Công nghệ sinh trắc học quản lý công dân ở Việt Nam có gì đặc biệt?

Theo thông tin từ tập đoàn NEC (Nhật Bản), Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý sinh trắc học của công ty với dữ liệu hơn 50 triệu người.
Việt Nam là quốc gia thứ 3 sử dụng công nghệ sinh trắc học của NEC cho dịch vụ công
Việt Nam là quốc gia thứ 3 sử dụng công nghệ sinh trắc học của NEC cho dịch vụ công

“NEC đang mở rộng hoạt động kinh doanh lĩnh vực xác thực sinh trắc học bằng cách giúp Việt Nam hiện đại hóa thẻ căn cước cho tất cả công dân từ 14 tuổi. Hiện thẻ này được liên kết với dữ liệu khuôn mặt và vân tay của 50 triệu người Việt”, tờ Nikkei Asia viết.

Đây là chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh sinh trắc học trên toàn cầu của tập đoàn Nhật Bản. Theo đó, NEC triển khai ở các quốc gia mới nổi, phát triển công nghệ và thiết lập các quy tắc bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn tội phạm giả dạng.

Theo Nikkei Asia, NEC cung cấp công nghệ dữ liệu sinh trắc học cho Bộ Công an Việt Nam. “Với cách cũ, thông tin ID của công dân được quản lý thông qua các tài liệu giấy. Nhưng khi quốc gia Đông Nam Á chuyển sang quản lý thông tin bằng kỹ thuật số, công nghệ xác thực của NEC được giới thiệu. Hơn 1.800 trung tâm được thành lập để đăng ký thông tin về khuôn mặt và dấu vân tay của công dân Việt”, bài viết trên Nikkei Asia có đoạn.

Việc xác minh danh tính của công dân bằng sinh trắc học có thể ngăn chặn rủi ro cấp trùng lặp thẻ căn cước cũng như việc sử dụng trái phép. Các dịch vụ hành chính như an sinh xã hội và thủ tục nộp thuế cũng sẽ dễ sử dụng hơn.

Công dân từ 14 tuổi được cấp căn cước công dân

Công dân từ 14 tuổi được cấp căn cước công dân

Việt Nam là quốc gia thứ 3 sử dụng hệ thống xác thực sinh trắc học để quản lý công dân, sau Ấn Độ và Nam Phi. NEC dự kiến có nhiều sự hợp tác hơn ở các nước mới nổi, nơi hệ thống quản lý thông tin chưa phát triển tốt.

Năm 2021, NEC đạt được độ chính xác cao nhất thế giới trong thử nghiệm nhận dạng khuôn mặt của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Nhật Bản. Công nghệ của NEC kết hợp học sâu (deep learning), hệ thống khớp hình ảnh với các hướng khác nhau trên khuôn mặt sử dụng hình ảnh có độ phân giải thấp được chụp từ máy ảnh số. Hệ thống sinh trắc học này áp dụng thành công trên quy mô lớn như quản lý định danh toàn bộ thành viên tham gia Thế vận hội và Paralympic Tokyo 2021.

Tại Việt Nam, hệ thống sinh trắc học đa phương thức của NEC có thể mở rộng ngoài việc sử dụng dữ liệu từ nhận dạng vân tay và khuôn mặt. NEC cũng hoàn thành quá trình tích hợp 16 triệu ID từ hệ thống trước đó vào dữ liệu mới. Công nghệ của NEC cung cấp quy trình xác thực an toàn và chuẩn hóa, đồng thời ngăn chặn các danh tính trùng lặp hoặc gian lận, đồng thời đảm bảo các dịch vụ liên quan được cung cấp cho đúng người.

“NEC tự hào đóng góp một phần trong việc hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam với việc hiện đại hóa hệ thống căn cước công dân quốc gia. Các giải pháp dựa trên sinh trắc học và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của chúng tôi cũng được triển khai rộng rãi trong các lĩnh vực bao gồm kiểm soát biên giới và các chương trình du lịch hàng không thông suốt trên phạm vi quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục các đổi mới để đóng góp hơn nữa vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thúc đẩy tang trưởng của Việt Nam”, Masakazu Yamashina - Phó chủ tịch điều hành NEC Corporation cho biết.

Các công nghệ sinh trắc học của NEC

Các công nghệ sinh trắc học của NEC

Theo thông tin giới thiệu trên trang chủ của NEC, công ty đi đầu trong lĩnh vực xác thực sinh trắc học. Từ những năm 1970, NEC nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ xác thực sinh trắc học như nhận dạng dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt. Hiện tại, NEC cũng phát triển nhận dạng mống mắt, nhận dạng giọng nói.

NEC triển khai hơn 1.000 hệ thống với công nghệ nhận dạng khuôn mặt và vân tay tại hơn 70 quốc gia và khu vực trên thế giới. Bên cạnh lực lượng cảnh sát và hệ thống chính quyền điện tử, các sản phẩm và giải pháp của NEC được triển khai cho nhiều nhu cầu như quản lý ra vào tòa nhà, quản lý đăng nhập PC và các ứng dụng trong ngành giải trí.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE