021, ông Phú cho rằng, nếu không có quá nhiều biến động ở các tháng cuối năm, CPI cả năm 2021 khoảng 3,5-3,6%.  
Mặc dù dự báo CPI cả năm trong tầm kiểm soát nhưng ông Phú lưu ý không nên chủ quan. Bởi nếu dịch được khống chế, chi tiêu cuối năm sẽ tăng. Thêm vào đó, một số biến động đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu trên thị trường thế giới có thể tăng nên cũng cần cẩn trọng.
Về giải pháp để kiểm soát CPI, ông Phú nhấn mạnh trước hết phải quan tâm đến điều hành các mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá xăng dầu để ổn định đầu vào cho các doanh nghiệp, nên thực hiện dự trữ xăng dầu như nhiều nước trên thế giới.
Cùng với đó là phải tìm cách tự túc các nguyên phụ liệu, nhất là trong ngành dệt may, da giày thông qua việc tìm kiếm từ các thị trường ngách thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ như hiện nay.
Còn đối với hàng tiêu dùng trong nước, ông Phú cho rằng phải ổn định giá thịt lợn, kích thích chăn nuôi trong nước cuối năm để đảm bảo nguồn cung, nếu không giá thịt tăng giá sẽ ảnh hưởng đến CPI bởi 70% tiêu dùng thịt hiện nay là thịt lợn.
“CPI tăng thấp nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít” ảnh 3
Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó tiêu dùng mặc dù ảnh hưởng của dịch nhưng sức mua không bị ảnh hưởng lắm, tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng vẫn tăng so với năm ngoái. Ông Phú hy vọng dịch sớm được kiểm soát, sức mua của người dân sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm.
Một vấn đề nữa, theo ông Phú là phải giảm các chi phí cho doanh nghiệp như phí cầu đường, phí xét nghiệm, tiền điện, tiền nước... Đồng thời, phải xem xét điều chỉnh hạ lãi suất cho vay để doanh nghiệp có thể vay vốn đầu vào.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh "điều hành CPI phải xem trọng, theo sát từng tháng, từng quý, bám sát và điều chỉnh phù hợp, không nên tung những chính sách nhạy cảm như tăng học phí, dịch vụ y tế hay xăng dầu ở những thời điểm không hợp lý".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE