Quay về eMagazine
Chứng khoán 2022: Hướng đến những đỉnh cao

Chứng khoán 2022: Hướng đến những đỉnh cao

Lập loạt kỷ lục trong năm 2021, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo chưa dừng lại và tiếp tục hướng đến những đỉnh cao mới trong 2022, cả về thanh khoản và điểm số…

Tăng hơn 35%, VN-Index vừa có năm bứt phá vượt trội so với các thị trường mới nổi và đang phát triển, nằm trong top 10 chỉ số đại diện cho các thị trường tăng mạnh nhất thế giới. HNX-Index còn tăng tới 133,35% và UPCoM-Index tăng 51,35% năm qua.

Vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cuối 2021 đã đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP; giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên, tăng 250% so với năm 2020, ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 2,3 tỷ USD, xếp thứ 2 trong Đông Nam Á…

Trao đổi với BizLIVE nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần 2022, các chuyên gia, lãnh đạo công ty chứng khoán cùng kỳ vọng: với nhiều yếu tố hỗ trợ, đà hưng phấn của thị trường sẽ được duy trì trong năm mới.

Trong cuốn “Rising Vietnam” được xuất bản vào năm 2009 tại Hàn Quốc tôi luôn nhấn mạnh “Tiềm năng TTCK Việt Nam là vô tận”, và đến nay, sau 12 năm, chứng kiến sự phát triển thần kỳ của không chỉ nền kinh tế mà còn của TTCK Việt Nam, tôi thấy vui mừng vì kỳ vọng của mình hoàn toàn chính xác.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 7%/năm (loại trừ giai đoạn COVID 2019 – 2021), vốn hóa TTCK/GDP tăng trưởng trung bình hơn 50% mỗi năm và lập đỉnh trong năm 2021, có thời điểm đạt 133,83% GDP. Những con số ấn tượng chứng minh cho sự phát triển và độ hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tôi tin sự phát triển mạnh mẽ này cũng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.

Cá nhân tôi cũng như Tập đoàn Mirae Asset luôn đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường Việt Nam. Việt Nam là một trong 15 quốc gia mà chúng tôi đầu tư đang có tốc độ tăng trưởng tốt, GDP bình quân đầu người được cải thiện nhanh, cơ cấu dân số trẻ và nền chính trị ổn định. Chính những đặc điểm này đã góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng vượt qua dịch bệnh COVID-19, dần đưa các hoạt động kinh tế đi vào ổn định. Có thể nói, COVID-19 là phép thử, và Việt Nam đã chứng tỏ mô hình vận động kinh tế - xã hội chắc chắn, hiệu quả và bền vững.

Kỳ vọng phục hồi kinh tế là động lực chính thúc đẩy thị trường tăng điểm. Cụ thể, chúng tôi dự phóng tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,7% so với mức tăng của năm 2021 là 2,58%. Đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022 (tăng 7,4% so với năm 2021), cũng như giai đoạn 2022-2024 (tăng trưởng kép gần 8%/năm), giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo nhu cầu cho các xây dựng và vật liệu xây dựng.

Năm 2022, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng và chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường, khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc các nhà đầu tư nước ngoài khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Từ đó, vốn FDI thực hiện được kì vọng sẽ cải thiện hơn.

Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, với lợi thế về chi phí lao động rẻ. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI vẫn tốt nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan đối với triển vọng của ngành bất động sản khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế nhờ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tư do. Chỉ số PMI của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì trên 50 điểm, báo hiệu nhu cầu toàn cầu đang cải thiện. Với triển vọng tăng trưởng xuất khẩu lạc quan, các ngành như cảng biển, logistics cũng sẽ được hưởng lợi.

Trong khi đó, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp, với các yếu tố xúc tác chính bao gồm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh. Sức mua của người tiêu dùng cao hơn cũng sẽ góp phần thúc chi tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiêu dùng tăng thông thường sẽ khuyến khích các công ty tăng sản lượng và công suất, tạo thêm động lực tăng trưởng.

Các ngành Ngân hàng, Chứng khoán, và Công nghệ sẽ tiếp tục thuận lợi trong bối cảnh bình thường mới, nhờ vào ứng dụng công nghệ cao trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, chúng tôi dự phóng mức tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm. Với mức P/E hợp lý khoảng 16 lần, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ chinh phục ngưỡng 1.700 điểm trong năm 2022.

Tuy nhiên, rủi ro liên quan đến kiểm soát dịch bệnh vẫn là rủi ro lớn nhất. Chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 85% tổng giá trị giao dịch trong năm 2021) tiếp tục là động lực chính của thị trường trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp và triển vọng TTCK lạc quan.

Tuy vậy, TTCK Việt Nam cần có thêm nhiều sản phẩm đầu tư để phát triển và mở rộng quy mô thị trường; một số sản phẩm cấu trúc như ELS (Equity Linked Securities), ELW (Equity Linked Warrant), hay ELN (Equity Linked Note) nên được giới thiệu cho các nhà đầu tư để đa dạng hóa cơ hội đầu tư; việc nới “room” ngoại lên 100% đối với các ngành nghề, lĩnh vực không vướng quy định về hạn chế nước ngoài sở hữu cổ phần cũng nên được xem xét và giao dịch T0 cũng nên sớm được đưa ra thị trường để tăng mức độ hấp dẫn.

2021 là năm bùng nổ của thanh khoản. Từ khi giải được nút nghẽn lệnh ở HOSE đầu tháng 7/2021, thanh khoản thị trường như được cởi trói. Hiện giá trị giao dịch bình quân gần 1,4 tỷ USD mỗi phiên, gấp 8 lần trước đại dịch.

Trong khi lãi suất tiết kiệm vẫn còn thấp, định giá cổ phiếu thấp ở giai đoạn dịch bệnh 2020 giúp nhà đầu tư chứng khoán lãi cao đã hấp dẫn thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Thị trường đã chứng kiến số lượng tài khoản mở mới kỷ lục, cao hơn 10 lần lượng tài khoản mở mới bình quân mỗi tháng ở giai đoạn trước dịch.

Diễn biến thị trường tăng mạnh cũng là yếu tố giúp nhu cầu đầu tư cũng tăng cao. Lượng margin năm 2021 cũng ghi nhận mức kỷ lục khi các công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 2,5 tỷ USD cũng là một kỷ lục mới trong năm vừa qua.

Việt Nam đang tái mở cửa sớm hơn vào đầu năm 2022, cộng với gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay sẽ sớm giúp nền kinh tế Việt Nam quay lại quỹ đạo tăng trưởng 6,5%-7% cho giai đoạn 2021-2025.

Triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2022 theo tôi đánh giá vẫn khả quan. Ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 đạt 26,7% so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 có chậm hơn so với năm 2021 (32,5% so với cùng kỳ) nhưng vẫn là điểm sáng đáng kể khi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines (+18,9%), Thái Lan (+13,7%), Singapore (+12,3%) và Indonesia (+12,3%) trong khi Malaysia (-1,8%).

Tôi kỳ vọng 2022 sẽ là một năm bùng nổ về tiêu dùng nhờ hiệu quả kích cầu, giảm thuế, và niềm tin tiêu dùng gia tăng; đầu tư cơ sở hạ tầng kỷ lục 680 nghìn tỷ đồng (+38% n/n) sẽ giúp kết nối các vùng kinh tế và giao thương, đặc biệt là phía Nam; vốn FDI và xuất khẩu tăng trở lại cả về chất lượng lẫn số lượng; các hoạt động M&A và thị trường nợ (Debts Markets) sẽ sôi động hơn trong năm 2022 khi nhu cầu trong việc mở rộng hoạt động, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước và nguồn vốn rẻ của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Dựa trên cách tiếp cận từ đáy lên, tôi kỳ vọng VN-Index có thể đạt 1.800 điểm vào cuối 2022, tăng trưởng 20% so với mức 1.500 điểm đã đạt được trong năm 2021, tương đương với mức P/E cho năm 2022 là 16,5 lần – mức bình quân 3 năm qua.

Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, tôi nghĩ ngoài việc bổ sung sản phẩm mới (ví dụ các hợp đồng tương lai chỉ số khác ngoài chỉ số VN30…) hay việc sớm đưa hệ thống KRX vào vận hành thì việc tăng cường các hoạt động giám sát (cả về mặt chính sách lẫn về mặt hệ thống công nghệ thông tin giám sát giao dịch) là cần thiết để giúp cho cơ quan quản lý có thể tiếp cận các dữ liệu thị trường/giao dịch nhanh hơn, sâu hơn và quản lý thị trường một cách linh động nhưng chặt chẽ hơn.

Qua đó, sẽ góp phần cũng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước (đặc biệt là các nhà đầu tư mới), cũng như tháo gỡ các vướng mắc để hướng tới việc nâng hạn thị trường như mục tiêu đã đặt ra là trước năm 2025.

Theo nhận định cá nhân tôi, 2022 tiếp tục sẽ là một năm thăng hoa rực rỡ của TTCK Việt Nam, đặc biệt là với các nhóm ngành như dệt may, bất động sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), năng lượng…

Việt Nam đang từng bước kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế. Các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu được khai thác trở lại và ngành dịch vụ du lịch dần phục hồi trong thời gian không xa.

Hơn nữa Việt Nam vẫn duy trì được sức tăng trưởng GDP năm 2021, đây thực sự là cú hích lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với cơ cấu dân số trẻ, thị trường lao động vẫn còn khá hấp dẫn so với các nước trong cùng khu vực, vì vậy chúng tôi rất lạc quan cho sự phát triển đột phá hơn nữa của Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.

Qua những diễn biến tăng trưởng vượt bậc bất chấp đại dịch của TTCK trong năm 2021, chúng ta đã thấy sự tự tin của các nhà đầu tư trong nước thông qua sự tăng trưởng về lượng tiền tham gia đầu tư. Tôi kỳ vọng năm 2022 TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục hướng đến nhiều đỉnh cao mới, cả về điểm số lẫn giá trị giao dịch.

TPS đã có một năm 2021 chạy đà hoàn hảo với việc tăng vốn lên 2.000 tỷ, niêm yết tại sàn HSX và rất sẵn sàng cho một năm mới với những thách thức mới. Chúng tôi rất tự tin TPS vẫn sẽ là một trong những công ty chứng khoán phát triển nhanh nhất thị trường những năm trở lại đây. Chúng tôi đã tập trung đầu tư và phát triển công nghệ, nguồn nhân lực, sản phẩm dịch vụ tiệm cận với thị trường giúp chúng tôi dẫn đầu về môt số sản phẩm, dịch vụ trong thời gian qua.

Mục tiêu của chúng tôi năm 2022 là tiếp tục đầu tư vào con người, công nghệ và sản phẩm dịch vụ, tiếp tục tăng vốn lên 4.500-5.000 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các hoạt động về margin, tự doanh… đồng thời giới thiệu các các sản phẩm mới như chứng quyền, phái sinh và tiếp tục tập trung vào thế mạnh của TPS là mảng ngân hàng đầu tư.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE