CNBC: Kinh tế Mỹ có thể đã rơi vào suy thoái

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu mới đây nhất nói rằng ông lo lắng về rủi ro không thể kiềm chế được lạm phát hơn là khả năng nâng lãi suất lên mức quá cao và đẩy kinh tế vào suy thoái.
Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tăng trưởng kinh tế đang phát đi dấu hiệu rằng kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.

Theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải, phần lớn các chuyên gia kinh tế đang dự báo về khả năng tăng trưởng âm, tuy nhiên số liệu chính thức sẽ chưa phản ánh tình trạng này ít nhất cho đến năm 2023.

Tuy nhiên, khảo sát của Fed tại Atlanta, chỉ số theo dõi các dữ liệu kinh tế thực và điều chỉnh liên tục, cho thấy sản lượng kinh tế quý 2/2022 giảm 2,1%. Kết hợp với việc tăng trưởng quý 1/2022 giảm 1,6%, diễn biến này hoàn toàn khớp với định nghĩa kinh tế suy thoái kỹ thuật.

Đồng sáng lập DataTrek Research, ông Nicholas Colas, nhận xét: “GDPNow có hệ thống dữ liệu đầy đủ, và khi mà thời điểm 28/7/2022 của việc công bố ước tính tăng trưởng GDP quý 2/2022 đến gần, tình trạng suy thoái càng trở nên rõ ràng hơn.

Số liệu mới công bố trong tuần này cho thấy sự suy giảm về tiêu dùng và đầu tư nội địa tính điều chỉnh với lạm phát. Ngoài ra, trong quý vừa qua, lãi suất cơ bản đồng USD cũng được điều chỉnh tăng.

Trong nỗ lực giảm lạm phát, Fed đã nâng lãi suất ước tính khoảng 1,5 điểm phần trăm tính từ tháng 3/2022, nhiều khả năng sẽ có thêm các đợt nâng lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm và cả năm 2023.

Các quan chức thuộc Fed đã thể hiện quan điểm lạc quan rằng họ sẽ vẫn có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy kinh tế vào suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, chủ tịch Fed Jerome Powell vào đầu tuần này khẳng định mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên cao nhất.

Giáo sư đại học Wharton, ông Jeremy Siegel, nhận định kinh tế Mỹ nếu có suy thoái cũng sẽ không quá sâu.

Trong cuộc họp vào đầu tuần này trước Ủy ban châu Âu (EU), ông Powell đã được hỏi rằng ông sẽ nói thế nào với người Mỹ về việc chính sách tiền tệ sẽ cần phải mất bao nhiêu lâu để có thể giải quyết được vấn đề chi phí cuộc sống leo thang.

Ông Powell đáp lời: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cho những khó khăn mà người dân đang trải qua khi lạm phát tăng cao, chúng tôi thực sự cần phải giải quyết vấn nạn này và chúng tôi cam kết cũng như tin sẽ thành công kiềm chế lạm phát xuống ngưỡng 2%. Quá trình này chắc chắn sẽ gây ra không ít khó khăn, thế nhưng điều tệ hại hơn sẽ nằm ở việc không thể giải quyết lạm phát cao và để nó kéo dài”.

Việc lạm phát cao trong khi kinh tế suy giảm trở thành suy thoái hiện còn chưa chắc chắn. Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, nơi đưa ra các định nghĩa về suy thoái cũng như tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh rằng việc tăng trưởng GDP quý giảm liên tiếp không nhất thiết đồng nghĩa với suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, tính từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, chưa hề có lần nào kinh tế suy giảm liền hai quý và sau đó không suy thoái.

Ông Colas nhấn mạnh rằng lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ đã chịu ảnh hưởng từ khả năng tăng trưởng kinh tế suy giảm, triển vọng không ngừng được công bố xấu đi trong 2 tuần gần đây.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu vào tuần này nói rằng ông lo lắng về rủi ro không thể kiềm chế được lạm phát hơn là khả năng nâng lãi suất lên mức quá cao và đẩy kinh tế vào suy thoái, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Trong ngày thứ Tư, ông Powell nói: “Liệu có rủi ro chúng tôi sẽ đi quá xa hay không? Chắc chắn có những rủi ro. Sai lầm lớn nhất chính là liệu có thất bại trong việc khôi phục ổn định giá cả”.

Các quan chức thuộc Fed đang nâng lãi suất ở tốc độ mạnh tay nhất tính từ thập niên 1980 một phần bởi lo ngại rằng giá cả cao sẽ có thể thay đổi tâm lý tiêu dùng của người dân theo những cách gây ra lạm phát cao tệ hại hơn. Các chuyên gia kinh tế tin rằng kỳ vọng lạm phát trong tương lai hoàn toàn sẽ có thể trở thành hiện thực. Thực tế này đồng nghĩa với việc Fed sẽ có thể buộc phải nâng lãi suất cơ bản đồng USD cao hơn so với kỳ vọng.

Ông Powell nói rằng ngân hàng trung ương sẽ cần phải nâng lãi suất nhanh chóng, thậm chí nếu như nó làm tăng rủi ro suy thoái kinh tế nhằm ngăn mối họa tệ hại hơn cho nền kinh tế, hoặc nếu không lạm phát sẽ kéo dài. Ông khẳng định Fed không thể nào điều chỉnh lãi suất dần dần bởi lo ngại lạm phát cao sẽ có thể khiến người tiêu dùng và những người điều chỉnh giá cả trên thị trường kỳ vọng giá cả sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE