Chứng khoán Mỹ mất điểm bởi nỗi lo suy thoái kinh tế

Các chỉ số chứng khoán chính, giá dầu và lợi suất trái phiếu Mỹ suy giảm. Một số nhà đầu tư ngại ngần trong việc đưa ra những quyết định lớn trước khi số liệu lạm phát được đưa ra.
Ảnh: BusinessPost
Ảnh: BusinessPost

Nỗi sợ suy thoái kinh tế đến gần gây áp lực lên các thị trường chứng khoán, dầu và lợi suất trái phiếu, như vậy các thị trường toàn cầu chịu nhiều sức ép.

Chỉ số S&P 500 giảm đến phiên giao dịch thứ 3, chỉ số hạ 35,63 điểm tương đương 0,9% xuống còn 3.818,8 điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 192,51 điểm tương đương 0,6% xuống 30.981,33 điểm.

Chỉ số Nasdaq hạ 107,87 điểm tương đương 0,9% xuống 11.264,73 điểm. Mức sụt giảm của thị trường tăng nhanh trong giờ giao dịch cuối.

Nỗi lo về khả năng kinh tế chững lại đã khiến cho giá dầu giảm sau khoảng thời gian tăng mạnh. Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai, loại dầu chuẩn trên các thị trường quốc tế, giảm 7,1% xuống 99,49USD/thùng. Như vậy giá dầu chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp và xuống mức thấp nhất tính từ tháng 4/2022.

Giá dầu giảm không khỏi kéo cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng sụt giảm. Cổ phiếu năng lượng ghi nhận mức hạ sâu nhất trong nhóm các cổ phiếu ngành thuộc S&P 500.

Trước thời gian thị trường biến động vừa rồi, cổ phiếu năng lượng luôn thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất. Phiên ngày thứ Ba, tình hình của cổ phiếu nhóm ngành này đã khác, cổ phiếu năng lượng hạ 2%. Cổ phiếu Hess hạ 3,9%; cổ phiếu Marathon Oil sụt 3,1%.

Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu lạm phát mới nhất dự kiến được công bố vào ngày thứ Tư. Các chỉ số chứng khoán chính, giá dầu và lợi suất trái phiếu Mỹ đều suy giảm trước khi số liệu được công bố.

Một số nhà đầu tư ngại ngần trong việc đưa ra những quyết định lớn trước khi số liệu lạm phát được đưa ra, kết quả, các chỉ số điều chỉnh tăng giảm nhẹ trong suốt phiên trước khi giảm trong ngày giao dịch.

Giám đốc bộ phận kinh doanh tại KBW, ông R.J. Grant, phân tích: “Chúng tôi không thấy nhà đầu tư nào có những động thái mạnh tay trong bối cảnh hiện tại, chẳng ai muốn làm anh hùng cả”.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc thị trường suy giảm vào cuối phiên chiều có nguyên nhân trực tiếp từ dòng đăng trạng thái của Giám đốc Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng khẳng định rằng số liệu lạm phát dự kiến sắp công bố sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi diễn biến bất thường của giá khí đốt. Chính vì vậy nhiều nhà đầu tư coi thông điệp này như dấu hiệu cho thấy số liệu về lạm phát sẽ tệ hại hơn so với tính toán của nhiều người.

Lạm phát cao và định hướng chính sách hướng đến thắt chặt tiền tệ của Fed đã ảnh hưởng đến thị trường nhiều tháng nay, nhiều chuyên gia phân tích khẳng định số liệu công bố ngày thứ Tư cũng không thể nào khiến họ lạc quan về hướng diễn biến của lạm phát.

Trong nghiên cứu gửi khách hàng công bố vào ngày thứ Ba, Citigroup khẳng định: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ khó có khả năng chỉ số giá tiêu dùng có diễn biến tích cực trong thời gian tới thị trường sẽ vẫn đặc biệt nhạy cảm với đợt tăng giá cả tiêu dùng mới.

Hiện nay, Fed đang có kế hoạch đẩy cao lãi suất cơ bản đồng USD trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Nhà đầu tư khẳng định rằng chiến lược chính sách trên kết hợp với dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang mất đà tăng trưởng sẽ tiếp tục gây tổn hại đến thị trường tài chính. Ngoài ra, thị trường cũng đang đương đầu với hàng loạt thách thức ví như chương trình không COVID-19 của Trung Quốc và căng thẳng Nga – Ukraine.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE