Chuyên gia: Châu Âu ở "tâm chấn" khủng hoảng năng lượng, nhưng Nga cũng "không thắng"

Theo ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), khả năng Nga tìm được một đối tác tiêu thụ năng lượng tiềm năng, thay thế được EU trong ngắn hạn chỉ là một giấc mơ.
Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng có quy mô rộng lớn và phạm vi chưa từng có. Nguồn: Reuters
Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng có quy mô rộng lớn và phạm vi chưa từng có. Nguồn: Reuters

Vị chuyên gia này cho rằng, trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khoảng 65% tổng lượng khí đốt và 55% lượng dầu của Nga đến châu Âu. Châu Âu từng là thị trường lớn nhất, khách hàng lớn nhất của Moscow và quốc gia này đã mất khách hàng này mãi mãi.

Khi được hỏi liệu Nga có thể tìm kiếm khách hàng mới ngoài châu Âu hay không, ông Birol nói rằng, điều đó sẽ không dễ dàng vì "một lượng lớn" khí đốt của Nga bắt nguồn từ Tây Siberia và sau đó chảy đến châu Âu qua các đường ống.

Giám đốc điều hành IEA dự đoán, việc xây dựng các đường ống khí đốt mới từ Nga tới Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể mất tới 10 năm và cần một sự đầu tư đáng kể.

Ông Birol nhấn mạnh: “Để thay thế khách hàng tiềm năng trong ngắn hạn là một giấc mơ viển vông”.

Nhưng Nga không phải là quốc gia duy nhất trải qua thời kỳ khó khăn. Trong cuộc phỏng vấn với Euro News, ông Birol đã nói về một cuộc khủng hoảng năng lượng có quy mô rộng lớn và phạm vi chưa từng có, đang tàn phá khắp nơi trên thế giới.

Vị chuyên gia này tiết lộ: "Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Thế giới chưa bao giờ chứng kiến ​​một cuộc khủng hoảng năng lượng với độ sâu và mức độ phức tạp như thế này.

Vào những năm 1970, chúng tôi gặp khủng hoảng dầu mỏ, nhưng đó chỉ là dầu mỏ. Bây giờ, thế giới đang gặp rắc rối với dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá và điện”.

Ông Birol mô tả, châu Âu là "tâm chấn" của cơn bão và mô tả việc phụ thuộc hàng thập kỷ vào nhiên liệu giá rẻ của Nga là một "sai lầm” của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Người đứng đầu IEA bày tỏ lo ngại về mùa Đông năm 2023-2024, với ba yếu tố chính: Châu Âu không có khí đốt của Nga, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc và các điều kiện thắt chặt hơn trên thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Ông nói: “Mùa Đông năm nay đã khó khăn nhưng mùa Đông năm sau còn khó khăn hơn. Trong vài năm tới, chúng tôi phải sẵn sàng đối phó với giá năng lượng cao và biến động. Chúng tôi phải tìm ra giải pháp”.

Khi được hỏi về cuộc tranh luận đang diễn ra của các nhà lãnh đạo EU về vấn đề giới hạn giá khí đốt, ông Birol cho biết, đây có thể là một "ý tưởng hay", miễn là giới hạn giá đủ rộng để khiến khối 27 thành viên trở thành khách hàng hấp dẫn đối với các nhà sản xuất LNG.

Việc lấp đầy thành công các kho dự trữ khí đốt trong năm nay (đã đầy hơn 93% công suất) là kết quả của việc châu Âu phải trả nhiều tiền hơn các khách hàng khác để mua LNG.

Giám đốc điều hành IEA giải thích: “Nếu EU đặt giới hạn giá quá thấp, thì sức mạnh cạnh tranh của khối sẽ kém hơn các khách hàng khác”.

Liên quan đến việc mua chung khí đốt - một đề xuất đã thu hút được nhiều sự quan tâm hơn giữa các nước EU - người đứng đầu IEA nhận thấy, nếu các nước châu Âu xoay sở để "trở thành một bên mua mạnh", họ có thể bỏ thầu các khách hàng LNG khác trên khắp thế giới.

Còn với vấn đề dầu mỏ, nguồn thu chính của Nga, ông Birol không giấu giếm sự không hài lòng về quyết định mới nhất của OPEC là cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Ông cho rằng, tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới nên hành động có trách nhiệm hơn trong thời kỳ khủng hoảng.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Bây giờ, họ quyết định giảm sản lượng dầu của mình, điều này sẽ đẩy giá lên cao. Đó là một quyết định rất mạo hiểm và theo quan điểm của tôi, đó là một quyết định đáng tiếc”.

Theo Thế giới Việt Nam

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE