Cổ phiếu nào tiềm năng nhất khi đường đua lợi nhuận doanh nghiệp F&B tiếp tục phân hóa?

Sự phục hồi hậu COVID-19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát là 3 nhân tố chính tác động lên các doanh nghiệp F&B Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, xung đột Nga – Ukraine sẽ tạo nên sự phân hóa trong bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp F&B.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo ngành Thực phẩm & đồ uống (F&B) của Công ty Chứng khoán Mirea Asset cho biết, trong năm 2021 dưới tác động của làn sóng thứ 3 và 4 của đại dịch COVID-19, giá trị bán lẻ hàng hóa Việt Nam năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng 0,2% - mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.

Kèm theo đó, giá trị tiêu dùng dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2021 tiếp tục giảm sâu 19,3% so với cùng kỳ do các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Có thể nói năm 2021 là năm ảm đạm nhất của ngành thực phẩm, đồ uống (F&B) Việt Nam nói chung trong lịch sử kể từ thời kỳ đổi mới.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận cốt lõi của các doanh nghiệp F&B có kết quả trái chiều trong năm 2021. Tổng doanh thu của 78 doanh nghiệp F&B niêm yết năm 2021 đạt 279 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chi phí sản xuất tăng nhanh làm giảm biên lợi nhuận gộp dẫn đến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp F&B nói chung chỉ tăng 1,1% so cùng kỳ.

Sang năm 2022, Mirea Asset cho rằng, sự phục hồi hậu COVID-19, xung đột Nga – Ukraine và lạm phát sẽ là 3 nhân tố chính tác động lên các doanh nghiệp F&B Việt Nam.

Về mặt tích cực, Chính phủ Việt Nam đã chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế từ 15/3/2022 và không còn hạn chế nào cho tất cả các loại hình kinh doanh nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức trên 70% dân số. Nhờ kết quả này, tiêu thụ thực phẩm, đồ uống nội địa được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại mức trước COVID trong năm 2022.

Tuy nhiên đà phục hồi của thị trường thực phẩm, đồ uống sẽ bị cản trở bởi hệ quả xung đột Nga – Ukraine dẫn đến giá cả leo thang, tỷ lệ lạm phát cao ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.

Mirea Asset tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp F&B niêm yết sẽ tiếp tục phân hóa trong năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu lương thực là hai nhóm doanh nghiệp F&B có cơ hội gia tăng lợi nhuận tốt nhất năm 2022.

Cơ sở để Mirea Asset đưa ra nhận định trên là hai quốc gia Nga và Ukraine xuất khẩu 26% lúa mỳ và 7% cá của thế giới. Căng thẳng giữa hai nước này và các lệnh cấm vận hậu chiến sẽ làm gián đoạn nguồn cung bột mỳ dẫn tới nhu cầu nhập khẩu hai sản phẩm này từ các khu vực khác trên thế giới tăng lên kèm theo giá tăng.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của cá Minh Thái từ Nga. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các thủy sản thay thế sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, thiếu hụt lúa mỳ là thực phẩm chính của thế giới sẽ dẫn đến nhu cầu cho lương thực thay thế là gạo Việt Nam được hưởng lợi.

Báo cáo phân tích chỉ ra các doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi như: VHC, IDI, ANV, TAR, LTG.

Nhóm tiếp theo Mirea Asset cho rằng có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 là đồ uống. Đội ngũ phân tích Mirae Asset tin rằng tiêu thụ đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn sẽ không bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách như năm 2021. Hơn nữa, tiêu thụ đồ uống nhiều khả năng sẽ tiếp cận lại gần mức trước COVID khi du lịch quốc tế đến Việt Nam đã được chính thức nối lại từ 15/3/2022. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của nhóm đồ uống sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao lịch sử, trong đó có malt, hương liệu, đường, nhôm và nhựa. Trong nhóm này Mirea Asset cho rằng đáng lưu ý là SAB.

Ngoài ra, Mirae Asset cho rằng, một số doanh nghiệp không nằm trong nhóm lợi thế trên nhưng vẫn có khả năng đạt được mức tăng trưởng tốt nhờ vị thế cạnh tranh đặc biệt như Masan (MCH) hay Dabaco (DBC).

Đối với Masan, Mirae Asset cho biết, đây là nhà sản xuất thực phẩm đóng gói lớn nhất Việt Nam với sản xuất chính là gia vị, mỳ ăn liền, thịt chế biến, đồ uống (có cồn và không cồn) cùng với các sản phẩm khác. MCH có doanh thu chủ yếu ở phân khúc cao cấp và một tỷ lệ lớn tăng trưởng doanh thu đến từ việc mở rộng phân khúc cao cấp. Do đó, việc giá nguyên liệu tăng sẽ ít ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận của MCH so với các doanh nghiệp khác ở phân khúc thấp hơn.

Không chỉ vậy, MCH còn có doanh thu đến từ đồ uống (cả không cồn và có cồn) cùng với sản phẩm giặt tẩy là những nhóm hàng sẽ có khả năng tăng trưởng cao khi thị trường phục hồi.

Còn Dabaco Mirea Asset nhận định, năm 2022 mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi của DBC sẽ chịu áp lực lớn từ việc giá nguyên liệu tăng mạnh (đậu tương, ngô …) nhưng sẽ được hỗ trợ bởi mảng bất động sản và mảng kinh doanh mới là vaccine tả lợn châu phi (ASF – bệnh dịch làm đàn heo của Việt Nam, Trung Quốc giảm tới 15% năm 2019, đến nay chưa có vaccine đặc hiệu). Tháng 12/2021, DBC tuyên bố đã nghiên cứu thành công vaccine ASF, đồng thời phối hợp với bộ nông nghiệp xây dựng nhà máy và sản xuất đại trà trong năm 2022.

Mirea Asset đánh giá tiềm năng tăng trưởng của DBC là rất lớn vì tầm quan trọng của vaccine ASF.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE