Cổ phiếu về giá 1x, Hòa Phát (HPG) rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn

Để thủng mốc 2x, cổ phiếu HPG tiếp tục “trôi” về vùng 1x và vốn hóa chỉ còn chưa đầy 105.000 tỷ đồng - không đủ để giữ được vị trí trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh VN-Index giảm mạnh xuống mức thấp nhất 20 tháng, thị giá cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát lâm vào tình cảnh sụt giảm mạnh. Chỉ tính riêng 10 phiên gần đây, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành thép đã "bốc hơi" gần 22%. Đặc biệt trong phiên đầu tiên của tháng 10, khi VN-Index giảm hơn 45 điểm, tương đương 4,03% xuống 1.086,44 điểm, cổ phiếu HPG cũng chính thức mất mốc 2x và tiếp tục "trôi" về vùng giá 1x.

VỐN HÓA “BỐC HƠI” GẦN 154.000 TỶ ĐỒNG

Kết phiên 6/10, cổ phiếu HPG giảm 6,2% về mức 18.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 59% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 10/2021 và cũng là mức thấp nhất trong vòng gần 23 tháng qua (tính theo giá điều chỉnh).

Còn tính theo giá chưa điều chỉnh, lần gần nhất cổ phiếu HPG có giá 1x đã là từ giữa tháng 4/2020, tức là cách đây 30 tháng trước. Từ đó đến nay, cổ phiếu đầu ngành thép đã 3 lần điều chỉnh giá do chia cổ tức (ngày 29/7/2020, 31/5/2021 và 17/6/2022) nhưng chưa từng trở lại vùng giá 1x.

Cổ phiếu HPG đã giảm về mức thấp nhất trong vòng gần 23 tháng qua
Cổ phiếu HPG đã giảm về mức thấp nhất trong vòng gần 23 tháng qua

Tại mức thị giá 18.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Hòa Phát tương ứng còn khoảng 105.000 tỷ đồng - không đủ để Hòa Phát giữ được vị trí trong top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.

Chỉ gần một năm trước (cuối tháng 10/2021), thời điểm cổ phiếu HPG đang ở đỉnh, vốn hóa của HPG lên tới gần 260.000 tỷ đồng và xếp thứ tư trong top vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán, chỉ sau Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM). Như vậy, so với thời đỉnh cao, vốn hóa của Hòa Phát đã “bốc hơi” gần 154.000 tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD), rớt khỏi nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và hiện đứng thứ 10 trong top vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.

Cổ phiếu về giá 1x, Hòa Phát (HPG) rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn

Sau khi Hòa Phát “rớt đài” top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán chỉ còn lại các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cùng một vài doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống như Vinamilk (VNM), Masan (MSN) và dầu khí - PV Gas (GAS).

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Có thể thấy, đà giảm của cổ phiếu HPG trong thời gian qua, một phần do dòng tiền không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi (freefloat) lên tới gần 3,2 tỷ đơn vị, chỉ xếp sau VPB (4,7 tỷ đơn vị). Điều này hoàn toàn trái ngược với thời điểm quý 2, quý 3 năm ngoái khi cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành thép có những phiên có giá trị giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, bối cảnh kinh doanh không còn thuận lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá cổ phiếu HPG, đặc biệt là đà giảm mạnh của giá thép. Theo đó, sau khi lợi nhuận đạt đỉnh vào quý 3/2021 nhờ giá thép tăng cao kỷ lục, lợi nhuận của Hòa Phát bắt đầu chững lại và đi xuống khi giá thép lao dốc.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết kết quả kinh doanh quý 2 của Hòa Phát sẽ rất "thê thảm" trong bối cảnh hoạt động của ngành thép gặp nhiều khó khăn. Và sự thật, quý 2/2022 có thể xem là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 2 năm trở lại đây đối với ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng. Giá thép giảm trong khi giá vốn cao khiến lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát giảm 59% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, áp lực bán ra mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay cũng khiến thị giá cổ phiếu HPG càng giảm sâu. Chỉ trong phiên 6/10, khối ngoại bán ròng hơn 198 tỷ đồng sau khi đã bán ròng gần 141 tỷ đồng trong phiên trước đó. Tổng cộng, HPG đã bị khối ngoại bán ròng gần 5.800 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cũng là yếu tố gây bất lợi cho cổ phiếu này khi nợ vay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài chính của Hòa Phát. Tính đến cuối quý 2/2022, doanh nghiệp này đang vay nợ hơn 70.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với các tài sản được hưởng lãi suất.

Hòa Phát ước tính mỗi thay đổi 100 điểm cơ bản của lãi suất sẽ làm tăng hoặc giảm 12,43 tỷ đồng lợi nhuận thuần hợp nhất cho kỳ 6 tháng. Con số này dù không lớn so với lợi nhuận của Hòa Phát nhưng còn có thể tăng thêm khi tập đoàn chuẩn bị đầu tư cho dự án Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng trong đó nguồn vốn vay chiếm khoảng 35.000 tỷ đồng.

Việc tỷ giá leo thang do đồng USD không ngừng tăng giá cũng có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận của Hòa Phát. Riêng trong quý 2, doanh nghiệp đầu ngành thép đã lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng.

Theo nhận định của SSI Research, lợi nhuận của Hòa Phát có thể tiếp tục giảm so với cùng kỳ và chạm đáy trong các quý tới. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thép trong nước được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực lạm phát và việc kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản. Sản lượng tiêu thụ HRC cũng sẽ gặp thách thức do các nhà sản xuất tôn mạ đang giảm số dư hàng tồn kho trong bối cảnh giá giảm và nhu cầu chậm lại ở cả kênh nội địa và xuất khẩu.

SSI Research dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của HPG lần lượt đạt 147.500 tỷ đồng (giảm 1,5% so với cùng kỳ) và 21.600 tỷ đồng (giảm 37,4% so với cùng kỳ). Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC, ống và phôi thép ước tính lần lượt đạt 4,6 triệu tấn (tăng 17% so với cùng kỳ), 2,65 triệu tấn (tăng 3% so với cùng kỳ), 690 nghìn tấn (tăng 0% so với cùng kỳ) và 420 nghìn tấn (giảm 68% so với cùng kỳ).

Sang năm 2023, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng 11% lên 24.00 tỷ đồng do sản lượng từ dòng sản phẩm thép chủ chốt tăng 9% và tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Kim Long Nam, chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại dự án tháp CT3 và CT7 - Đà Nẵng Times Square.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE